Hà Nội oằn mình trước bão số 3

NHÓM P.V, C.T.V

VHO - Theo dự báo, khoảng 18 giờ chiều nay 7.9, bão số 3 (Yagi) ảnh hưởng trực tiếp Hà Nội, nhưng từ 15 giờ chiều nay, tại Hà Nội mưa đã rất to, gió giật mạnh. Mưa bão và gió lớn không chỉ ảnh hưởng đời sống người dân mà đã gây khá nhiều thiệt hại.

Hà Nội oằn mình trước bão số 3 - ảnh 1
Nhiều cây xanh trên các phố của Thủ đô bị bão quật đổ. Ảnh: CT.V

Tại nhiều đường phố, khu dân cư của Hà Nội tiếp tục có nhiều cây xanh bị gió bão quật đổ. Nhiều nhà dân, nhà xưởng lợp bằng mái tôn bị gió bão thổi bay tốc mái.

Gió bão cũng gây mất điện tại một số nơi do cột điện bị đổ, hoặc cây xanh đổ vào đường dây điện khiến hư hỏng làm mất điện.Tại một số huyện ngoại thành, ảnh hưởng của bão số 3 cũng đã gây thiệt hại khá nhiều về nông nghiệp.

Báo cáo nhanh, UBND Thành phố cho biết, tổng lượng mưa tính từ 7 giờ ngày 6-9 đến 7 giờ ngày 7-9 ở các khu vực: Hoàn Kiếm là 13,5mm; Hà Đông 19,0mm; Sơn Tây 60,2mm; Ứng Hòa 38,4mm; Ba Vì 50,8mm. 

Về tình hình thiệt hại, theo thống kê, đến nay, tại Hà Nội có 7 người bị thương vong do cây đổ, cụ thể tại quận Hoàng Mai có 1 người chết và 1 người bị thương; quận Hoàn Kiếm có 3 người bị thương; quận Hai Bà Trưng có 2 người.

Hà Nội oằn mình trước bão số 3 - ảnh 2

Ngày 7.9, trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo người dân thành phố không nên ra khỏi nhà, để tránh rủi ro, thiệt hại về người.

Trước đó, trong các Công điện, chỉ đạo, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà trong mưa bão

Người đứng đầu chính quyền Thủ đô đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Công an thành phố Hà Nội có thể sẽ thực hiện cấm đường trong trường hợp cần thiết; thông báo, cảnh báo đến các tàu thuyền và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên sông nước; sẵn sàng lực lượng, phương tiện trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời tổ chức cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra.

Hà Nội oằn mình trước bão số 3 - ảnh 3

Trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 đến Hà Nội, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cũng vừa đưa ra cảnh báo các điểm ngập lụt ở khu vực nội thành Hà Nội. Theo đó, hiện nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, khu vực nội thành Hà Nội đang có mưa to đến rất to.

Dự báo trong 3-6h giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa to đến mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 50-90mm, có nơi trên 130mm.

Cảnh báo, đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 20-40cm; đáng chú ý một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu từ 30-50cm.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố vừa có Văn bản số 146/BCH ngày 7.9 về việc tập trung ứng phó với lũ rừng ngang gây mưa lũ, ngập lụt trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.

Hà Nội oằn mình trước bão số 3 - ảnh 4

Theo đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa to đến rất to, mực nước sông Tích, sông Bùi đang lên nhanh có nguy cơ xuất hiện lũ rừng ngang ảnh hưởng đến địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.

Để ứng phó hiệu quả với tình hình thời tiết, thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, ổn định đời sống và sản xuất của Nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức tăng cường

theo dõi thông tin, kịp thời nắm bắt tình hình thời tiết, thiên tai, sự cố; kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm xung yếu, nhất là các tuyến đường, các công trình đê điều và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, sập đổ công trình bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Hà Nội oằn mình trước bão số 3 - ảnh 5

Chủ động ứng trực, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm đảm bảo an toàn về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ.

Ngay sau khi bão số 3 đổ bộ vào khu vực giữa tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng vào khoảng 12h30 ngày 7.9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp thứ 2 của Sở Chỉ huy tiền phương, đánh giá tình hình ứng phó của các địa phương.

Báo cáo tại cuộc họp Sở Chỉ huy tiền phương do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì ngay sau  khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng – Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, sau khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, sức gió vẫn duy trì cấp 12-13, giật cấp 14-16, dự kiến đến khoảng 16h mới giảm dần. Các vùng sâu trong đất liền cấp độ gió sẽ tăng dần, riêng tại Hà Nội, từ 15h có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9-10, kéo dài đến 19h.

