An toàn, hấp dẫn- sức mạnh mềm của du lịch Lai Châu
VHO- Trong khi dịch Covid-19 đang bùng phát trong cộng đồng ở nhiều tỉnh, thành phố, du lịch rơi vào tình trạng “đóng băng”, Lai Châu vẫn là một điểm đến an toàn, hấp dẫn. Điểm đến mới lạ vùng Tây Bắc này còn khiến khách du lịch mê mẩn bởi những bản du lịch cộng đồng đậm đặc màu sắc dân tộc, gần gũi với thiên nhiên, phát triển theo hướng xanh và bền vững.
Những điểm đến của Lai Châu vẫn an toàn giữa mùa dịch, được nhiều du khách lựa chọn
“Pháo đài” an toàn giữa mùa dịch
Nhờ những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 hữu hiệu, Lai Châu trở thành điểm đến an toàn, thu hút lượng khách lớn so với cùng kỳ năm trước. Trước các làn sóng dịch trong nước, lãnh đạo tỉnh liên tục có những chỉ đạo để bảo vệ sức khỏe cộng đồng; tạm dừng tổ chức nhiều hoạt động tập trung đông người, đặc biệt là các lễ hội đầu xuân; cơ quan chức năng cũng ngày đêm kiểm soát, ngăn chặn không cho dịch từ bên ngoài xâm nhập vào địa bàn.
Trong làn sóng dịch thứ tư này, Lai Châu chưa ghi nhận ca dương tính SARS- CoV- 2 nào. Chính quyền và người dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch. Mới đây, tỉnh triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 1 với những tín hiệu bước đầu khả quan, cơ bản kiểm soát dịch bệnh khá tốt trên địa bàn.
Bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc trên địa bàn tỉnh là một trong những thế mạnh để thu hút khách
Liên tục trong thời gian qua, khi đại dịch Covid-19 làm ngành Du lịch Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung điêu đứng, ngành Du lịch Lai Châu vẫn âm thầm chuẩn bị “hành trang” để sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi. Vừa phòng, chống dịch, ngành Du lịch vừa tập trung tập huấn nguồn nhân lực; xây dựng sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch; tăng cường quảng bá, xúc tiến điểm đến; đẩy mạnh kết nối với các trung tâm du lịch lớn như: Hà Nội, TP.HCM…
Chính sự hấp dẫn của những điểm đến vô cùng hoang sơ, độc đáo như: khu sinh thái và quần thể hang động Pusamcap, thác Tác Tình, khu du lịch sinh thái Cầu kính Rồng Mây, đỉnh Pu Ta Leng, đỉnh Pu Si Lung, đỉnh Bạch Mộc Nương Tử hay những bản du lịch cộng đồng kiểu mẫu như: Sin Suối Hồ, Sì Thâu Chải, Lao Chải 1, bản Hon, bản Thẳm… đã khiến du khách không thể cưỡng lại mong muốn được khám phá, trải nghiệm.
Khách du lịch giao lưu với người dân địa phương
Bên cạnh đó, việc điểm đến hấp dẫn vùng Tây Bắc này an toàn trước các làn sóng dịch đã tạo tâm lý an tâm cho du khách, là sức mạnh mềm để thu hút du khách đến Lai Châu. Trong quý I.2021 toàn tỉnh Lai Châu ước đón 156.600 lượt khách, đạt 33,3% kế hoạch, tăng 67,2% lượt khách so với cùng kỳ năm trước; doanh thu ước đạt 104,168 tỉ đồng, đạt 34% kế hoạch. Tháng 4.2021, toàn tỉnh ước đón 70.110 lượt khách du lịch, tổng doanh thu ước đạt 46,66 tỷ đồng; tăng 15,6 lần về lượt khách và 11,8 lần về tổng doanh thu so với cùng kỳ năm 2020. Những con số này cho thấy dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ của Du lịch Lai Châu, tạo động lực mở ra những hi vọng mới cho ngành Du lịch của tỉnh năm 2021.
Hữu xạ tự nhiên hương
Có thể thẳng thắn nhìn nhận, Du lịch Lai Châu có xuất phát điểm thấp so với khu vực Tây Bắc và cả nước nhưng Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã quan tâm, dành nhiều chính sách ưu đãi để phát triển, thu hút các nhà đầu tư du lịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất để khách du lịch đến Lai Châu. Có thể nói, Lai Châu đang đi những bước chậm nhưng rất chắc để phát triển du lịch bền vững.
Lai Châu chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch, văn hoá ứng xử, kỹ năng nghề cho lực lượng lao động trực tiếp làm du lịch
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định phát triển du lịch là 1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung xây dựng Chương trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển du lịch. Lai Châu đặt mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; là điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, bền vững và hội nhập.
Với sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành Du lịch tỉnh, của mỗi người dân, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, đến nay, Du lịch Lai Châu đã có bước phát triển mới, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xoá đói giảm nghèo; bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá độc đáo của các dân tộc trên địa bàn và dần ghi dấu thương hiệu Du lịch Lai Châu trên bản đồ Du lịch Việt Nam…
Bay trên đỉnh Putaleng ở giải dù lượn đường trường mở rộng
Với mong muốn sớm đưa “Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn tại khu vực Tây Bắc”, ngành Du lịch Lai Châu đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ của tỉnh, tạo tiền đề đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung với cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ. Phấn đấu đến năm 2025, đón trên 4 triệu lượt khách. Tập trung nguồn lực thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và mang đậm bản sắc riêng của Lai Châu. Tiếp tục phát triển các loại hình du lịch thế mạnh như: du lịch sinh thái, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc…
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó giám đốc Sở VHTTDL Lai Châu cho biết: “Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng năm 2021, tỉnh Lai Châu vẫn đặt mục tiêu tổng lượng khách tăng 23,8% so với năm 2020. Lai Châu sẽ chú trọng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển các khu, điểm du lịch, du lịch cộng đồng theo định hướng phát triển bền vững; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, xây dựng nông thôn mới, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ phát triển du lịch. Có chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch bài bản nhằm thu hút khách du lịch đến mảnh đất Lai Châu xinh đẹp”
Lai Châu đặt mục tiêu tổng lượng khách tăng 23,8% so với năm 2020
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.HCM năm 2021. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh kết nối du lịch giữa Lai Châu với TP.HCM và các tỉnh Tây Bắc trong trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý; đổi mới hình thức xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực và mở rộng thị trường khách đến Lai Châu và các tỉnh Tây Bắc trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết, xây dựng các tour du lịch mới, cụ thể, hấp dẫn với các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Sơn La…
Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được đổi mới về hình thức tổ chức; ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến; tập trung vào hiệu quả, nổi bật là tỉnh chủ động phối hợp tổ chức Chương trình liên kết phát triển du lịch Lai Châu - Hà Nội, Tuần Văn hóa Du lịch Lai Châu tại Hà Nội với rất nhiều hoạt động đặc sắc. Tổ chức các sự kiện du lịch lớn như: Giải dù lượn đường trường Putaleng mở rộng lần thứ III, Giải siêu Marathon địa hình Lai Châu 2021, Cuộc thi ảnh nghệ thuật Vẻ đẹp du lịch Lai Châu năm 2021… nhằm giới thiệu các hình ảnh về miền đất, con người Lai Châu và các giá trị văn hóa độc đáo, quảng bá các điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch, văn hoá ứng xử, kỹ năng nghề cho lực lượng lao động trực tiếp làm du lịch. Triển khai hiệu quả phần mềm ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Lai Châu.
THUÝ HÀ; ảnh: BÌNH THUẬN
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)