Giằng co giữa hội nhập và bản sắc
VHO- Đây là vấn đề được giới nghề quan tâm tại cuộc hội thảo với chủ đề “Bản sắc và hội nhập trong mỹ thuật Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21” do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức vào cuối tuần qua, đặc biệt trong bối cảnh nền mỹ thuật Việt Nam đang bước vào thời kỳ “bùng nổ” của hội nhập và phát triển.
Trích đoạn trong video art của Ưu Đàm Trần Nguyễn
Bên cạnh những cơ hội đổi mới, phát triển thì vẫn tồn tại những thách thức to lớn trong việc cân bằng giữa hội nhập và giữ gìn bản sắc của quốc gia, dân tộc.
Hội nhập và giữ gìn bản sắc
Có thể thấy, các nghệ sĩ giờ đây thường sử dụng bản sắc như một vấn đề cốt lõi, sống còn trong các tác phẩm của mình. Nhưng vấn đề nếu chỉ đơn thuần đưa những chiếc nón lá, những chiếc áo dài vào một cách vụng về và xử lý như một chất liệu thô thì các tác phẩm sẽ rất dễ bị du lịch hóa, thương mại hóa. Một trong những xu hướng phổ biến ngày nay được nhiều họa sĩ sử dụng để khắc phục thực trạng này khi sáng tác là sử dụng bản sắc như một dạng tinh thần nhằm khơi dậy những nét mới trong các tác phẩm.
Họa sĩ Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh: “Hội nhập trong văn hóa và nghệ thuật là xu thế giao lưu quốc tế hiện nay.Với sự hội tụ nhiều bản sắc văn hóa các dân tộc trên thế giới, đây là dịp để trao cho nhau những giá trị văn hóa, bằng sự hiểu biết, cảm thụ cái đẹp nghệ thuật, đưa con người lại gần với nhau, thiện chí về thế giới hòa bình. Từ đó tạo ra bản sắc của mỗi nước. Hội nhập là mở rộng giao lưu, nhưng nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi mỹ thuật mỗi nước có bản sắc của mình. Do vậy, phải giữ gìn bản sắc để không bị “hòa tan”. Vị họa sĩ cũng cho biết những người làm mỹ thuật phải có sáng tạo mới, bằng giá trị riêng mang bản lĩnh và phong cách tác giả. Nếu chạy theo “bắt chước” thì chúng ta sẽ trở thành những “nô lệ” và bị đồng hóa, đánh mất đi chính bản thân mình.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định: “Hội nhập là sự tất yếu khi toàn cầu hóa lan rộng trên toàn thế giới. Các sinh viên, họa sĩ, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, nhà nghiên cứu cần di chuyển ra khỏi đất nước mình đến các quốc gia để học tập, nghiên cứu... Thực tế cho thấy hội nhập mang đến cơ hội quảng bá, làm cho di sản văn hóa của một quốc gia được biết đến, được học hỏi và phát huy. Bản sắc văn hóa của một quốc gia không đứng yên mà là quá trình biến đổi năng động phù hợp với điều kiện lịch sử”.
Để tạo được những dấu ấn riêng, các nghệ sĩ đương đại đã theo đuổi hướng đi mới nhưng vẫn giữ nguyên những nét riêng trong bản sắc. Xu hướng này được đánh giá cao bởi cách tiếp cận đa dạng từ điền dã. Cách thực hành cũng hết sức phong phú trên nhiều phương tiện như vẽ, in ấn, video, nhiếp ảnh... Chủ đề được đề cập trong tác phẩm thường chất vấn về yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống, bản sắc. Với xu hướng này, các nghệ sĩ thường thể hiện dưới dạng dự án nghiên cứu văn hóa, chất vấn về bản sắc dưới các hình thức của nghệ thuật thị giác được triển lãm ở những không gian chuyên biệt nhằm lôi kéo người xem cùng tư duy, tương tác, chiêm nghiệm tác phẩm.
Hòa chung dòng chảy bằng gì?
Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, trong hơn chục năm trở lại đây, các nghệ sĩ Việt Nam đã tích cực, chủ động thực hành và tìm kiếm các cơ hội học hỏi, nâng cao khả năng hội nhập với những luật chơi mới. Khi càng hội nhập sâu, câu chuyện “bản sắc” trong các thực hành của nghệ sĩ lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. “Có lẽ cũng không quá khó để nhìn thấy trong thời gian vừa qua những tên tuổi của nghệ sĩ Việt Nam hoặc có gốc Việt trở nên thành danh trong các thiết chế nghệ thuật quốc tế như Lê Quang Đỉnh, Jun Nguyễn, Lê Brother, Ưu Đàm Trần Nguyễn,...”, ông Sơn chia sẻ.
Với xu thế toàn cầu hóa, câu chuyện bản địa trong mối quan hệ đa chiều với những vấn đề mang tầm quốc tế chính là chiếc “chìa khóa” để mang bản sắc dân tộc đến gần hơn với những giá trị chung về văn hóa và nhân văn của nhân loại. Xu hướng phát triển nghệ thuật đương đại theo hướng suy nghĩ và tư duy tầm quốc tế, bắt đầu từ những hành động ở bản địa trở thành xu hướng chung kích thích các nghệ sĩ tìm tòi, phản biện các giá trị về bản sắc, lịch sử.
Mặc dù các nghệ sĩ đương đại Việt Nam đang cố gắng đưa mỹ thuật nước nhà và mỹ thuật thế giới về “chung một nhịp đập” nhưng rõ ràng vẫn xuất hiện khoảng cách khá lớn giữa các họa sĩ thực hiện theo nếp cũ đời sống mỹ thuật trong nước với những thiết chế nghệ thuật phổ biến hiện nay, khiến cho môi trường nghệ thuật đương đại trong nước chưa thực sự có được sự phát triển mạnh mẽ để hội nhập sâu hơn với sân chơi quốc tế.
Th.S Trần Hoàng Ngân, giảng viên Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Mỹ thuật nước ta hiện vẫn tồn tại quan niệm cứ bản sắc là phải đưa yếu tố dân gian vào tác phẩm. Trong khi mỹ thuật Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến là những tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ ý niệm. Chúng ta nên cởi mở hơn, không nên đi theo lối mòn về quan niệm bản sắc cũ. Có những nghệ sĩ đưa cái tôi cái rất cá nhân vào cũng đã làm nên bản sắc. Đặc biệt, chúng ta cần sử dụng những ngôn ngữ truyền đạt hiện đại hơn để công chúng yêu mỹ thuật có thể dễ dàng hiểu được”.
Như vậy, trong bối cảnh nếu những cơ chế mở cửa hội nhập vẫn chưa được tháo bỏ hoàn toàn thì câu chuyện mang bản sắc Việt Nam đi “đánh xứ người” trước mắt vẫn sẽ chỉ là những nỗ lực nhỏ lẻ của các cá nhân.
ĐÌNH TOÁN