Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia “Em Thúy” qua âm nhạc
VHO - Hôm qua 8.8, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) tổ chức lễ ra mắt sách Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong khuôn khổ sự kiện, Bảo tàng đã tiếp nhận tác phẩm âm nhạc Little Thuy’s Minuet do nhạc sĩ, nhà soạn nhạc người Anh Paul Zetter trao tặng.
Bản nhạc ra đời vì tình yêu dành cho “Em Thúy”
Tác giả Paul Zetter đã dành cả tâm hồn, tình cảm của mình để vẽ tạc nên Little Thuy’s Minuet, từ ấn tượng bất ngờ và không thể nào quên khi ông được gặp “Em Thúy”. Những thanh âm du dương, mê hoặc vang lên trong căn phòng nhỏ, khiến ai nấy đều lặng đi.
Bảo vật quốc gia “Em Thúy” được danh họa Trần Văn Cẩn sáng tác năm 1943 bằng chất liệu sơn dầu, nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngay lần đầu tiên gặp mặt, “Em Thúy” đã tạo nên những rung động mãnh liệt trong tâm hồn nhạc sĩ, và Paul Zetter đã viết Little Thuy’s Minuet để dành riêng cho tác phẩm. Với sự đồng hành của NSND Ngô Hoàng Quân, bản nhạc đã được chuyển soạn cho nhóm nhạc thính phòng.
TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, Bảo tàng đã nhiều lần tiếp nhận những tác phẩm mỹ thuật từ các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên đơn vị được đón nhận một tác phẩm đặc biệt - tác phẩm âm nhạc lấy cảm hứng từ một trong những bảo vật quốc gia nổi tiếng của nước nhà. “Sự đồng điệu kỳ diệu trong tâm hồn người nhạc sĩ với cô bé trong tranh đã khiến ông ngay lập tức sáng tác nên Litte Thuy’s Minuet. Trong một lần trở lại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được biết nơi đây đang triển khai chương trình “Khi âm nhạc hòa quyện với mỹ thuật” và mong muốn được sử dụng Litte Thuy’s Minuet, nhạc sĩ Paul Zetter đã sẵn lòng trao tặng Bảo tàng bản quyền sử dụng tác phẩm của mình.
Có mặt tại sự kiện, Paul Zetter chia sẻ, đây là vinh dự lớn đối với cá nhân ông. Lần đầu đến Việt Nam vào năm 1998, Paul Zetter đảm nhận vị trí Phó Giám đốc Hội đồng Anh. “Kể từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về mỹ thuật Việt Nam và tình cờ tìm thấy bức tranh “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn trong một cuốn sách. Tôi vô cùng ấn tượng với vẻ đẹp trong sáng của em bé trong tác phẩm và đã sáng tác bản nhạc này”, Paul Zetter chia sẻ.
Bày tỏ tình cảm khi được biết nguyên mẫu trong tranh “Em Thúy” vừa qua đời, Paul Zetter nhớ lại: “Sau này, tôi may mắn có dịp được gặp bà Thúy và con trai của bà, bà cũng đã từng trực tiếp nghe Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn bản nhạc Little Thuy’s Minuet. Tôi tin rằng, bà Thúy cũng như chính bức tranh “Em Thúy” đã sống một cuộc đời trọn vẹn, với những nét đẹp tiêu biểu của người Việt Nam, kiên trì, can đảm, thông minh và tự tin”.
Họa sĩ, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn xúc động trong khoảnh khắc được thưởng thức những đường nét tinh khôi của “Em Thúy” dưới một ngôn ngữ khác - ngôn ngữ âm nhạc. Ông nghẹn ngào: “Một lời tri ân quá tuyệt vời và đặc biệt ý nghĩa khi chỉ còn 5 ngày nữa là đến kỷ niệm ngày sinh của danh họa Trần Văn Cẩn!”. Thay mặt giới mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ sự biết ơn tác giả Paul Zetter và đề nghị Dàn nhạc chơi lại bản nhạc Little Thuy’s Minuet, như thêm một lần cất tiếng tri ân, tưởng nhớ bậc danh họa tài ba.
Lời tri ân đẹp đẽ
Lễ ra mắt sách Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã để lại nhiều xúc cảm và ấn tượng đẹp. Sự kiện nhằm tôn vinh những đóng góp của danh họa Trần Văn Cẩn và kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông (1994-2024).
Từng có nhiều kỷ niệm với danh họa, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến chia sẻ, họa sĩ Trần Văn Cẩn là tên tuổi lớn của nền hội họa Việt Nam. “Ra mắt cuốn sách là sự kiện ý nghĩa diễn ra trước thềm sinh nhật ông (13.8). Với tôi, danh họa là một người anh, một người thầy lớn, giúp chúng tôi có thêm nhiều hiểu biết về lịch sử mỹ thuật Việt Nam qua các thời kỳ…”, bà Yến bộc bạch.
Nằm trong “tứ trụ” thứ nhất của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại: Trí - Lân - Vân - Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn), danh họa Trần Văn Cẩn (1910-1994) thể hiện tài năng ở nhiều mặt, từ tranh lụa, tranh sơn mài, tranh sơn dầu đến tranh khắc gỗ. Những tác phẩm của ông góp phần đưa mỹ thuật Việt Nam vươn tầm quốc tế. Cũng theo nhà phê bình Nguyễn Hải Yến, tính cách danh họa chất phác, đôn hậu nhưng lại là một người dám dấn thân. Cả nửa đầu sự nghiệp, ông cống hiến cho nghệ thuật với những tìm tòi, đóng góp mới mẻ cho mỹ thuật nước nhà, đặc biệt là hoàn thiện kỹ thuật sơn mài. Nửa sau sự nghiệp, Trần Văn Cẩn chấp nhận hy sinh cái tôi cá nhân để dấn thân phụng sự nhân dân, phụng sự nền mỹ thuật dân tộc.
Giám đốc Nguyễn Anh Minh cho biết, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam may mắn lưu giữ một bộ sưu tập quý giá những tác phẩm của danh họa Trần Văn Cẩn. Để tôn vinh những đóng góp của ông, cuốn sách Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu 105 tác phẩm, trong đó, có rất nhiều tác phẩm lần đầu tiên được công bố. “Với những bài viết, hình ảnh và thông tin các tác phẩm, đây không chỉ là một tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu, sinh viên mỹ thuật mà còn là món quà tinh thần ý nghĩa dành tặng những người yêu thích hội họa Việt Nam. Cuốn sách được kỳ vọng sẽ giúp bạn đọc có được hình dung đầy đủ hơn về chân dung, nhân cách danh họa Trần Văn Cẩn - một trong những “cây đại thụ” của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại…”, ông Nguyễn Anh Minh cho biết.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định, sự kiện ra mắt sách chính là lời tri ân đẹp đẽ nhất của thế hệ hôm nay dành cho một tên tuổi được giới mỹ thuật và công chúng yêu nghệ thuật. Danh họa đã cùng với thế hệ vàng của Trường Mỹ thuật Đông Dương đặt những viên gạch đầu tiên cho nền cốt vững chắc của Mỹ thuật hiện đại - đương đại Việt Nam thế kỷ XX và sự đa dạng không thể khác trong thế kỷ XXI.
“Từ những nẻo đường gian khổ qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc cho đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước, Trần Văn Cẩn vẫn là người tận tụy, tận tâm trong thầm lặng và chỉ để cho ngọn bút tài hoa cất tiếng trên từng tác phẩm. Phẩm cách đẹp đẽ chính là sự bảo trọng toàn vẹn tài năng lớn của danh họa cho đến cuối cuộc đời…”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ.