Cảnh báo sự trỗi dậy của nhạc thô tục và bạo lực
VHO - Sự bùng nổ mạnh mẽ của mạng xã hội trong những năm qua đã tạo cơ hội vàng cho ngành công nghiệp âm nhạc, mở ra sân chơi rộng lớn với khả năng tiếp cận và lan tỏa chưa từng có.

Tuy nhiên, cùng với đó là những hệ lụy không thể phủ nhận, đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều những ca khúc mang tính phản cảm, thô tục, bạo lực…
Và dù thiếu chiều sâu nghệ thuật, chúng lại dễ dàng được phát hành và nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng, tạo nên hiện tượng nhạc “rác” tràn lan.
Điều đáng lo ngại là những sản phẩm này đang ảnh hưởng sâu rộng đến tâm lý và sở thích của giới trẻ, khiến họ dễ dàng tiếp nhận và lặp lại những hình mẫu không lành mạnh; đồng thời đe dọa đến sự phát triển bền vững của nền âm nhạc.
Thực trạng đó đặt ra câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của các nền tảng phát hành và người sáng tạo trong việc bảo vệ giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng.
Nhạc “độc hại” tràn lan
Tại sao những ca khúc “rác”, phản cảm lại có thể đạt hàng triệu lượt nghe, xem và đứng đầu danh sách thịnh hành trên các nền tảng âm nhạc số? Một trong những ví dụ điển hình cho hiện tượng này là ca khúc Sự nghiệp chướng của rapper Pháo.
Ca từ thô tục, mang tính kích động bạo lực, nhưng chỉ chưa đầy một ngày sau khi ra mắt, sản phẩm đã đạt hơn 3 triệu lượt xem và đứng thứ hai trong top trending của YouTube Việt Nam; sau đó giữ vị trí số 1 trong gần 8 ngày với khoảng 21 triệu lượt xem.
Không chỉ Sự nghiệp chướng của Pháo, trước đó cũng đã có rất nhiều ca khúc vướng phải chỉ trích vì ngôn từ “không giống ai”. Fever của Tlinh và Coldzy làm người nghe liên tưởng tới chuyện “18+”, khiến đông đảo công chúng phải bất bình lên tiếng.
Ngoài ra, Tlinh đã nhiều lần vướng tranh cãi vì các bài hát nhố nhăng, màn trình diễn khêu gợi bị xếp vào hàng “thảm họa” như Ghệ iu dấu của em ơi, Strip ‘em Down…
Không kém phần gây tranh cãi, ca khúc Biết đâu sẽ mất phát hành năm ngoái của Kejo aka Lil Luyến với hàng loạt ca từ thô thiển; Để ai cần của rapper Bray với nội dung trần trụi, dung tục… đã phải nhận sự chỉ trích dữ dội từ khán giả.
Trước đó, Mua cho con chiếc còng tay của rapper Chị Cả cũng gây sốc khi cổ xúy cho mối quan hệ loạn luân đầy bệnh hoạn. Rồi Bình Gold cũng “sáng rực” với hàng loạt MV khai thác những chủ đề “giường chiếu” và ca ngợi lối sống ăn chơi sa đọa như Lái máy bay, Ông bà già tao lo hết, Bốc bát họ, Quan hệ rộng, Trơn...
Đặc biệt, bản rap Thích Ca Mâu Chí của nhóm “Rap nhà làm” đã gây phẫn nộ trong dư luận khi báng bổ đạo Phật. Chưa kể trước đó, thị trường nhạc rap cũng đã đầy rẫy những sản phẩm không khác gì thuốc “kích dục” như Áo mưa, Phiếu bé ngoan của Yanbi, Mr T hay Như cái lò của Khắc Hưng và Huyền Sambi…

Nghệ sĩ và trách nhiệm cộng đồng
Những sản phẩm âm nhạc với hình ảnh và lời ca phản cảm, tiêu cực có thể làm suy giảm nhận thức, thẩm mỹ của người nghe, đặc biệt là giới trẻ - những người thiếu kinh nghiệm sống để phân biệt cái đẹp, cái xấu.
Điều đáng lo ngại là dưới các bài hát này, phần bình luận thường xuyên được khen ngợi hết lời (có thể do ê kíp tự viết), khiến cho người nghe dễ dàng “xuôi theo dòng chảy” và tán dương những sản phẩm độc hại.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao những ca khúc thiếu giá trị, nội dung sai lệch lại dễ dàng nhận được sự đón nhận từ khán giả? Dù công chúng có vai trò quan trọng trong việc định hình thị hiếu âm nhạc, trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất vẫn thuộc về nghệ sĩ - người sáng tạo và phát hành những sản phẩm này.
Khi một ca khúc được ra mắt mà không qua kiểm duyệt nghiêm ngặt về nội dung, sẽ trực tiếp tác động đến nhận thức và giá trị của những người tiếp nhận nó. Việc này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là khi sản phẩm nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng, ảnh hưởng đến hành vi và thái độ của thanh thiếu niên.
Điều đáng lưu ý là hiện nay, việc phát hành sản phẩm âm nhạc quá dễ dàng. Chỉ với vài thao tác đơn giản, một ca khúc có thể nhanh chóng xuất hiện trên các nền tảng trực tuyến mà không cần trải qua quá trình kiểm duyệt.
Đây là lý do vì sao những ca khúc thiếu thẩm mỹ, thậm chí dung tục có thể dễ dàng được phát hành và nhanh chóng thu hút sự chú ý của người nghe.
Mặc dù chúng ta đã có những quy định pháp lý về xử phạt các sản phẩm âm nhạc vi phạm, nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn sự phát triển của nhạc “rác”. Theo nhạc sĩ Hoài An, việc điều chỉnh luật để hạn chế sản phẩm âm nhạc kém chất lượng là rất khó thực hiện.
“Không thể vì vấn đề này mà đưa ra những quy định quá khắt khe, hạn chế sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Theo tôi, cần điều chỉnh quy định về chế tài xử lý, như giới hạn độ tuổi xem, cảnh báo, gỡ bỏ video hoặc phát hành thông báo vi phạm. Bên cạnh đó, cần tăng mức xử phạt để người vi phạm nhận thức được hậu quả kinh tế. Ngoài ra, nếu tái phạm nhiều lần, cần xem xét việc cấm diễn và cấm hoạt động nghệ thuật”, nhạc sĩ Hoài An bày tỏ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để âm nhạc Việt Nam phát triển một cách bền vững, cần phải có sự cân bằng giữa sáng tạo và giữ gìn các giá trị đạo đức. Những nghệ sĩ trẻ cần nhận thức rõ trách nhiệm xã hội của mình, không chỉ sáng tạo vì lợi ích cá nhân mà còn phải có trách nhiệm truyền tải những thông điệp tích cực, góp phần xây dựng một xã hội văn minh.
Điều quan trọng nữa là phải nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị của âm nhạc. Không phải sản phẩm nào gây sốc, lạ lẫm hay có nhiều lượt xem đều có giá trị về văn hóa và nghệ thuật. Việc tạo ra một môi trường âm nhạc lành mạnh, nơi những sản phẩm có giá trị thực sự được phát huy, chính là điều mà khán giả và giới nghệ sĩ cần hướng tới.