Xác lập uy tín của thị trường mỹ thuật Việt:
Bảo vệ nghệ sĩ, nhà sưu tập với các giao dịch tin cậy
VHO - Vấn nạn tranh giả cho đến nay vẫn là nỗi lo dai dẳng, khiến thị trường mỹ thuật Việt vẫn chưa có được sự hiện diện vững vàng, tin cậy trên bản đồ nghệ thuật toàn cầu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các vấn đề liên quan đến nguồn gốc, xác thực và minh bạch đã được thảo luận từ lâu, và việc giải quyết chúng rất quan trọng nhằm thiết lập một thị trường nghệ thuật trưởng thành.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam từng thốt lên, câu chuyện tranh giả, tranh nhái kéo dài qua nhiều thập kỷ vẫn chưa có hồi kết. Khoảng trống lớn này cấp thiết đặt ra yêu cầu được giải quyết.

Cần một thị trường đáng tin cậy
Thời gian qua, tranh Việt đã thường xuyên hiện diện trên những sàn đấu giá tên tuổi, nhiều bức tranh của các danh họa, đặc biệt thời mỹ thuật Đông Dương được rao bán và gõ búa với mức giá triệu đô.
Cùng với đó, hoạt động mua bán và sưu tầm tranh trong nước cũng xuất hiện ngày một sôi nổi. Thậm chí, những khởi sắc và tiềm năng của thị trường mỹ thuật trong nước cũng đã bắt đầu bật lên tín hiệu tích cực, cho thấy sự quan tâm của các công ty, nhà đấu giá tên tuổi trên thế giới.
Năm 2024, sự kiện Millon Việt Nam, hãng đấu giá nghệ thuật nổi tiếng, có lịch sử lâu đời của Pháp đặt chi nhánh tại Việt Nam đã mang đến nhiều kỳ vọng về những ảnh hưởng tích cực tới thị trường nghệ thuật trong nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường mỹ thuật Việt vẫn chưa thực sự khởi sắc, “khỏe mạnh” cũng như tạo dựng được độ tin cậy cao, đủ sức thuyết phục các nhà sưu tập mạnh tay hơn.
Theo Giám tuyển Ace Lê, Giám đốc thị trường Việt Nam của sàn đấu giá Sotheby’s (Anh), điều kiện đủ để có một thị trường nghệ thuật vững mạnh là “sức khỏe” của nhà sưu tầm nội địa. Một nhà sưu tập quốc tế nếu muốn sưu tập tranh của danh họa Việt Nam cần có những nhà đầu tư trong nước sẵn sàng trả giá cao, nhưng hiện nay chưa có đủ người như vậy.
Một khía cạnh khác cũng được nhìn nhận là trong khi thị trường mỹ thuật quốc tế đang đi những bước dài mạnh mẽ thì ở không ít sự kiện, triển lãm tranh trong nước vẫn còn loay hoay với việc thẩm định thật, giả của tác phẩm, đặc biệt là tranh của các danh họa thời mỹ thuật Đông Dương.
Câu chuyện tranh giả thậm chí xuất hiện tại những địa chỉ chính thống, khiến giới nghề và dư luận bức xúc, điển hình như câu chuyện triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” vài năm trước.
Trong bối cảnh này, giải pháp quan trọng được đặt ra chính là xác lập cấu trúc và độ tin cậy cho thị trường mỹ thuật. Khá nhức nhối khi chúng ta chưa thực sự có nhiều những địa chỉ là bảo chứng niềm tin cho các nhà sưu tập, hoặc phổ thông hơn là dành cho công chúng yêu mến hội họa.
Tháng 7 tới đây, lần đầu tiên, một triển lãm quy mô lớn do Bộ VHTTDL bảo trợ sẽ được tổ chức tại Hà Nội, với tên gọi triển lãm Nghệ thuật quốc tế Việt Nam (Vietnam International Art Fair & Exhibition).
Giám đốc triển lãm, ông Vincent Lau nhìn nhận, thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Mặc dù đất nước có di sản nghệ thuật phong phú và ngày càng có nhiều nghệ sĩ tài năng, nhưng sự hiện diện của các tác phẩm nghệ thuật giả và nhái đã đặt ra những thách thức đáng kể đối với uy tín của thị trường.
“Các vấn đề liên quan đến nguồn gốc, xác thực và minh bạch đã được thảo luận từ lâu và việc giải quyết các yếu tố này là rất quan trọng để thiết lập một thị trường nghệ thuật trưởng thành…”, ông Vincent Lau khẳng định.

Bảo vệ nghệ sĩ và người mua khỏi giao dịch gian lận
Cũng theo Giám đốc triển lãm Nghệ thuật quốc tế Việt Nam, vẫn còn nhiều tiềm năng to lớn để nghệ thuật Việt Nam tiếp tục được biết đến và hội nhập vào thị trường nghệ thuật toàn cầu.
