Một cách tiếp cận khác về hội họa trừu tượng
VHO - Triển lãm tranh trừu tượng chủ đề “Từ trong vô tận” của họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh vừa ra mắt công chúng vào tối 10.6, tại TP.HCM. Vốn là người từng học chữ Hán và mê thư pháp, Thịnh muốn áp dụng vào hội họa để thỏa mãn những đường nét nhấn nhá sâu mà cạn, thô nhưng như mềm mại, có mà như không…
Một góc trưng bày tranh của Thịnh tại Huyen Art House
Việt Nam ngày nay có nhiều họa sĩ vẽ trừu tượng, nhưng theo đuổi trừu tượng liên tục vài chục năm, hoặc gần như suốt đời, thì vẫn là số ít, Trần Vĩnh Thịnh là một trong số ít đó. Xét về bảng màu, “Từ trong vô tận” là cuộc chuyển đổi mạnh mẽ từ vàng-đen sang xanh-đen-trắng. Với tranh trừu tượng, bảng màu chiếm yếu tố quan trọng, nó không chỉ là tín hiệu cho bề mặt thị giác, mà còn là chìa khóa của nhận thức, của quan niệm, của cách thế nhìn.
Tranh trừu tượng tại Việt Nam manh nha từ giữa thập niên 1950 ở Sài Gòn, với các tranh thuộc giai đoạn chuyển biến từ kỷ hà/ký hiệu sang bán trừu tượng của Tạ Tỵ. Rồi sau đó là tranh trừu tượng của Nguyên Khai và của một số thành viên khác thuộc Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam (ở Sài Gòn) trong các thập niên 1960-1970. Bẵng đi gần 20 năm sau đó, với ý thức hệ câu nệ hiện thực, trừu tượng gần như vắng bóng chính thức ở Việt Nam. Các tên tuổi lớn như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái và một số người khác vẫn âm thầm thực hành trừu tượng, nhằm nghiên cứu nhận thức và triết lý, nhưng gần như “hoạt động kín”, chứ ít khi được bày biện công khai. Đến đầu thập niên 1990, từ Nguyễn Cầm (Paris) và Nguyễn Trung (Sài Gòn), trừu tượng mới làm cuộc trở lại, xuất hiện thêm một số tên tuổi đáng nhớ khác. Chừng vài năm sau đó, ở độ tuổi ngoài 20, Trần Vĩnh Thịnh đã mày mò vẽ trừu tượng.
Tranh anh có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ vàng-đen sang xanh-đen-trắng. Trong ảnh: Tác giả bên cạnh những tác phẩm mới nhất của mình
Ngay khi còn đi học mỹ thuật, việc vẽ trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh vừa nhận về những ngạc nhiên, vừa nhận về cả thị phi. Những năm cuối thế kỷ 20, ở Nha Trang và miền Trung, mà theo đuổi trừu tượng, thì thường bị cho là “không biết vẽ nên mới quậy bậy”. Vượt qua sự thị phi và cả sự ngạc nhiên đó, Trần Vĩnh Thịnh cứ nhẩn nha đi với trừu tượng cho đến ngày nay. Và triển lãm cá nhân “Từ trong vô tận” là một ví dụ thú vị cho hành trình phiêu du và kiên định của Trần Vĩnh Thịnh.
Theo họa sĩ Phan Thiết: “Trần Vĩnh Thịnh, người con xứ Huế, có số phận tuổi thơ thấm đẫm Phật giáo, nên khi trở thành hoạ sĩ, tranh anh cũng từng thấm đẫm sắc vàng... Màu vàng ấy là chặng đường “sắc nhiễm”, là lý trí tu tập của anh. Và nay tranh trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh “vượt thoát” ám ảnh số phận để tâm thức Thịnh, tâm tình Thịnh… khởi cuộc riêng từ “Từ trong vô tận” bước ra vô tận bên ngoài của hành trình hội họa ngày càng riêng tư hơn...
“Đến với hội họa trừu tượng của Trần Vĩnh Thịnh là đến với những chuyển động không ngừng. Xem tranh của anh, tôi tìm thấy “mouvements”, nghĩa là những nét cọ mạnh mẽ và phóng khoáng dẫn lối đưa đường chúng ta đi về điểm vô tận, không có chỗ dừng lại”, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi bày tỏ.
Những đường nét nhấn nhá sâu mà cạn, thô nhưng mềm mại… của nghệ thuật thư pháp trong tranh Trần Vĩnh Thịnh
Vốn là người từng học chữ Hán và mê thư pháp, Trần Vĩnh Thịnh muốn áp dụng vào hội họa để thỏa mãn những đường nét nhấn nhá sâu mà cạn, thô nhưng như mềm mại, có mà như không…
PGS.TS Phan Thanh Bình, Trường ĐH Nghệ thuật Huế nhận xét rằng: “Từ mấy năm nay rồi, tranh của họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh không còn xa lạ trong giới. Thịnh luôn có một lối vẽ và một cách triển lãm, công bố tác phẩm trước công chúng cũng khá khác thường. Lần này, giữa năm 2022 với những sáng tác mới như sự trở lại sau chuỗi ngày ảm đạm của covid, Thịnh ngay lập tức được nhận diện bởi những sắc màu đen-xám-trắng thay cho những gam màu bồng bềnh, xao động một thời.
Tranh của Thịnh xa dần những khoảng trống gợi nhớ xa xăm, trở nên lắng trầm suy tư với những vệt đen đan xen, những mảng trắng đen chồng lấp và chợt lóe sáng đâu đó chút cam vàng, xanh bích và rồi bổng tan biến. Đó phải chăng là một cách tiếp cận khác về trừu tượng của Thịnh khi họa sĩ muốn phá cách, đổi mới chính mình và tìm tòi, đi vào những thử thách khác đầy nghĩ suy và hướng nội hơn bao giờ hết”.
Triển lãm đang diễn ra tại Huyen Art House (8A Đặng Tất, Quận 1, TP.HCM) từ 10-19.6.2022.
T.TRANG