10 năm hoài niệm – Nguyễn Cương

BẢO NGÂN

VHO - Ngày 24.5.2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra lễ khai mạc triển lãm 10 năm hoài niệm – Nguyễn Cương (1943 – 2014). Triển lãm giới thiệu 84 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Cương với chất liệu sơn mài, sơn dầu, ký hoạ chì và màu nước được sáng tác từ năm 1970- 2014.

10 năm hoài niệm – Nguyễn Cương - ảnh 1
Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Cương

Đề tài sáng tác của họa sĩ Nguyễn Cương tiêu biểu là hình tượng người chiến sĩ trong chiến đấu và trong lao động sản xuất. Bên cạnh đó các tác phẩm cũng thể hiện nhân sinh quan của tác giả về cuộc sống, tranh tĩnh vật, tranh trừu tượng các góc nhìn tâm tưởng của hoạ sĩ. 

Nguyễn Cương sinh ngày 2.1.1943 (tuổi Nhâm Ngọ) ở TP. Hải Phòng, trong một gia đình căn bản, bố làm thợ nguội, mẹ nội trợ, có nghề dệt vải, lụa. Với vóc dáng khỏe mạnh mà thư sinh, lại có năng khiếu nghệ thuật hát múa hay, thạo văn thơ, nói được đến năm thứ tiếng…, ông nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật.  

10 năm hoài niệm – Nguyễn Cương - ảnh 2

Năm 1962, Nguyễn Cương nhập ngũ, năm 1974 tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, năm 1983 ông tiếp tục tốt nghiệp cao học tại Đại học Mỹ thuật Budapest, Hungary. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật dài 45 năm cuộc đời, Nguyễn Cương đã vẽ khoảng 500 bức tranh. 

Ngoài hội họa giá vẽ, ông còn sáng tác nhiều tranh tường khổ lớn và ít nhiều thực hành điêu khắc. Có rất nhiều người bạn của họa sĩ nhận xét: Trong những họa sĩ cùng thời với anh, các hoạ sĩ quân đội, nhất là các hoạ sĩ “Hải Phòng”, tính cách Nguyễn Cương cũng như nghệ thuật của anh là một chân dung đáng nhớ. Anh đã lao động nghệ thuật liên tục cho đến khi qua đời ở tuổi 71.

10 năm hoài niệm – Nguyễn Cương - ảnh 3

Gia đình họa sĩ chia sẻ: "Giống như hầu hết các gia đình khác ở thời kỳ bao cấp và đầu Đổi mới, từ năm 1984, bước khởi đầu của gia đình chúng tôi cũng không mấy dễ dàng. Hai đứa con gái lần lượt ra đời, lớn lên, đi học, cùng biết bao công việc, lo toan của một người chồng bộ đội và một người vợ cán bộ nhà nước - đã đòi hỏi ở chúng tôi rất nhiều cố gắng và thời gian...".

Trên thực tế, có lẽ chỉ từ năm 1991, khi Nguyễn Cương nghỉ hưu, sau gần 30 năm phục vụ trong quân đội, ông mới thực sự có điều kiện cần thiết và thời gian để tập trung vào sáng tác. 

10 năm hoài niệm – Nguyễn Cương - ảnh 4

 "Hạnh phúc lớn nhất đối với chúng tôi là có người chồng, người cha, người ông vừa là một họa sĩ giỏi vừa là một người đàn ông tốt, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Chúng tôi đã được sống cùng anh, trong thế giới tâm hồn của anh, hình và sắc trên những bức tranh của anh, và hiện vẫn đang sống hạnh phúc trong thế giới ấy cho dù anh đã vắng mặt.

“Anh Cương ra đi đã tròn 10 năm. Năm nay, được sự gợi mở, động viên và giúp đỡ của những người thân, các bạn đồng ngũ, đồng môn, đồng nghiệp của anh, các bạn hữu thân thiết gần xa của anh và gia đình - chúng tôi đã mạnh dạn sưu tầm, sắp xếp, ghi chú các tác phẩm và tư liệu của anh để lại, tập hợp thành triển lãm “NGUYỄN CƯƠNG (1943 - 2014): 10 NĂM HOÀI NIỆM”…”, đại diện gia đình chia sẻ.

10 năm hoài niệm – Nguyễn Cương - ảnh 5

Trong không gian triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một lần nữa, một số tác phẩm mà lúc sinh thời họa sĩ Nguyễn Cương yêu thích, luôn luôn hiện hữu trong hoài niệm của gia đình và bạn bè lại được tập hợp cùng với những tác phẩm đã đánh dấu những bước đầu thành công trong sự nghiệp của ông.

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 30.5.2024.