Bám sát thực tiễn, nâng cao chất lượng hoạt động VHNT

ĐÌNH TOÁN

VHO - Ngày 19.7 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL và Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá tình hình VHNT và hoạt động của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các hội VHNT chuyên ngành Trung ương 6 tháng đầu năm 2024.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Đỗ Hồng Quân. Cùng dự có đại diện các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL và đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương.

Nhiều kết quả tích cực trong phát triển VHNT

Trình bày báo cáo công tác VHNT và hoạt động của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương 6 tháng đầu năm 2024, Vụ trưởng Vụ Văn hoá – văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt cho biết, năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với nhiều nội dung về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam. Năm 2024 cũng là năm VHNT nước nhà tham gia nhiều hoạt động, kỷ niệm quan trọng.

Bám sát thực tiễn, nâng cao chất lượng hoạt động VHNT  - ảnh 1
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Cụ thể trong 6 tháng đầu năm, trên cả nước, các hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm VHNT diễn ra sôi nổi, với các hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng. Những cuộc liên hoan, triển lãm, các hoạt động VHNT do Liên hiệp và các hội tổ chức đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy sáng tạo và xây dựng phong trào.

Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn. Nhiều chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp được dàn dựng công phu, có chất lượng. Phong trào VHNT quần chúng ở cơ sở được quan tâm, đầu tư, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc

Công tác đối ngoại, giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, VHNT trên cả nước được tăng cường, có nhiều khởi sắc. Nhiều tỉnh, thành phố trong nước phối hợp với Liên hiệp và các hội tiến hành đăng cai tổ chức thường kỳ các sự kiện nghệ thuật tầm cỡ quốc tế. Nhiều hội tổ chức thành công các cuộc thi, giao lưu, liên hoan nghệ thuật quốc tế và khu vực tại Việt Nam, tích cực cử đoàn, gửi tác phẩm tham dự các hoạt động VHNT tại nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự phát triển, tuyên truyền, quảng bá VHNT Việt Nam ra thế giới.

Công tác quản lý nhà nước về VHNT tiếp tục được tăng cường, có nhiều chuyển biến tích cực; từng bước tháo gỡ, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành các cơ chế, chính sách cụ thể. Bộ VHTTDL đã tích cực phối hợp với các tỉnh, thành, cơ quan liên quan triển khai xây dựng, và hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt. Việc triển khai các đề án, hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn luật, thẩm định cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong các hoạt động VHNT tiếp tục được tăng cường.

Bám sát thực tiễn, nâng cao chất lượng hoạt động VHNT  - ảnh 2
Vụ trưởng Vụ Văn hóa – văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Minh Nhựt trình bày báo cáo tại Hội nghị

“Với quyết tâm, nỗ lực và những hoạt động cụ thể được tăng cường và duy trì thường xuyên, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý với Liên hiệp và các hội tiếp tục được củng cố, gắn kết, từng bước tạo cơ chế hiệu quả, kịp thời định hướng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác, góp phần thúc đẩy sự phát triển của VHNT nước nhà”, ông Nguyễn Minh Nhựt cho hay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Nhựt cũng chỉ rõ một số tồn tại trong công tác VHNT và hoạt động của các hội trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, việc triển khai tổ chức thực hiện các kế hoạch, kết luận, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền có lúc, có nơi còn chậm, chưa hiệu quả.

Một số văn nghệ sĩ chưa ý thức được trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, sử dụng mạng xã hội tùy tiện, vi phạm trang phục, phát ngôn. Cá biệt số ít bộc lộ sự dao động, hoài nghi về lý tưởng và niềm tin đối với sự nghiệp phát triển đất nước trong vận hội mới.

Một số cấp ủy đảng, ban lãnh đạo các hội, đơn vị có liên quan chưa sát sao trong lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; chưa thực sự bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, VHNT để chủ động, linh hoạt, sáng tạo và cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch, dự án, đề án cụ thể của đơn vị. Công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan, nhất là trong tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế tài chính còn chậm, và chưa thực sự hiệu quả

Nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp VHNT còn hạn chế, quy định chưa thông thoáng, thiếu cơ chế đặc thù với lĩnh vực VHNT. Mô hình, tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của Liên hiệp, các hội VHNT Trung ương và địa phương chưa thống nhất, còn nhiều bất cập. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ chưa đồng bộ và bền vững…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu một số kiến nghị về cơ chế chính sách hỗ trợ cho hoạt động VHNT; đề nghị các Ban, Bộ, ngành, các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp, xem xét, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hóa, VHNT; phát huy sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động VHNT trong thời kỳ mới.

Từng bước tháo gỡ khó khăn trong phát triển VHNT

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được thời gian qua của Liên hiệp các Hội VHNT thuật Việt Nam.

Bám sát thực tiễn, nâng cao chất lượng hoạt động VHNT  - ảnh 3
Bám sát thực tiễn, nâng cao chất lượng hoạt động VHNT  - ảnh 4
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Trong đó, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các hội đã tích cực, chủ động, quan tâm đến công tác chính trị - tư tưởng; phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ; tích cực đóng góp trí tuệ, tâm huyết vào nhiều chương trình, đề án, dự án VHNT quan trọng của đất nước; tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ lực trong tập hợp lực lượng, định hướng sáng tác, nâng cao chất lượng các hoạt động sáng tạo.

Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, bà Đinh Thị Mai chỉ rõ, Liên hiệp và các hội cần tiếp tục tích cực, chủ động, thực hiện có hiệu quả: Kế hoạch số 417-KH/BTGTW, ngày 12.1.2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kế hoạch số 390-KH/BTGTW, ngày 15.11.2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975 – 30.4.2025).

Đồng thời, tiến hành rà soát, xác định rõ nhiệm vụ, nội dung, sản phẩm, dự toán kinh phí thực hiện; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, thông qua các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả để phát động phong trào thi đua sáng tác trong toàn khối hưởng ứng các sự kiện quan trọng này.

Thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Ban Bí thư về đại hội, Liên hiệp và các hội khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án về đại hội của các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (nhiệm kỳ 2025-2030) để báo cáo cấp có thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với địa phương, đơn vị có liên quan để hướng dẫn, đôn đốc các hội, chi hội cơ sở chuẩn bị tốt để tiến hành đại hội cơ sở trong năm 2024; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2024.

Bám sát thực tiễn, nâng cao chất lượng hoạt động VHNT  - ảnh 5
Toàn cảnh Hội nghị

Bà Đinh Thị Mai nhấn mạnh, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, đôn đốc các Hội VHNT địa phương, các chi hội trực thuộc tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của đất nước; tham gia tích cực, có trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam bằng các hình thức sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tiễn.

Tiếp tục tăng cường vai trò tư vấn, phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến cùng các cơ quan quản lý trong tham mưu, xây dựng chính sách, từng bước tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động văn học, nghệ thuật; quan tâm, đầu tư các hoạt động lý luận, phê bình; tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Bên cạnh đó, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ VHTTDL, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan sớm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính trong thực hiện, triển khai Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương (theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 8.4.2021 của Thủ tướng Chính phủ); rà soát, hoàn thiện nội dung, dự toán kinh phí triển khai tổng kết 50 năm VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất; dự toán kinh phí cho đại hội toàn quốc Liên hiệp và các Hội vào năm 2025 trình cấp thẩm quyền phê duyệt; sớm hoàn thành xây dựng kế hoạch hoạt động và dự toán tài chính ngân sách cho năm 2025.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc