“Ánh sáng từ phương Nam” hòa vào dòng chảy sáng tạo mùa lễ hội
VHO - Tối 9.11, triển lãm “Cực quang Aurora – Ánh sáng từ phương Nam” đã diễn ra tại Công viên Nhà hát Lớn (Hà Nội). Thông qua góc nhìn của hai nghệ sĩ Nguyễn Duy Nhựt và Phạm Khiết Tường, ánh sáng phương Nam được đưa về thủ đô Hà Nội, hòa vào dòng chảy sáng tạo của mùa lễ hội. Sự kiện diễn ra từ 9-17.11.2024.
Giao thoa giữa sáng tạo nghệ thuật và trách nhiệm xã hội
Từ ngàn xưa, ánh sáng đã xuất hiện trong văn hóa loài người như một biểu tượng của sự dẫn dắt, trí tuệ, khai sáng và chân lý. Đến ngày nay, ánh sáng không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tinh thần mà đã trở thành một ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, biểu trưng cho sự phát triển, không chỉ của xã hội mà còn của chính nghệ thuật.
Sử dụng ánh sáng trong nghệ thuật hiện đại không chỉ mang đến cho nghệ sĩ một chất liệu sáng tạo đa dạng, mà còn là phương thức tiếp cận bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường và mở ra những chân trời mới cho cái đẹp.
Thay vì chỉ gắn bó với những đề tài truyền thống như đời sống, chân dung hay phong cảnh, các nghệ sĩ hiện đại tìm thấy nguồn cảm hứng mới từ sự phát triển không ngừng của công nghệ và nhịp sống đương đại.
Những chất liệu tưởng chừng khô khan như bê tông, sắt, thép, hay kính, khi kết hợp với tư duy nghệ thuật đổi mới và sự mềm mại của hiệu ứng ánh sáng và kết cấu kỹ thuật số, đã trở thành công cụ để các nghệ sĩ thị giác Nguyễn Duy Nhựt và Phạm Khiết Tường sáng tạo nên những tác phẩm độc đáo, mang dấu ấn cá nhân cùng những suy tư sâu sắc về thời đại.
Đặc biệt, một số tác phẩm còn được sáng tạo từ chất liệu nhựa công nghiệp có khả năng phân hủy, khéo léo lồng ghép thông điệp về việc tái sử dụng và tận dụng nhựa để tạo ra giá trị nghệ thuật, từ đó truyền tải ý thức bảo vệ môi trường đến công chúng.
Nhựt và Tường, tuy là hai biên độ nghệ thuật khác nhau, nhưng dường như đã tìm được một tần số chung, tạo ra sự cộng hưởng tinh tế, mang đến cho công chúng không gian nghệ thuật đương đại đầy hứa hẹn.
Cả hai nghệ sĩ, với phong cách và ngôn ngữ nghệ thuật riêng, đã cùng nhau dệt nên một trải nghiệm vừa tương phản vừa hòa hợp, khiến người xem cảm nhận được sự kết nối sâu sắc giữa cái riêng và cái chung, giữa nhân sinh và vũ trụ.
Triển lãm còn là một cuộc gặp gỡ của sắc thái nghệ thuật, nét hòa quyện của một tư tưởng, nơi mọi người có thể cảm nhận sự hiện diện của cái đẹp nằm trong tính cân bằng giữa khác biệt và đồng điệu.
Có thể nói, nghệ thuật giờ đây không còn gói gọn trong một chuyên ngành riêng biệt mà đã trở thành một lĩnh vực liên ngành, mở ra cơ hội cho nhiều người tham gia và khai phá những tiềm năng thẩm mỹ sâu sắc.
Sự đồng hành của các doanh nghiệp là minh chứng rõ ràng cho sự kết hợp giữa sáng tạo và thực tiễn, giúp nghệ thuật không chỉ được nuôi dưỡng mà còn lan tỏa rộng rãi hơn trong cộng đồng.
Khi các doanh nghiệp tham gia, họ không chỉ hỗ trợ nguồn lực mà còn góp phần mang đến một góc nhìn đa chiều, giúp nghệ thuật phát triển mạnh mẽ hơn và chạm đến những giá trị bền vững, nâng cao ý thức cộng đồng về văn hóa, thiên nhiên và sự gắn kết xã hội.
Hơn cả, đó là sự giao thoa giữa sáng tạo nghệ thuật và trách nhiệm xã hội, nơi mà nghệ thuật không chỉ để thưởng thức mà còn để thức tỉnh, để khơi gợi nhận thức về những giá trị chung như hòa bình, bảo vệ thiên nhiên, và xây dựng sự phát triển hài hòa, bền vững.
Kết nối cộng đồng qua ánh sáng
Triển lãm “Cực quang Aurora – Ánh sáng từ phương Nam” là hành trình khám phá vẻ đẹp huyền bí của ánh sáng và những giá trị tinh thần sâu sắc mà nó tượng trưng.
Thông qua góc nhìn của hai nghệ sĩ Nguyễn Duy Nhựt và Phạm Khiết Tường, ánh sáng cực quang trở thành bức thư vô hình mà vũ trụ gửi đến, nhắc nhở ta rằng ngay trong khoảnh khắc ngắn ngủi, cái đẹp vẫn có thể bừng lên rực rỡ, vượt lên sự mong manh của hiện hữu.
