Chuyện gì đang xảy ra ở thị trường nhạc trẻ? (Bài cuối):

Chung tay dọn ngay rác nhạc!

THÙY TRANG - HỒNG HẠNH

VHO - Sau khi bài viết Chuyện gì đang xảy ra ở thị trường nhạc trẻ? nêu thực trạng nhạc rác đang tràn lan và gây ô nhiễm môi trường văn hóa - nghệ thuật trên Văn Hóa (số 4046, ra ngày 1.7.2024), chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi, chia sẻ từ các nhạc sĩ, ca sĩ và không ít những vị phụ huynh có con trong độ tuổi mới lớn.

Chung tay dọn ngay rác nhạc! - ảnh 1

 Ca từ “không thể tưởng tượng nổi” của một sản phẩm được gọi là âm nhạc đang lưu hành trên nền tảng số hiện nay


Các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình trước thực trạng báo nêu, cho rằng đây là vấn đề cần phải nhanh chóng có biện pháp xử lý mạnh tay từ phía cơ quan chức năng để loại bỏ ngay những sản phẩm “rác văn hóa” đang hoành hành trên mạng xã hội.

Báo động sự mất an toàn cho giới trẻ

Một phụ huynh có con đang học THPT kể, chị “hết hồn” và không thể tin nổi khi con mình nghe các bài nhạc có nội dung dung tục, phản cảm và bạo lực đến thế. Lần ấy, vô tình ghé vào phòng xem con trai đang làm gì, vị này “ngã ngửa” khi chứng kiến những lời lẽ tục tĩu phát ra từ một bản nhạc đang “hot” của giới trẻ. Sau khi tâm sự và giải thích với con đây là sản phẩm độc hại, con không nên tải về nghe, may mắn cậu bé đã hiểu ra và đồng ý làm theo lời mẹ. Nhưng có lẽ, rất nhiều bạn trẻ khác vẫn đang âm thầm hoặc công khai nghe biết bao sản phẩm tương tự, chắc gì người lớn đã biết để mà ngăn chặn! Mỗi sản phẩm này khi tung lên mạng đã thu hút hàng triệu lượt nghe, bình luận. “Một điều tôi thấy khó hiểu là hầu hết các bình luận đều khen: “Quá đỉnh”, “tác giả đúng là thiên tài”, “bài hát như nói lên nỗi lòng của bất cứ ai nghe được”…, vị phụ huynh ngán ngẩm chia sẻ.

Một vị nhạc sĩ đã gửi cho chúng tôi thêm các link bài hát đã phát hành không lâu trước đây. Anh cho biết, thật sự không hiểu nổi tại sao các nhạc sĩ trẻ lại có thể cho ra đời những thứ “kinh khủng” đến thế. “Không thể tưởng tượng những câu từ tục tĩu như vậy lại công khai tồn tại trên các nền tảng công cộng? Đáng báo động hơn là bên dưới các bài hát, phần bình luận hầu hết đều tung hô hết lời (không loại trừ ê kíp họ tự viết), nhưng những người trẻ làm sao phân biệt được thật giả. Con cái của chúng ta đang nguy hiểm từng giờ khi bị những thứ rác rưởi độc hại đó bủa vây”, vị nhạc sĩ bày tỏ lo lắng.

Là ca sĩ có nhiều sản phẩm nghệ thuật được công chúng dành thiện cảm khi kết hợp giữa Xẩm với Rap, Hà Myo chia sẻ: “Hiện nay, Rap đang là một trong những thể loại âm nhạc phổ biến tại Việt Nam, được khán giả trẻ quan tâm, yêu mến. Bởi vậy, hiện tượng lạm dụng ca từ để tạo ra những sản phẩm gây sốc, phản cảm, lố lăng đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Việc sử dụng ngôn từ không phù hợp có thể gây hệ lụy xấu và lan truyền những điều tiêu cực. Hiện tượng “nhạc rác” như chúng ta đang bàn có thể khuyến khích những suy nghĩ và hành động không lành mạnh, lối sống lệch lạc ở người nghe”.

Theo nhạc sĩ Hoài An, một sản phẩm âm nhạc muốn tiếp cận công chúng phải có sự thống nhất ở cả ba khâu: Người sáng tác, ca sĩ trình diễn và nhà sản xuất. Chỉ cần một trong ba khâu này trục trặc thì sản phẩm không thể ra đời. Ví dụ, nhạc sĩ sáng tác mà thấy bài hát của mình bị sửa lời thì có quyền không đồng ý; ca sĩ đọc lời thấy quá thô tục thì có quyền không hát; nhà sản xuất sẽ không bỏ tiền đầu tư nếu thấy sản phẩm không đóng góp gì tích cực cho cuộc sống…

Cũng có trường hợp ca sĩ trình diễn đồng thời là người sáng tác và đầu tư, hiểu nôm na là thành phần sáng tạo. Sản phẩm âm nhạc đến với công chúng đòi hỏi thành phần sáng tạo này phải có thẩm mỹ âm nhạc và am hiểu cuộc sống. Thông qua đó, họ gửi tới công chúng những thông điệp tích cực, lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng… “Thế nhưng, một số bài hát hiện nay tiêu cực từ hình ảnh cho đến ca từ, trần trụi, phản cảm, dung tục khiến cho suy nghĩ người nghe dễ bị ô nhiễm, nhất là những bạn trẻ còn non nớt, chưa có nhiều trải nghiệm cuộc sống”, nhạc sĩ Hoài An chia sẻ.