Hà Nội oằn mình trước bão số 3 - ảnh 6
Trước đó, bão số 3 gây nhiều thiệt hại cho tỉnh Quảng Ninh

Ông Hoàng Đức Cường nhấn mạnh, ngay sau khi tâm bão đi qua, sức gió sẽ giảm hoặc ngừng sau đó tăng trở lại, trước khi giảm hẳn, vì vậy, người dân phải hết sức cảnh giác, không được chủ quan, ra đường, về nhà ngay khi thấy hiện tượng gió giảm hoặc ngừng.

Về dự báo mưa, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình có mưa nhiều nhất. Các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên mưa kéo dài đến hết đêm 7.9. Sau đó mưa sẽ lan rộng ra vùng núi phía bắc, Tây Bắc Bộ đến hết ngày 8.9.

Hà Nội oằn mình trước bão số 3 - ảnh 7

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 vào tỉnh Quảng Ninh với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h. Bão đã gây nhiều thiệt hại cho TP Hạ Long và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; Bãi Cháy (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 14, giật cấp 17.

Đến 15h15' chiều 7/9, hoàn lưu bão số 3 đã không còn gây gió giật mạnh và mưa to như thời điểm trước đó, các địa phương tranh thủ khắc phục sau bão.

Do tình hình mất điện, sóng điện thoại di động bị gián đoạn nên mọi con số thiệt hại chưa được cập nhật, thống kê đầy đủ. Qua nắm tình hình, số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà bè dịch vụ, trông coi thủy sản, dây nuôi hàu của người dân trên các khu vực biển của các huyện ven biển bị thiệt hại nặng nề; nhiều cây xanh bị gãy đổ; nhiều mái tôn của nhà dân bị tốc; bảng quảng cáo, biển chỉ dẫn giao thông bị đổ.

Hà Nội oằn mình trước bão số 3 - ảnh 8

Tại TP. Hải Phòng, tâm bão nằm trên địa bàn huyện Cát Hải, các địa bàn quận huyện khác có mưa và gió giật rất mạnh.

Lãnh đạo các tỉnh Thái Bình, Nam Định cho biết, ngay sau khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, khu vực ven biển ghi nhận mức gió duy trì liên tục ở cấp 9-10, vùng ven biển giật cấp 12-13.

Với mức sóng biển cao từ 4-5 m, các tuyến đê biển, đê sông xung yếu tại Hải Phòng, Nam Định vẫn đang an toàn.

Các địa phương ghi nhận thiệt hại ban đầu là tình trạng cây cối, cột điện gãy đổ, nhà bị tốc mái, vỡ kính ở một số nhà cao tầng, một số xà lan, tàu thuyền bị trôi dạt. Nhiều nơi ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị mất điện, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết thành phố đang triển khai các biện pháp ứng phó theo các kịch bản đã đề ra; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành điện lực, viễn thông khẩn trương khôi phục lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc sớm nhất.

Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan khí tượng thủy văn cung cấp chính xác diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 sau khi đi vào đất liền, về cấp gió, lượng mưa để các đô thị, khu đông dân cư, vùng trung du miền núi phía bắc chủ động giảm nhẹ thiệt hại do cây cối, cột điện gãy đổ, nhà cửa bị tốc mái, sập đổ, ngập lụt; phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với địa phương sớm đánh giá thiệt hại, chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung khắc phục, sửa chữa lưới điện, hệ thống thông tin, liên lạc.

Ở những nơi bão tan, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, xác định các khu vực hỗ trợ; phối hợp với các lực lượng, cơ quan đoàn thể, nòng cốt là lực lượng vũ trang triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiệt hại, bảo đảm đời sống của nhân dân, không để ai bị đói, bị rét, ko có chỗ ở.

Khuyến cáo "cấm đường" khu vực Hà Nội đến 22 giờ tối 7.9

Theo thống kê đến cuối giờ chiều ngày 7.9 của Bộ NN&PTNT, bão số 3 đã khiến ít nhất 5 người chết (cụ thể, Quảng Ninh 3 người, Hải Dương 1 người, Hà Nội 1 người) và khoảng 80 người khác bị thương (trong đó, Quảng Ninh 58 người, Hải Phòng 20 người, Hà Nội 7 người).

5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu tại Quảng Ninh; 1 tàu vận tải tại Hải Phòng bị đứt neo trôi dạt. Tại các tỉnh, TP: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương bị mất điện diện rộng. Một số khu vực tại Hà Nội cũng đang mất điện.

Bên cạnh đó, thống kê chưa đầy đủ của Bộ NN&PTNT cũng cho biết nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, TP: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang và thủ đô Hà Nội.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 3, Bộ NN&PTNT tiếp tục đề nghị các tỉnh, TP vùng đồng bằng, ven biển kiên quyết “cấm đường” đối với khu vực ven biển đến 20 giờ tối 7.9, khu vực Hà Nội đến 22 giờ tối 7.9. Khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.