Với sự đồng hành của doanh nghiệp và BTC, ánh sáng phương Nam được đưa về thủ đô Hà Nội, hòa vào dòng chảy sáng tạo của mùa lễ hội.
Chủ đề “Cực quang – Aurora” không chỉ tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên mà còn khơi gợi khát vọng hòa bình, sự tôn kính với mẹ thiên nhiên và kêu gọi sự hợp tác bền vững giữa con người và môi trường.
Đây là một lời nhắc nhở sâu sắc và thiết yếu khi xã hội phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường, khi mà trách nhiệm cộng đồng không còn là lựa chọn mà là lời cam kết.
Triển lãm lần này không chỉ dừng lại ở sự chiêm ngưỡng cái đẹp bề ngoài mà còn gợi mở những tầng nghĩa sâu xa của mỹ thuật. Những tác phẩm hội họa và điêu khắc của họa sĩ Nguyễn Duy Nhựt kết hợp cùng các bức ảnh đầy nhân văn của nghệ sĩ thị giác Phạm Khiết Tường như đặt ra câu hỏi về sự tồn tại, về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, và về bản chất của cái đẹp.
Điều thú vị là các tác phẩm đều sử dụng những chất liệu hết sức bình dị như kính, lụa, bê tông, và cả những vật dụng đời thường như vòi nước hay bồn rửa tay. Những vật dụng này, khi được nhìn qua lăng kính của nghệ thuật, trở thành biểu tượng cho sự hiện hữu của chúng ta trong thế giới vật chất.
Họa sĩ Nguyễn Duy Nhựt đưa ra một suy tư sâu sắc về mối tương quan giữa con người và vũ trụ: “Chúng ta hít thở từ thiên nhiên, khai thác tài nguyên từ mặt đất để sinh tồn và phát triển.
Nhưng dường như trên hành trình ấy, con người đã lãng quên những giá trị cốt lõi của nguồn sống, và chính sự lãng quên này đã dẫn đến chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai – những nguy cơ đẩy xã hội đến bờ diệt vong”.
Với anh, ánh sáng không chỉ là công cụ nghệ thuật mà còn là biểu tượng của sự thức tỉnh, một ngọn đuốc soi sáng hành trình tìm lại lòng biết ơn và nhận thức sâu sắc về sự gắn kết mật thiết giữa con người và thiên nhiên.
Các tác phẩm sắp đặt của anh với đa dạng những chất liệu khác nhau, kết hợp cùng nghệ thuật ánh sáng, là một lời mời gọi để mọi người tái kết nối với thiên nhiên, với dòng chảy bất tận của sự sống.
Cánh cổng năng lượng “xanh – sạch – thiện lành” mở ra là lời nguyện cầu cho sự hòa hợp và nhắc nhở về trách nhiệm của chúng ta với vũ trụ. Bước qua cánh cổng ấy, người xem đối diện với ánh sáng cực quang – một hiện tượng vừa mạnh mẽ vừa mong manh, như chính cuộc đời con người.
Phạm Khiết Tường, nghệ sĩ đồng hành trong dự án, đem đến triển lãm một triết lý về hạnh phúc đầy thâm trầm.
Đối với anh, hạnh phúc không phải là một trạng thái tìm kiếm ở đâu xa xôi, mà hiện diện ngay trong những khoảnh khắc giản dị, những mối quan hệ thân tình và sự hiện diện trọn vẹn của con người trong từng ngày sống.
Qua những trải nghiệm và những lần gặp gỡ trên hành trình sáng tạo, anh nhận ra rằng hạnh phúc không phụ thuộc vào sự đầy đủ vật chất mà là ở khả năng biết ơn và tận hưởng những gì ta đang có.
Phạm Khiết Tường chia sẻ: “Sự sung sướng không đến từ sự dư thừa vật chất, mà từ khả năng cân bằng cuộc sống và theo đuổi lý tưởng một cách chân thành, bao dung”.
Triển lãm còn mang lại giá trị lớn lao hơn nhờ sự đóng góp của các doanh nghiệp trong việc xây dựng không gian nghệ thuật.
Nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa phát triển và ý thức xã hội, doanh nghiệp tham gia không chỉ vì lợi nhuận, mà còn với sứ mệnh kết nối cộng đồng qua ánh sáng.
Họ tìm cách tạo ra những sản phẩm không chỉ làm đẹp cho không gian sống mà còn góp phần thúc đẩy ý thức chung, gieo hạt mầm của sự đổi thay tích cực.
Ánh sáng, trong tầm nhìn của họ, không chỉ đơn thuần chiếu sáng mà còn phản chiếu ý nghĩa, truyền tải hy vọng và khơi gợi sự bình yên.
Trong triển lãm, ánh sáng cực quang không còn là hiện tượng thiên nhiên mà đã trở thành biểu tượng về hành trình tự nhận thức, về sự thức tỉnh của con người giữa bao nhiêu nhiễu nhương.
Đó là một ngôn ngữ mà vũ trụ dùng để đối thoại với ta, nhắc rằng niềm vui và sự an yên luôn tồn tại khi ta biết trở về với bản thân và sống hài hòa với môi trường xung quanh.
Khán giả vào cửa xem triển lãm tự do, từ ngày 9-17.11.2024, tại Công viên Nhà hát Lớn - Số 8 Phan Chu Trinh, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.