“Chìa khóa” mở cửa phát triển văn hóa vùng đồng bào DTTS Quảng Ngãi mới:

(Emagazine) Bài cuối - Làm giàu hơn bản sắc văn hóa các dân tộc

NHƯ ĐỒNG - TẠ HÀ; thiết kế: MẠNH LÊ
Chia sẻ

VHO - Từ nền văn hóa phong phú, đậm đà sắc màu các dân tộc, đã mở ra “cánh cửa” lớn đối với tỉnh Quảng Ngãi mới trong khai thác và phát huy giá trị, phục vụ phát triển nền công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cần gìn giữ và phát huy giá trị các di sản trở thành tài sản, tức là trở thành sinh kế bền vững, mang lại thu nhập cho đồng bào.

(Emagazine) Bài cuối - Làm giàu hơn bản sắc văn hóa các dân tộc - ảnh 1
(Emagazine) Bài cuối - Làm giàu hơn bản sắc văn hóa các dân tộc - ảnh 2
(Emagazine) Bài cuối - Làm giàu hơn bản sắc văn hóa các dân tộc - ảnh 3

Nghệ nhân ưu tú Đinh Thanh Sơn (50 tuổi), người Ca Dong ở xã Sơn Tây Thượng từng có chuyến tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS ở phía Tây tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, cộng đồng dân tộc ở đây đều có bản sắc riêng, họ sở hữu một kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, sinh động.

(Emagazine) Bài cuối - Làm giàu hơn bản sắc văn hóa các dân tộc - ảnh 4
Nghệ nhân ưu tú Đinh Thanh Sơn (bên trái) giao lưu, tìm hiểu cồng chiêng Ba Na

“Mỗi dân tộc có một di sản văn hóa độc đáo, một “màu cờ sắc áo” riêng. Những lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số mang đậm dấu ấn riêng, mỗi loại nhạc cụ đặc trưng được diễn tấu những cách khác nhau theo tập quán - tín ngưỡng dân gian của mỗi cộng đồng. Tôi và anh chị em tham quan đã hiểu thêm ý nghĩa và cách sử dụng nhạc cụ của đồng bào các DTTS ở Kon Tum cũ…”, ông Sơn chia sẻ.

Cũng theo nghệ nhân ưu tú Đinh Thanh Sơn, ngày nay, cuộc sống hiện đại khiến nhiều người xa rời văn hóa truyền thống, do đó, việc bảo tồn và phát huy di sản gặp nhiều khó khăn. Ông mong Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ, để nghệ nhân có thể góp thêm màu sắc cho bức tranh văn hóa dân tộc thêm rực rỡ.

Nghệ nhân ưu tú A Thu (49 tuổi), người Xơ Đăng ở xã Kon Đào đã dành nhiều năm nghiên cứu, học hỏi và tìm các nguyên vật liệu để “hồi sinh” những loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc như K'lông pút, đàn đá… và đồng thời xây dựng một đội nghệ nhân trình diễn nhạc cụ.

(Emagazine) Bài cuối - Làm giàu hơn bản sắc văn hóa các dân tộc - ảnh 5
Nghệ nhân ưu tú A Thu ở xã Kon Đào góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng

“Cuộc sống của bà con từ nay sẽ thay đổi, bà con sẽ cố gắng thi đua phát triển kinh tế, sản xuất, lao động. Ngoài thời gian sản xuất, phát triển kinh tế cho gia đình, bà con chúng tôi còn cùng nhau gìn giữ, trao truyền và giới thiệu những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc đến với du khách gần xa. Các dân tộc anh em có điều kiện thuận lợi hơn cho giao lưu văn hóa, kinh tế và xã hội”, nghệ nhân A Thu nói.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Sây (42 tuổi), người Hrê ở thôn Làng Teng, xã Ba Động cho biết: “Quảng Ngãi – Kon Tum thành một nhà, tôi và bà con ở Làng Teng vui lắm. Từ nay, mình sẽ có điều kiện để giao lưu văn hóa nhiều hơn với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum cũ. Không gian văn hóa được rộng mở, hy vọng chính quyền địa phương sẽ có những chính sách trong bảo tồn di sản văn hóa, tạo điều kiện để các nghệ nhân, người có uy tín giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về cách làm hay, mô hình hiệu quả trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa”.

