Bến nước thời gian: Tìm cách kể mới cho kịch đề tài chiến tranh
VHO - Có một thực tế không thể phủ nhận lâu nay là nhiều người ngại xem kịch về đề tài chiến tranh. Thế nhưng, kịch Bến nước thời gian (tác giả Tạ Xuyên chuyển thể từ Mười ba bến nước của nhà văn Sương Nguyệt Minh, đạo diễn: NSƯT Sĩ Tiến) vừa được Nhà hát Tuổi Trẻ ra mắt đã khiến người xem phải suy nghĩ khác.
Câu chuyện về những mất mát hy sinh bởi chiến tranh tàn khốc
Vở kịch Bến nước thời gian là câu chuyện về những mất mát hy sinh bởi chiến tranh tàn khốc với những người phụ nữ ở hậu phương. Bên cạnh nỗi nguy hiểm đang rình rập của bom đạn, bên cạnh sự mòn mỏi của đợi chờ, còn là những đi hoạ khôn lường mà chất độc hoá học gây ra cho thế hệ hậu sinh của cuộc chiến, điều đó đẩy những người làm vợ, làm mẹ đến sự bất hạnh không thể bù đắp.
Chia sẻ với Văn Hoá, Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Sĩ Tiến, đạo diễn vở kịch Bến nước thời gian cho biết: "Bến nước thời gian là vở kịch hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Chúng tôi muốn tri ân không chỉ những người lính ngoài mặt trận mà tri ân cả những thiệt thòi của những người phụ nữ ở hậu phương, đề cao tấm lòng nhân hậu, vị tha của những người phụ nữ. Chúng tôi muốn lớp khán giả trẻ hôm nay hiểu hơn, đồng cảm hơn trước sự hi sinh âm thầm của những người phụ nữ trong chiến tranh”.
Kịch đề cập tới thân phận người phụ nữ trong chiến tranh
Đề tài không mới nhưng vở kịch vẫn rất cuốn hút bởi đạo diễn, NSƯT Sĩ Tiến và ê kíp sáng tạo vở đã mang tới cho vở diễn một hình thức dàn dựng dàn dựng khá ấn tượng, đặc biệt tạo nên những hiệu ứng sân khấu khá đẹp từ trang trí, từ thủ pháp ước lệ. Với một thiết kế lạ, trang trí sân khấu đã tái hiện dòng nước, dòng thời gian, dòng đời có tính ước lệ hấp dẫn thị giác khiến khán giả như cùng bồng bềnh trên sông nước. Đạo diễn và hoạ sĩ thiết kế đã mạnh dạn đưa cả một bể nước 500 lít lên sân khấu để tạo sóng, dòng chảy để diễn tả cảnh bến nước. Hình ảnh Sao (diễn viên Lương Thu Trang), cô gái có chồng ra trận, ngồi đơn độc bên bến sông khuya giặt quần áo, giặt đi giặt lại chiếc áo của người chồng để lại... Sân khấu quay vòng mở rộng ra nhiều không gian khi là bến nước, dòng sống, khi lại trở thành những chiếc cầu... Vở diễn được trang trí và thể hiện rất hiện đại, sinh động.
Nhân vật trong kịch có diễn biến tâm lý khá phức tạp
Cùng với hình thức sân khấu ấn tượng thì phải kể tới sự nỗ lực của dàn diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ, họ đã diễn tả thành công tâm lý và mâu thuẫn của từng nhân vật. Nghệ sĩ Lương Thu Trang, Thanh Sơn và Anh Tú được gửi gắm đảm nhiệm những nhân vật chính của vở kịch có nhiều khúc ngoặt gồm Sao, Tào (người yêu cũ của Sao) và người chồng của Sao bị nhiễm chất động da cam. Với Sao là bi kịch của sự chờ đợi người chồng đi bộ đội trở về rồi bị vứt bỏ vì hai lần sinh nở đều thất bại khi đứa con không có hình hài. Với Tào là đau khổ của việc vừa ra trận đã bị thương và bị vu oan đã cố tình bắn súng vào chân để được trở về, tới khi về nhà lại đúng ngày người yêu đi lấy chồng. Với Lãng là cảm giác có lỗi với những người vợ bởi trách nhiệm phải có nỗi dõi tông đường. Họ cũng bị giằng xé trong quan hệ với dòng họ khi không tròn bổn phận.
Bên cạnh đó, những nghệ sĩ như: NSƯT Đức Khuê, NSƯT Hoa Thúy, Bá Anh, Anh Thơ, Thanh Bình, Thanh Dương, Chí Huy, Thanh Tú, Thùy Dung, Du Ka… đã cùng làm nên một bản hòa tấu giữa nước mắt và nụ cười với nhiều cung bậc xúc cảm khác nhau đã tạo nên một không gian xưa cũ với những vòng xoay trở thành những vòng xoáy số phận mà chúng ta luôn tìm cách để vượt qua.
Sân khấu quay ngược, quay xuôi tạo nên nhiều không gian
Hoà trong hàng trăm khán giả đến xem buổi đầu tiên ra mắt vở kịch Bến nước thời gian có không ít những bạn sinh viên, thanh niên. Bạn trẻ Mỹ Linh chia sẻ: “Vở kịch thấm đượm chất nhân văn sâu sắc. Chiến tranh đã cướp đi của nhiều người phụ nữ quyền hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ khi người chồng của họ trở về từ chiến trường mang trong mình căn bệnh quái ác do chất độc da cam gây ra. Đất nước được hòa bình, độc lập và phát triển như ngày hôm nay, biết bao người đã phải hy sinh. Cần phải trân trọng hơn cho sự yên bình của cuộc sống hôm nay”.
Không có tuyến nhân vật xấu chỉ có những nhân vật là người tốt… và nhiều khán giả nước mắt cứ tuôn trào theo những tình huống và cảm xúc của các nhân vật trong kịch. Kịch đề cập đến nỗi đau sau chiến tranh hiện hữu sau mỗi số phận con người. Thông qua hình tượng nhân vật, vở diễn muốn chuyển tải một thông điệp nghệ thuật rất nhân văn: Dù có trải qua muôn vàn trắc trở, cay đắng, chông gai, nhưng tình người sẽ còn mãi, tình yêu sẽ xoa dịu mọi vết thương, mọi nỗi đau…
HIỀN LƯƠNG