Cần chế tài mạnh tay

Các loại hình văn học - nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh hoặc chương trình nghệ thuật biểu diễn trực tiếp trên sân khấu, trước khi ra mắt công chúng đều phải được hội đồng thẩm định nội dung. Thế nhưng, sản phẩm phát hành trên các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội thì lại được tạo cơ chế thoáng, nghĩa là cơ quan chức năng chỉ “hậu kiểm”, xử phạt khi có sai phạm. Theo nhạc sĩ Hoài An, quy định này tạo không gian sáng tạo rộng mở cho nghệ sĩ, nhưng ở phía ngược lại, có nhiều người đã lợi dụng điểm “thoáng” trong quy định để cho ra những sản phẩm phản cảm, gây sốc nhằm thu hút sự chú ý của khán giả.

“Sản phẩm âm nhạc có vấn đề, có sai phạm, với mức phạt hiện nay tôi cho rằng chưa đủ sức răn đe. Bởi người ta quăng ra một sản phẩm được cho là “hot”, cố tình đánh vào điểm này để dư luận quan tâm thì việc bị phạt vài triệu hay thậm chí vài chục triệu đồng sẽ không đáng là gì so với số tiền họ thu được từ các kênh phát hành nhạc”, một nhạc sĩ cho biết.

Ca sĩ Hà Myo cho rằng: “Nghệ sĩ cần nhận thức rõ trách nhiệm xã hội của mình. Họ nên sử dụng ca từ một cách cẩn trọng, không chỉ để giải trí mà còn để truyền tải những thông điệp tích cực và ý nghĩa. Sáng tạo nghệ thuật phải đi cùng với các giá trị đạo đức và văn hóa”.

Còn theo nhạc sĩ Hoài An, điều chỉnh luật để hạn chế các sản phẩm âm nhạc kém chất lượng, chẳng hạn kiểm duyệt trước khi phát hành sẽ là điều rất khó. “Không thể vì chuyện này mà ra quy định khắt khe, hạn chế sự sáng tạo của giới nghề. Theo tôi, cần điều chỉnh quy định chế tài xử lý, có thể hạn chế độ tuổi xem, đưa ra cảnh báo hoặc gỡ bỏ, phát hành văn bản thông báo vi phạm… Bên cạnh đó, cần tăng mức xử phạt để người vi phạm thấy rõ sự thiệt hại về kinh tế thì mới có thể ngăn chặn được. Cùng với xử phạt, nếu vi phạm nhiều lần thì cấm diễn, cấm hoạt động nghệ thuật”, nhạc sĩ Hoài An góp ý.

 Tôi luôn kỳ vọng vào những sáng tác của giới văn nghệ sĩ trẻ, bởi các em có nhiều nguồn năng lượng, được tiếp cận thông tin mới, âm nhạc mới nên có tiềm năng phát triển tốt. Thế nhưng, một trong những điều rất đáng lo ngại là gần đây có những sáng tác phản văn hóa, phản nghệ thuật với ca từ thô thiển, dung tục lan tràn gây ô nhiễm mạng xã hội…

Nếu đợi đến lúc các sản phẩm đi quá lố, quá xa thì không thể uốn nắn kịp. Thực tế, thời gian phát hành, lượng xem, lượng tương tác trên các bản nhạc cho thấy giới trẻ đã và đang bị tiêm nhiễm ít nhiều. Không thể mãi buông lỏng việc phổ biến sản phẩm độc hại, kém chất lượng; cần coi lại công tác kiểm soát, hậu kiểm chặt chẽ hơn.

(Nhạc sĩ NGUYỄN ĐỨC TRUNG, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM)

Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM, chia sẻ với Văn Hóa, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung cho biết: “Trước hết phải khẳng định, tôi luôn kỳ vọng vào những sáng tác của giới văn nghệ sĩ trẻ, bởi các em có nhiều nguồn năng lượng, được tiếp cận thông tin mới, âm nhạc mới nên có tiềm năng phát triển tốt. Thế nhưng, một trong những điều rất đáng lo ngại là gần đây có những sáng tác phản văn hóa, phản nghệ thuật với ca từ thô thiển, dung tục lan tràn gây ô nhiễm mạng xã hội…”.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, trước hiện tượng này, cơ quan chức năng phải có động thái kịp thời để xử lý. “Nếu đợi đến lúc các sản phẩm đi quá lố, quá xa thì không thể uốn nắn kịp. Thực tế, thời gian phát hành, lượng xem, lượng tương tác trên các bản nhạc cho thấy giới trẻ đã và đang bị tiêm nhiễm ít nhiều. Không thể mãi buông lỏng việc phổ biến sản phẩm độc hại, kém chất lượng; cần coi lại công tác kiểm soát, hậu kiểm chặt chẽ hơn”, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM nhấn mạnh. Theo ông, nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, do đó trong sáng tác, trình diễn phải cẩn thận, cân nhắc thật kỹ lưỡng để cho ra đời những tác phẩm thực sự có giá trị, góp phần xây dựng đất nước, con người Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp. 

Ý kiến bạn đọc