45 năm cái nôi đào tạo lý luận, phê bình mỹ thuật Việt Nam

VHO - Ngày 12.12 tại Hà Nội, Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 45 năm thành lập Khoa Lý luận, Lịch sử và phê bình mỹ thuật.

45 năm cái nôi đào tạo lý luận, phê bình mỹ thuật Việt Nam - Anh 1

Các thế hệ thầy và trò Khoa Lý luận, Lịch sử và phê bình mỹ thuật trong ngày kỷ niệm 45 năm thành lập

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, TS Đặng Thị Phong Lan, Phó hiệu trưởng phụ trách kiêm Trưởng khoa Lý luận, Lịch sử và phê bình mỹ thuật nhấn mạnh: “Trải qua 45 năm thành lập với 22 khoá học, mặc dù trong những thời điểm lịch sử khác nhau, có những lúc thăng trầm trong công tác tuyển sinh và đào tạo, nhưng Khoa có quyền tự hào đã đào tạo được rất nhiều nhà khoa học trưởng thành, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp nghiên cứu, phê bình và giảng dạy mỹ thuật của nước nhà. Họ làm việc tại các trường đại học, viên nghiên cứu mỹ thuật hàng đầu cả nước và giữ những vị trí quan trọng như Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, Đại học Nghệ thuật Huế, Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Văn Lang TP.HCM; hay Viện KHXH&NV, Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam…

“Bên cạnh đó, không ít các cựu sinh viên của Khoa trở thành các hoạ sĩ, nghệ sĩ sáng tác và hoạt động chuyên nghiệp, đóng góp vào nền mỹ thuật hiện đại và đương đại Việt Nam. Không ít trong số họ đã trở thành các nhà giám tuyển độc lập, điều phối viên trong các gallery…; hoặc trở thành nhà báo làm việc trong các cơ quan thông tấn, đài truyền hình, báo chí lớn trong cả nước. Điều này cho thấy, công tác đào tạo của Khoa trong hành trình 45 năm đã góp phần không nhỏ cho sự trưởng thành của các thế hệ sinh viên”, Trưởng khoa Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật cho hay.

45 năm cái nôi đào tạo lý luận, phê bình mỹ thuật Việt Nam - Anh 2

TS Đặng Thị Phong Lan, Phó Hiệu trưởng phụ trách, kiêm Trưởng khoa Lý luận, Lịch sử và phê bình mỹ thuật tri ân các thế hệ giảng viên, sinh viên

Năm 1978, Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật được thành lập trong bối cảnh vừa hòa bình thống nhất đất nước. Đó cũng là thời điểm các thiết chế mỹ thuật ở Việt Nam bắt đầu được thiết lập lại để tạo nên một sự định hình mới cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam trong tình hình mới.

Đến năm 2010, Khoa được đổi tên là Khoa Lý luận, Lịch sử và phê bình mỹ thuật, có những thay đổi đáng kể trong chương trình đào tạo, để cập nhật những kiến thức mới. Bên cạnh các môn học có tính truyền thống như các môn lịch sử mỹ thuật, lý luận mỹ thuật, mỹ học nhiều năm nay, chương trình đào tạo của Khoa được bổ sung các môn học mới như curator, nhiếp ảnh, nghiệp vụ báo chí… để đáp ứng với sự phát triển chung của mỹ thuật hiện đại, đương đại Việt Nam. Sự đổi mới này cũng đã đem lại những thành tựu đáng kể.

Cũng theo TS Đặng Thị Phong Lan, đào tạo ngành lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật là một nhu cầu cần thiết nhằm cung cấp đội ngũ nghiên cứu lý, luận, phê bình mỹ thuật và giảng dạy lịch sử mỹ thuật cho đất nước. Trong cả nước hiện tại chỉ có hai trung tâm đào tạo chính quy ngành Lý luận, Lịch sử và phê bình mỹ thuật là Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Các cử nhân ngành Lý luận, Lịch sử và phê bình mỹ thuật hiện đang hoạt động trong mọi lĩnh vực của xã hội, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền mỹ thuật nước nhà.

45 năm cái nôi đào tạo lý luận, phê bình mỹ thuật Việt Nam - Anh 3

Các đại biểu tham dự khai mạc triển lãm "Đồng hành"

“Nếu như trước kia phê bình mỹ thuật chỉ được lồng ghép trong các học phần khác thì nay đã trở thành một học phần độc lập, một trong những môn học quan trọng của ngành Lý luận, Lịch sử và phê bình mỹ thuật. Người học được trang bị các kiến thức cơ bản về phê bình mỹ thuật như lịch sử phê bình, các kỹ năng và phương pháp cần thiết trong phê bình mỹ thuật… Đây cũng là những thay đổi tích cực trong điều chỉnh chương trình đào tạo ngành Lý luận, Lịch sử và phê bình mỹ thuật nhằm giúp người học trang bị kiến thức lý thuyết chuyên sâu về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, lịch sử mỹ thuật thế giới, lý luận mỹ thuật, phê bình mỹ thuật và nghệ thuật tạo hình”, TS Đặng Thị Phong Lan nói.

PGS.TS. Quách Thị Ngọc An - cựu sinh viên Khoá 9 chia sẻ, đội ngũ lý luận đã được phát triển lớn mạnh trong những năm qua. Mỗi người hoạt động một lĩnh vực chuyên sâu đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển của ngành Mỹ thuật nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung. Những cuốn sách, công trình, bài viết có chất lượng về lý luận, phê bình mỹ thuật không chỉ giúp công chúng hiểu sâu hơn về nghệ thuật thể hiện trong các tác phẩm, về những sáng tạo và sự đóng góp của tác giả cho xã hội mà còn giúp công chúng biết được về trường phái, về xu hướng, những chuyển biến, đổi mới của mỹ thuật. Trước hàng loạt sự kiện, hiện tượng xuất hiện trong đời sống mỹ thuật, sự phản ánh kịp thời cùng những nhận định, đánh giá và lý giải của hoạt động phê bình mỹ thuật là không thể thiếu.

Cũng trong ngày 12.12, trước khi diễn ra lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Khoa, các thế hệ thầy trò của Khoa Lý luận, Lịch sử và phê bình mỹ thuật đã chứng kiến sự ra mắt cuốn sách “Những giác độ nghiên cứu mỹ thuật”. Đây là tập hợp những bài nghiên cứu của các cựu sinh viên, giảng viên của Khoa trong khoảng thời gian 5 năm gần đây nhất. Cuốn sách là một dấu ấn ghi nhận sự trưởng thành của đội ngũ các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật cốt cán trong sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện nay.

Đồng thời Triển lãm “Đồng hành” cũng được khai mạc trong khuôn khổ lễ kỷ niệm. Triển lãm trưng bày các tác phẩm sáng tác của cựu sinh viên, hoạ sĩ, các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật có những đóng góp vào hoạt động giảng dạy sáng tác của Khoa. Triển lãm còn là bằng chứng cho quan điểm sáng tác song hành với nghiên cứu.  Sáng tác làm cho nghiên cứu sâu sắc hơn và nghiên cứu cũng làm cho các sáng tạo nghệ thuật đầy đặn hơn, nhiều nội hàm hơn.

Q.HOA; ảnh: LÊ NGỌC

Ý kiến bạn đọc