Tuy nhiên, để Việt Nam phát triển một thị trường nghệ thuật có cấu trúc và đáng tin cậy hơn, có nhiều yếu tố cần được tăng cường, trong đó chủ yếu là cần có một hệ thống xác thực minh bạch và chuyên nghiệp để xác minh tính nguyên bản của các tác phẩm nghệ thuật.
Bên cạnh đó, cần khung pháp lý và quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ nghệ sĩ và người mua khỏi các giao dịch gian lận. Cần mạng lưới các nhà đấu giá, phòng tranh và nhà sưu tập năng động hơn, hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế; nâng cao nhận thức và giáo dục cho các nhà sưu tập để thúc đẩy văn hóa đầu tư nghệ thuật có hiểu biết.
“Bằng cách thực hiện các biện pháp này, Việt Nam có thể xây dựng một hệ sinh thái nghệ thuật đáng tin cậy và bền vững hơn, khuyến khích sự tham gia của cả trong nước và quốc tế…”, ông cho biết.
Các vấn đề liên quan đến nguồn gốc, xác thực và minh bạch đã được thảo luận từ lâu và việc giải quyết các yếu tố này là rất quan trọng để thiết lập một thị trường nghệ thuật trưởng thành…
(Ông VINCENT LAU, Giám đốc triển lãm Nghệ thuật quốc tế Việt Nam)
Tại triển lãm Nghệ thuật quốc tế Việt Nam, một trong những mục tiêu chính là hướng tới việc định hình và củng cố thị trường nghệ thuật. Bằng cách cung cấp một nền tảng uy tín, nổi bật cho các nghệ sĩ và phòng tranh, sự kiện này giúp thiết lập uy tín của thị trường, đặt ra các chuẩn mực cho các giao dịch nghệ thuật chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Cụ thể, thông qua sự hợp tác với các tổ chức nghệ thuật và chuyên gia quốc tế, triển lãm giới thiệu các thông lệ tốt nhất về xác thực, quản lý và minh bạch trong bán hàng. Triển lãm cũng thu hút nhiều nhà sưu tập, nhà đầu tư và chuyên gia trong ngành, thúc đẩy các mối quan hệ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển thị trường lâu dài.
“Sự hiện diện của các phòng tranh và nghệ sĩ toàn cầu cũng kích thích nhu cầu về nghệ thuật Việt Nam trên bình diện quốc tế. Liên tục cải thiện cấu trúc và phạm vi sự kiện, triển lãm mong muốn đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Việt Nam như một đối tác được công nhận và có uy tín trên thị trường nghệ thuật toàn cầu….”, theo Giám đốc triển lãm Nghệ thuật quốc tế Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, những sân chơi, sàn đấu giá hay các sự kiện chuyên nghiệp, quy mô lớn có ý nghĩa quan trọng nhằm xác lập và thúc đẩy uy tín của thị trường mỹ thuật.
Giới chuyên gia cũng lưu ý, khi bước vào thị trường thì người mua tranh hay bán tranh cũng cần rất thận trọng, cần xác định rõ mục tiêu của mình cũng như chấp nhận đi đường dài. Từng bước minh bạch hóa thị trường nghệ thuật cũng được nhìn nhận là một “liều thuốc” hữu hiệu.
Nhìn từ góc độ thu hút các “ông lớn” trên thế giới quan tâm đến thị trường trong nước, nhà phê bình mỹ thuật, Giám đốc Nghệ thuật Viet Art View bà Bùi Hoàng Anh chia sẻ, khi thị trường nghệ thuật Việt còn nhiều vấn đề tồn tại, sự xuất hiện của Nhà đấu giá danh tiếng thế giới sẽ mang đến nhiều thuận lợi.
Chẳng hạn như với sự xuất hiện của Millon Việt Nam, từ đây, các phiên đấu giá sẽ được triển khai hợp chuẩn luật quốc tế, luật Việt Nam, minh bạch nguồn gốc, xuất xứ, giá trị, thanh khoản…
Khách hàng được tham quan các tác phẩm nghệ thuật trước phiên đấu. Không gian trưng bày tinh tế, sang trọng, nổi bật hiệu suất mỹ cảm thị giác. Đặc biệt, khách hàng được tham gia, trải nghiệm trực tiếp cảm xúc trong phiên đấu.
Các tác phẩm nghệ thuật sẽ không phải di chuyển giữa Pháp và Việt Nam, khiến người mua và bán yên tâm trong công tác đảm bảo an toàn cho các hiện vật quý hiếm.
“Khi một hãng đấu giá lớn lựa chọn một quốc gia nào đó để đặt chi nhánh, thì có nghĩa nơi đây có tiềm năng lớn để phát triển thị trường đấu giá tài sản nghệ thuật. Nếu nhiều hãng đấu giá mở chi nhánh tại Việt Nam thì từ đó thương hiệu quốc gia về nghệ thuật sẽ được định hình, lan tỏa trên thị trường nghệ thuật thế giới như các trung tâm đấu giá danh tiếng ở Singapore, Hong Kong…”, bà Bùi Hoàng Anh chia sẻ.