TP.HCM: Chưa có một thị trường lao động
VHO-Đó là đánh giá của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại Hội thảo khoa học “Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp” do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM phối hợp cùng Sở GD&ĐT tổ chức cuối tuần qua.
Số lượng sinh viên thất nghiệp đang ở mức báo động
Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP.HCM chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh đã dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng không tìm được việc làm. Vấn nạn sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ thất nghiệp đã ở mức báo động.
Kỹ năng đào tạo và nhu cầu tuyển dụng còn khoảng cách lớn
Số liệu từ Bộ LĐ,TB&XH cho hay, đến hết quý II năm 2018, cả nước còn gần 127.000 người trình độ ĐH thất nghiệp, 70.800 người trình độ CĐ chưa có việc làm.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, công tác giải quyết việc làm cho người lao động đã trở thành một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của TP. Tính bình quân mỗi năm, TP.HCM đã giải quyết hơn 300.000 việc làm, tạo thêm 135.000 việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%. Riêng số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ tại TP đạt trên 72%. Số sinh viên đang học tập tại TP hiện vào khoảng 40.000 sinh viên. Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn còn nhiều thách thức. Một trong những tồn tại, hạn chế dẫn đến việc thất nghiệp hiện nay là do chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường đã dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi. Trong khi đó vẫn còn khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp… Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nêu một thực tế là vừa qua có một tờ báo quốc tế đăng bài viết về tình trạng sinh viên nước ta tốt nghiệp ĐH nhưng phải chạy Grab với thu nhập mỗi tháng 5 triệu đồng, nhận định về câu chuyện này, ông Phong nói: “Điều này cũng là xứng đáng, song cho thấy có một trăn trở lớn là ước mơ và hoài bão đi vào ngõ cụt sau những năm tháng học trên giảng đường. Qua đó, chúng ta thấy rằng, giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp là trách nhiệm của chính quyền TP, trong đó vai trò của các trường ĐH là rất quan trọng”.
Sinh viên còn thụ động
Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động nước ta còn thấp, chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động; năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN; nhiều ngành nghề sẽ biến mất và có những công việc mới ra đời. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho rằng, một thực trạng dễ thấy là các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kỹ năng.
Theo Bộ LĐ,TB&XH, mặc dù sinh viên thất nghiệp cao nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển dụng được lao động, cho thấy có sự mất cân đối lớn giữa cung và cầu trong thị trường lao động. Hiện nay có đến 41% doanh nghiệp không đủ khả năng tuyển dụng lao động tay nghề cao.
Nhiều chuyên gia cho rằng sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đã dần được chú trọng, tuy nhiên chưa đạt hiệu quả cao, dẫn đến việc đào tạo vẫn chưa thật sự bám sát với nhu cầu thực tế. Để nhà trường đào tạo được sinh viên chất lượng, doanh nghiệp có được lao động đáp ứng được yêu cầu, rất cần đẩy mạnh liên kết hai bên. Cùng với sự chủ động, năng động của nhà trường và doanh nghiệp trong xây dựng các mô hình liên kết, cần có sự hỗ trợ, định hướng của cơ quan quản lý. Cụ thể, có các chính sách khuyến khích liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối các cơ quan hữu quan để dự báo nhu cầu nhân lực và hướng nghiệp.
Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, để đáp ứng yêu cầu, các trường ĐH và doanh nghiệp cần chia sẻ và hợp tác chặt chẽ với nhau trong vấn đề đào tạo và sử dụng lao động, đón đầu xu hướng thị trường. Để chương trình đào tạo bám sát thực tế, nhà nước cần phát triển khả năng dự báo thị trường lao động trong dài hạn, từ đó các trường có định hướng chuyển đổi cơ cấu ngành nghề và chương trình đào tạo phù hợp. Cùng với đó cần tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết với cơ sở đào tạo. Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, các cơ sở giáo dục cần chú trọng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng sinh viên ra trường thất nghiệp, đó còn là do sinh viên thụ động trong tìm kiếm việc làm, thiếu linh hoạt, không nhạy bén, thiếu kỹ năng giao tiếp, ảo tưởng về công việc trong tương lai, không chấp nhận làm những công việc bình thường. PGS.TS Cao Hào Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn nói rằng, bên cạnh việc học kiến thức và kỹ năng chuyên môn, sinh viên phải rèn luyện kỹ năng mềm và các năng khiếu văn, thể, mỹ.
“TP.HCM xác định giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của chính mình. Do đó, TP cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn chỉnh hệ sinh thái thị trường lao động, cũng như hỗ trợ các điều kiện cần thiết nhằm tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, giảm mức thấp nhất khoảng cách chênh lệch giữa đào tạo và nhu cầu thị trường lao động”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định.
THÙY TRANG