(Emagazine) Bài cuối - Làm giàu hơn bản sắc văn hóa các dân tộc - ảnh 6

Tỉnh Quảng Ngãi mới có 43 dân tộc anh em, mỗi cộng đồng đều lưu giữ nhiều di sản văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc riêng, nhất là truyện cổ tích, sử thi, dân ca, nghệ thuật điêu khắc, dệt vải, đan lát, trang phục, trang sức, làm gốm, chế tác nông cụ thể hiện thế giới nhân sinh quan, nguồn gốc dân tộc, tình yêu thương con người, tình yêu thiên nhiên, đất nước.

Đồng thời, sự đa dạng về cộng đồng dân tộc cũng tạo ra nhiều nghề truyền thống như: nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần, nghề rèn, đan lát, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống.

(Emagazine) Bài cuối - Làm giàu hơn bản sắc văn hóa các dân tộc - ảnh 7

Theo số liệu thống kê, tỉnh Kon Tum (cũ), có 414 làng với 439 nhà rông; hơn 2.300 bộ cồng chiêng được lưu giữ và hơn 500 làng đồng bào DTTS có cồng chiêng, đội cồng chiêng và múa xoang; sưu tầm, phục dựng được 33 lễ hội truyền thống của các DTTS….

Với sự đa dạng về cộng đồng và văn hóa, sự định hướng và đầu tư trọng tâm, trọng điểm, những năm qua, du lịch cộng đồng đang được thúc đẩy. Hiện nay, nhiều thôn, làng ở Kon Tum đã có tên trên bản đồ du lịch, như: Làng Kon Kơtu, làng Bar Gốc, làng Vi Rơ Ngheo, làng Đăk Răng.

Cùng với các điểm du lịch nổi tiếng như: Măng Đen, ngã ba Đông Dương, Vườn quốc gia Chư Mom Ray, đảo Lý Sơn, văn hóa Sa Huỳnh… những cộng đồng dân tộc đầy bản sắc sẽ là động lực mới thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.

(Emagazine) Bài cuối - Làm giàu hơn bản sắc văn hóa các dân tộc - ảnh 8
Các lễ hội của đồng bào DTTS trở thành điểm thu hút du khách

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Phạm Thị Trung cho biết, tỉnh Quảng Ngãi mới với những lễ hội, phong tục, tập quán văn hóa truyền thống có không gian trình diễn rộng hơn. Sự đa dạng, nét đặc sắc của văn hóa truyền thống các dân tộc được gìn giữ, phát huy qua nhiều hoạt động phục dựng, tổ chức và duy trì trong đời sống hàng ngày của người dân.

(Emagazine) Bài cuối - Làm giàu hơn bản sắc văn hóa các dân tộc - ảnh 9

Theo bà Trung, trước tác động của hội nhập sâu rộng hiện nay, nguy cơ bị đồng hóa, mai một, thậm chí là mất hẳn bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các DTTS đang hiện hữu hơn bao giờ hết. Đây là một thách thức lớn đối với ngành hiện nay, việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các DTTS trở nên cấp bách, nhằm không ngừng nâng cao đời sống về mọi mặt của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh.

(Emagazine) Bài cuối - Làm giàu hơn bản sắc văn hóa các dân tộc - ảnh 10
Không gian văn hóa của đồng bào DTTS được gìn giữ gắn với phát triển du lịch

“Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ vận dụng linh hoạt, có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Nhà nước để khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa gắn với giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Trong đó, chú trọng gắn công tác bảo tồn các giá trị văn hóa với phát triển công nghiệp văn hóa; gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển các sản phẩm du lịch…. Nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bền vững. Coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay”, bà Trung cho biết thêm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh: “Tương lai của Quảng Ngãi là phát triển du lịch với những lợi thế nhằm lan tỏa hình ảnh của biển cả bao la, của đại ngàn Tây Nguyên trùng điệp, của con người hiền hậu, của những giá trị văn hóa được gìn giữ nguyên vẹn qua năm tháng. Tương lai của Quảng Ngãi là phát huy tiềm lực văn hóa, tinh thần cho người dân để trở thành nguồn lực nội sinh, là xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của một xã hội lành mạnh, giàu tính nhân văn”.

(Emagazine) Bài cuối - Làm giàu hơn bản sắc văn hóa các dân tộc - ảnh 11