Bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I - năm 2023

VHO - Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I - năm 2023 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với tỉnh An Giang tổ chức đã chính thức bế mạc vào tối 4.6 tại An Giang.

Bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I - năm 2023 - Anh 1

Nhiều tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ được trình diễn tại Liên hoan

Liên hoan thu hút gần 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ các tỉnh, thành phố: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM, Hải Phòng, Thái Nguyên và Ninh Bình.

Tham gia liên hoan, các đơn vị đã đem đến 57 tác phẩm âm nhạc mới, trong đó có 56 ca khúc và 1 tác phẩm thính phòng (tứ tấu đàn dây). Nội dung các tác phẩm tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Tổ quốc và đề tài biển, đảo Việt Nam; thành tựu, phong trào xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay; đất và người An Giang giàu truyền thống cách mạng và truyền thống văn hóa đặc sắc. Nhiều tác phẩm mang âm hưởng âm nhạc dân gian các vùng miền, với nhiều thể loại như: ca khúc, hòa tấu, độc tấu thính phòng. Những tác phẩm trình diễn tại Liên hoan được dàn dựng công phu nhằm tạo nên một bữa tiệc âm nhạc đầy màu sắc, nhiều cảm xúc, để lại cho công chúng yêu nhạc An Giang ấn tượng tốt đẹp.

Bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I - năm 2023 - Anh 2

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải A cho các tác giả

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh: Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I - năm 2023 là cuộc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sáng tác, giao lưu âm nhạc giữa các nhạc sĩ là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Qua đó giới thiệu những tác phẩm âm nhạc mới, giới thiệu các gương mặt trẻ, các giọng hát hay, là nhân tố quyết định cho hoạt động nghề nghiệp hôm nay và trong tương lai. Liên hoan còn là dịp để các nhạc sĩ cả nước được đến với An Giang - vùng đất giàu bản sắc văn hóa, vùng đất của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian Khmer, Chăm đã gợi lên nhiều cảm xúc âm nhạc. Đây cũng là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ một lần nữa chiêm nghiệm những giá trị âm nhạc truyền thống của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long... tiếp tục chú trọng công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và hướng tới sự phát triển nền âm nhạc mới, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I - năm 2023 - Anh 3

Kết thúc Liên hoan, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trao 10 giải A cho các tác phẩm: Về miền sông nước Cửu Long (tác giả Thế Long, Cần Thơ), Trăm năm hạt ngọc quê mình (tác giả Nguyễn Quốc, Bạc Liêu), Âm thanh và giọng nói (nhạc Nguyễn Hồng Sơn, thơ Trần Phan Chung Thủy, TP.HCM), Câu chuyện người lính đảo (tác giả Võ Thiên Lan, TP.HCM), Nỗi nhớ sông quê (tác giả Lê Vĩnh Phúc, TP.HCM), Lai vung xinh đẹp (nhạc Nguyễn Duy Trung, thơ Ngô Quang Tuyên, Đồng Tháp), Huỳnh Tấn Phát – gương người sáng mãi (tác giả Đức Phú, Bến Tre), Cô gái Chăm và chiếc khăn Ma-tơ-ra (tác giả Võ Văn Thắng, An Giang), Tứ tấu đàn dây- trước tượng đài bác Tôn (tác giả Dương Phương Đông, An Giang) và Gạc Ma – vọng mãi tên anh (nhạc Trần Viết Bính, thơ Trần Thu Hằng, Đồng Nai). Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao giải B cho 19 tác phẩm.

Bế mạc Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt I - năm 2023 - Anh 4

Phát biểu bế mạc Liên hoan, nhạc sĩ Trần Vương Thạch, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban giám khảo cho biết, Liên hoan lần này diễn ra ở khu vực Nam Bộ đã có những chuyển biến tích cực hơn về mặt chuyên môn so với kỳ trước. Các tác phẩm tham gia có chủ đề sáng tác phong phú; các tiết mục trình diễn được dàn dựng công phu với múa minh họa và hình ảnh đẹp.

Nhạc sĩ Trần Vương Thạch chúc mừng và mong muốn sau Liên hoan, các nhạc sĩ sẽ có những bước phát triển đột phá hơn nữa trong sáng tác, nhằm mang đến cho công chúng những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, phản ánh và định hướng tốt hơn cho đời sống và yêu cầu của sự phát triển xã hội hiện đại.

LỆ CHIẾN

Ý kiến bạn đọc