Chuyên gia tài năng “ươm mầm” cho sản xuất hoạt hình Việt
VHO - Tham gia vào ê-kíp sản xuất những tác phẩm vang danh như: Avatar, King Kong…, chuyên gia diễn hoạt Luka Trịnh đã bén duyên cùng công nghệ 3D từ sớm. Động lực nào đã khiến anh quyết định rời các “ông lớn” như Sony Picture Imageworks, Industrial Light & Magic quay về Việt Nam làm thầy dạy sản xuất hoạt hình?
Du học để quyết tâm chinh phục giấc mơ
Chuyên gia diễn hoạt quốc tế Luka Trịnh, được biết đến với tên Trịnh Tuấn Anh, tốt nghiệp trường đào tạo điện ảnh Vancouver Institute of Media Art tại Canada. Anh từng đảm nhận vị trí diễn hoạt về animation, visual effects (VFX) tại các studio lớn như Sony Picture Imageworks và Industrial Light & Magic.
Đồng thời, trực tiếp thực hiện những tác phẩm hoạt hình đình đám như: Angry Birds 2, Ultraman 2024 (Netflix), Mitchells vs The Machines (Netflix), Sausage Party (2016), Dragon Prince (Netflix), Hotel Transylvania 3… Sau 10 năm làm nghề, anh đang giữ vị trí Giám đốc học thuật tại Sconnect Academy of Media Arts (SAMA).
Lớn lên trong “kỷ nguyên vàng” của công nghệ, được tiếp cận những thiết bị điện tử sớm đã giúp Luka Trịnh bén duyên với những bộ phim đồ họa sống động, chuyển cảnh mượt mà và khung hình sắc nét. Tuy nhiên tại thời điểm đó, anh chưa xác định sẽ theo đuổi con đường đồ hoạ một cách chuyên nghiệp.
Chàng trai trẻ đi du học với tinh thần trải nghiệm của tuổi 17. Đi để biết, để quan sát thế giới. Cho đến khi chính thức học chuyên ngành truyền thông tại một trường Đại học ở Canada, Luka mới nhận thấy niềm đam mê lớn dần với hoạt hình, thôi thúc anh đưa ra quyết định đổi ngành học, bắt đầu lại từ đầu!
“Tôi chưa từng hối hận vì đã lựa chọn đổi ngành và thấy mình may mắn khi được phép thay đổi, được phép sửa sai. Có gì đó thúc giục tôi theo đuổi đam mê bằng tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tôi cho rằng, người trẻ có hai điều quan trọng nhất là thời gian và đam mê. Tôi muốn tận dụng những thế mạnh ấy một cách hợp lý nhất", Luka Trịnh chia sẻ.
Tốt nghiệp tại Vancouver Institute of Media Art, anh mang giấc mơ được làm việc tại hãng phim hoạt hình Sony Picture Imageworks, hào hứng ứng tuyển vị trí thực tập ngay khi hoàn thiện chương trình học.
Nhưng đáng tiếc Luka bị từ chối ngay từ lần đầu, không phải vì sản phẩm “kém chất lượng” mà bởi phong cách hoạt hình của anh thời điểm đó chưa phù hợp với định hướng của thương hiệu. Luka tiếp tục dành thêm thời gian để nghiên cứu cách thay đổi, định hình lại phong cách, nâng cao tay nghề.
Cho tới lần ứng tuyển tiếp theo, sau khi nhận được lời mời tham gia và trở thành một phần của Sony Picture Imageworks, Luka đã có thêm nhiều cơ hội để thử sức ở những dự án lớn nhỏ khác nhau. Đây cũng là khoảng thời gian anh nhận ra với những nghệ sĩ trẻ, ngoài tấm bằng tốt nghiệp, các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn về sản phẩm thực tế.
Những chương trình học mang dấu ấn riêng
Sau khi biết Luka là một người Việt, tham gia vào vai trò diễn hoạt cho các bộ hoạt hình 3D lớn, đã có nhiều bạn trẻ Việt Nam chủ động tìm tới anh để học hỏi.
Giữa năm 2023, Luka Trịnh quyết định rời Industrial Light & Magic để quay về Việt Nam với mong muốn đưa những chương trình học, kinh nghiệm, kiến thức và những trải nghiệm của mình tại Canada, Mỹ và Singapore truyền lại cho các bạn trẻ đam mê nhưng chưa có cơ hội phát triển.
Khi được hỏi về cơ duyên đến với Sconnect Academy of Media Arts, anh cho biết: “Tôi được gặp gỡ những người sáng lập đầu tiên của SAMA, châm ngôn ‘Giáo dục bằng sự tử tế’ đã thu hút tôi. Đây là sự tử tế tôi đang tìm kiếm, nơi tri thức quốc tế được lan toả, nơi ươm mầm những thế hệ nhân lực làm hoạt hình kế cận đầy tiềm năng".
“Tôi mong muốn các bạn trẻ có nhiều cơ hội tại thị trường quốc tế, do đó khi tham gia xây dựng chương trình đào tạo tại SAMA - chương trình đầu tiên và duy nhất đào tạo làm phim hoạt hình tại Việt Nam, tôi đặt ngoại ngữ là môn học bắt buộc.
Tôi dùng nhiều tài liệu tiếng Anh trong quá trình đào tạo và đòi hỏi sinh viên không chỉ biết tiếng Anh giao tiếp mà cần hiểu và biết về các thuật ngữ chuyên ngành. Khi đó mới làm được nghề!”, Luka Trịnh cho biết về định hướng xây dựng chương trình học tại SAMA.
Tại SAMA, chương trình học được xây dựng với các bộ môn thoạt nghe sẽ không ai biết dạy điều gì như: kỹ thuật hoạt hình, ngôn ngữ hình ảnh, giải phẫu hình học,... Những chương trình nghe “chẳng giống ai" đó đều được đúc kết sau quá trình nghiên cứu, tham luận từ Hội đồng cố vấn học thuật của SAMA, xây dựng dựa trên nền tảng cốt lõi của nghệ thuật và học thuật.
Bộ môn kỹ thuật hoạt hình là một ngành học mới, đào tạo các kỹ thuật làm phim theo từng quy trình, xây dựng hệ thống kiến thức bài bản về làm phim hoạt hình như: diễn hoạt, dựng hình, gắn xương,... Tuy nhiên, sự khác biệt ở ngành học này nằm ở thiên hướng kỹ thuật nhiều hơn nghệ thuật.
Hiện nay, ngành học đã được đưa vào giảng dạy tại SAMA, mở rộng cơ hội việc làm cho các bạn trẻ và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của sinh viên và phụ huynh bởi tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.