Bỏ lại ồn ào để ngồi xuống​​​​​​​ xem quá khứ dưới chân mình

VHO- Một phần quá khứ của Hà Nội được gìn giữ rất lâu trong Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Paris, giờ đây đang sống lại trong từng hình ảnh, tiếng rao... Bằng cách kết hợp ảnh chụp, hiệu ứng âm thanh và ký họa, những gánh hàng rong trên đường phố Hà Nội được tái hiện trong phảng phất mùi vị luyến nhớ, hoài niệm.

Bỏ lại ồn ào để ngồi xuống​​​​​​​ xem quá khứ dưới chân mình - Anh 1

 Khách tham quan được dịp trải nghiệm không khí xưa cũ

Với mong muốn làm sống lại một Hà Nội thân thương qua hình ảnh những gánh hàng rong, triển lãm “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội” vừa được mở ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền-Hà Nội.

Đánh thức ký ức xưa

Triển lãm giới thiệu một tập hợp các phác thảo, tranh vẽ và màu nước của 15 sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có những người sau này trở thành những danh họa của Việt Nam như Lê Phổ, Tô Ngọc Vân…, cùng thầy giáo Ferdinand de Fénis trong khoảng từ năm 1925 - 1929. Nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Duy Phương là người sắp đặt triển lãm chia sẻ, các ý tưởng thực hiện không mới nhưng đủ độc đáo để mỗi người có cơ hội quay về… ngày xưa. Ở đây, âm thanh và ánh sáng chính là nghệ thuật chủ đạo, là ngôn ngữ kể chuyện văn hóa, đời sống một thời. “Bỏ lại thành phố ồn ào, náo nhiệt ngoài kia, người ta bước vào không gian này, xem những hộp ảnh và lắng nghe tiếng rao hàng rong, ngồi xuống để xem quá khứ dưới chân mình”, Duy Phương nói.

10 bức phác thảo đen trắng được in trên giấy dó, đưa vào trong các hộp treo nhấp nhô trên tường, có lắp bóng đèn bên trong để công chúng có thể nhìn được cả những vân giấy dó tuyệt đẹp nổi lên cùng những nét vẽ đầy rung cảm. Các nghệ sĩ khắc họa tài tình thế giới bé nhỏ của những gánh hàng rong đang rảo bước khắp các con phố Thủ đô, dưới tia nắng đầu tiên trong ngày cùng các gánh hàng rau quả, kẹo bánh và đồ ăn vặt đa dạng… Chảy qua gần một thế kỷ, khung cảnh đường phố Hà Nội hiện lên đôi khi chỉ trong vài đường nét. Ấy là chuyển động đung đưa, tao nhã để giữ gánh hàng thăng bằng, là dáng nghiêng nghiêng của người bán hàng khi lấy kem cho những đứa trẻ đang nóng lòng chờ đợi.

27 bức ảnh đen trắng đặt dưới những tấm kính cường lực, kết thành chiếc cầu có thể bước qua, giúp người xem tương tác, sống lại không khí xưa cũ. Các tác phẩm ảnh này thuộc bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác Cổ, do tác giả người Pháp, người Việt chụp lại Hà Nội 36 phố phường, con đường, phiên chợ nổi bật hình ảnh gánh hàng rong. Phố Hàng Than người quẩy đôi quanh gánh, trước cổng chợ Đồng Xuân từng gánh hàng trĩu nặng, người bán cam ở phố Hàng Buồm ngày Tết, chợ hoa Tết bên bờ hồ Hoàn Kiếm, người gánh nước trước cổng Đông Hà, người phụ nữ bán tiết canh lòng lợn trong một khu chợ… Họ chủ yếu đến từ các làng phụ cận Hà Nội, ngày nay đã sáp nhập vào Thủ đô, còn trước kia là vùng nông nghiệp từng góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm cho hơn 100.000 người dân nội đô giai đoạn đó…

Điểm độc đáo của những bức vẽ nằm ở sự miêu tả đầy hấp dẫn về những món ăn được bày bán khắp các góc phố và việc nắm bắt nhạc tính trong tiếng rao người bán sử dụng để mời gọi khách hàng. Không chỉ là tranh, là ảnh quý về gánh hàng rong và những mái chợ truyền thống từ đầu thế kỷ trước, những tranh ảnh này còn được đưa đến với khán giả theo cách ấn tượng qua phần thu âm tiếng rao của nghệ sĩ Đàm Quang Minh và nhóm Đông Kinh cổ nhạc. Đó là âm vang nhạc tính trong tiếng mời gọi khách hàng, có cả những người chuyên thu mua phế liệu, nghe văng vẳng những tiếng rao một thời.

Bỏ lại ồn ào để ngồi xuống​​​​​​​ xem quá khứ dưới chân mình - Anh 2

 Gánh hàng rong ở Hà Nội

Trân trọng những điều bình dị

Ý tưởng của triển lãm đến từ cuốn sách cùng tên được xuất bản tại Pháp năm 2018, sau đó các nhà nghiên cứu Pháp đưa sang Việt Nam với ý định in ra, giới thiệu tới công chúng. Tuy nhiên, cách tiếp cận một nguồn tư liệu quý như vậy khá lãng phí. Trung tâm Văn hóa Pháp quyết định dựng thành triển lãm, cho khán giả hình thức trải nghiệm bằng nghệ thuật. Một phần quá khứ của Hà Nội được gìn giữ gần 1 thế kỷ trong Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Paris, được sống lại trong từng hình ảnh, tiếng rao, tại chính nơi mà nó đã được sinh ra.

Trong một góc nhỏ, người ta bắt gặp chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ của một người mua đồng nát, đồ điện tử cũ mà Viện Viễn Đông Bác Cổ đã tình cờ mua được. Trong các phác họa bấy giờ cũng vẽ những khuôn nhạc, ghi âm tiếng rao nhưng nhiều câu không thể hiểu được dù là tiếng Việt. Ví dụ từ se cấu, se cấu trong phần tiếng Pháp hiểu là kem vị vani nhưng tiếng Việt giờ đây khó có thể dịch nghĩa đó là từ gì. Có thể do một người nước ngoài ghi lại theo tai nghe của họ, có thể không chính xác, sai chính tả… nhưng một điều chúng ta thấy là sự trân trọng vẻ đẹp trong từng góc phố, từng lời rao. Có điều, Hà Nội với gánh hàng rong và tiếng rao trên đường phố bây giờ chẳng khác nào màu sắc đang nhạt dần.

Ngày nay, phương thức di chuyển và các mặt hàng của những người bán hàng rong đã thay đổi. Xe đạp, thậm chí xe máy dần thay thế phương thức đi bộ bán hàng và đòn gánh. Kỹ thuật rao cũng đã được hiện đại hóa và thích ứng với môi trường đô thị náo nhiệt. Để chào mời khách mua hàng, người ta sử dụng loa kết nối với máy ghi âm chạy bằng bình ắc quy. Chị Dương Thị Thuỷ, phụ trách văn hoá, Trung tâm Văn hoá Pháp chia sẻ: “Chúng ta đang ở trong lòng thành phố, bước vào không gian triển lãm giống như đi về quá khứ. Tuỳ trải nghiệm của từng người, những người đã sống qua những năm 20, 30 và những người chưa bao giờ được sống nhưng đã được nghe kể về những người sinh ra ở thời đó… Tuỳ theo lứa tuổi mà họ có những cảm nhận khác nhau khi xem triển lãm. Nhưng điều quan trọng là tất cả cùng biết về một phần quá khứ của Hà Nội”. 

 NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc