Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện mọi biện pháp cần thiết ứng phó siêu bão

TÙNG QUANG

VHO - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khi trực tiếp thị sát, kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại Quảng Ninh, Hải Phòng vào chiều 6.9

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện mọi biện pháp cần thiết ứng phó siêu bão - ảnh 1
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra khu bến neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Thị trấn Cái Rồng (sức chứa 1.000 phương tiện). Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra khu bến neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Thị trấn Cái Rồng (sức chứa 1.000 phương tiện).

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết, càng kỹ, càng cụ thể, nhiều phương án chủ động ứng phó sẽ càng giảm tối đa tổn thất, thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng, tài sản của nhân dân. Tuyệt đối không được có tư tưởng chủ quan.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết tỉnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 trên địa bàn, đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành và địa phương chịu trách nhiệm nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ gây thiệt hại về người và tài sản.

Từ 11h ngày 6.9, Sở GTVT, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ Đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi.

Đến nay, gần 5.600 tàu cá các loại đã nhận được thông tin về bão, di dời về nơi tránh trú bão an toàn. Trên 2.800 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển đã thực hiện gia cố, chằng chống, buộc dây đảm bảo an toàn. Ngư dân và người lao động trên cơ sở nuôi trồng thủy sản đã được các địa phương tổ chức di chuyển người lên bờ đảm bảo tuyệt đối không để lại người trên các lồng bè, chòi canh... khi bão đổ bộ.

Các địa phương và lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn đã huy động 2.663 cán bộ chiến sĩ, 68 ô tô các loại, 18 tàu, 59 xuồng, 6 xe đặc chủng ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư như: Vải bạt chống sóng, đá hộc, bao tải, rọ thép, dây thép, vải lọc… cho việc gia cố tại những vị trí xung yếu trên tuyến đê.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ninh khởi động mọi lực lượng, chỉ đạo tập trung, thông tin liên lạc thông suốt, chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ, dù trong tình huống nghiêm trọng nhất.

Các cơ quan báo chí, truyền thông tập trung thông tin liên tục, kịp thời về cơn bão số 3 và công tác chuẩn bị ứng phó của các cấp chính quyền, bà con nhân dân.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện mọi biện pháp cần thiết ứng phó siêu bão - ảnh 2
Phó Thủ tướng kiểm tra công tác phòng chống bão tại Công ty than Hà Tu. Ảnh VGP/Minh Khôi

Tại khai trường của Công ty than Hà Tu, TP. Hạ Long, Phó Thủ tướng cho rằng công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 tại các địa phương ở Quảng Ninh đang được triển khai tốt và phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc, có kịch bản cho các vùng khác nhau (huyện đảo, ven bờ, đồng bằng, miền núi) trước, trong và sau bão.

Việc chủ động phòng tránh, di dời triệt để người dân ra khỏi vùng xung yếu, nguy hiểm, có nguy cơ cao là rất quan trọng.

Được biết, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị lộ thiên tạm dừng sản xuất, di chuyển thiết bị đến nơi an toàn khi có mưa.

Bão vào khu vực nào thì lập tức dừng sản xuất, củng cố duy trì, bơm nước liên tục, thực hiện thông gió... bảo đảm an toàn cho các đường lò. Khi bão số 3 về, tất cả giám đốc các đơn vị sẽ trực 24/24h tại công ty theo yêu cầu của tập đoàn, chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán người, thiết bị, dân cư kịp thời.

Kiểm tra tuyến đê biển Hà Nam, thị xã Quảng Yên, Phó Thủ tướng đề nghị phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối, nhất là các điểm xung yếu, khi bão số 3 vào sẽ gây sóng lớn.

Thị xã Quảng Yên đã huy động máy móc, làm việc liên tục 3 ca thi công gia cố, bổ sung rọ đá hộc, đắp cao đỉnh đê, trải bạt chống sóng đề phòng nước dâng do bão, nhất là 2 vị trí xung yếu là 2 cống tiêu qua đê tại Km12+200 và Km13+455; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với cường độ bão, sóng biển mạnh hơn thiết kế.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện mọi biện pháp cần thiết ứng phó siêu bão - ảnh 3
Phó Thủ tướng kiểm tra công tác phòng chống bão tại Cảng Lạch Huyện. Ảnh:VGP/Minh Khôi

Người dân nuôi trồng thuỷ sản bên trong sát tuyến đê biển Hà Nam cũng đã hoàn tất công tác chằng chống nhà cửa, đưa người già, phụ nữ, trẻ em vào khu dân cư an toàn bên trong, "sẵn sàng trực chiến chống bão".

Hải Phòng đã chuẩn bị kịch bản hiệp đồng trong từng tình huống, cấp độ bão đổ bộ

Sau khi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã thị sát tình hình chuẩn bị ứng phó tại tuyến đê biển Cát Hải, cảng Lạch Huyện, tại huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng.

Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết thành phố xác định người dân là chủ thể trong phòng, chống bão số 3, vì vậy, đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các thông báo, hướng dẫn của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương. "Đến 19h tối 6.9, thành phố sẽ di dời toàn bộ người dân còn ở các vùng trũng, khu vực xung yếu, nhà cửa không kiên cố, tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản... đến nơi tránh trú an toàn", ông Lê Tiến Châu nói.

Bên cạnh đó, TP. Hải Phòng đã chuẩn bị kịch bản hiệp đồng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng dân sự, công an, quân đội trong từng tình huống, cấp độ bão đổ bộ; bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực xung yếu.

Phó Thủ tướng đề nghị TP. Hải Phòng bảo đảm thông tin liên lạc, chỉ huy thông suốt trong mọi tình huống, có phương án tiếp cận với các khu vực xung yếu, bị chia cắt.

"Thành phố cần bám sát, thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó với bão số 3, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động triển khai mọi biện pháp phòng ngừa, càng kỹ càng tốt, giảm thiểu thiệt hại sức khoẻ, tính mạng và tài sản của người dân", Phó Thủ tướng nói.