Thương hiệu độc đáo để đi đến thành công

HOÀNG LÊ

VHO - Hội nghị Thương hiệu 2024 là sự kiện thường niên do Forbes Việt Nam (ấn phẩm của Báo Văn Hóa) tổ chức vào chiều qua 12.12 tại TP.HCM, đã quy tụ các lãnh đạo, nhà chiến lược của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam nhằm thảo luận về chiến lược xây dựng thương hiệu độc đáo, hiệu quả trong thời đại mới.

 Thương hiệu độc đáo để đi đến thành công - ảnh 1
Các diễn giả cho rằng, chỉ có sản phẩm chất lượng là chưa đủ, thương hiệu cần xây dựng bản sắc rõ ràng

Với mức tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,8% trong năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục sau đại dịch Covid-19, gần bằng mức tăng trưởng của năm 2019, theo ngân hàng Standard Chartered. Tuy nhiên, sự phục hồi này không đồng đều giữa các ngành nghề, đặc biệt thị trường tiêu dùng vẫn chưa cho thấy sự bứt phá rõ rệt. Bên cạnh đó, hành vi người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng, đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ gắn kết bền vững với khách hàng.

Bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu bán lẻ NIQ đã trình bày về chủ đề “Hiểu thị trường, định hình thương hiệu”. Dưới góc nhìn sâu sắc cùng với những trải nghiệm thực tế về thương hiệu, bà Dung cung cấp bức tranh toàn cảnh về thị trường tiêu dùng Việt Nam và các khu vực, cùng với các yếu tố đang tác động đến hành vi người tiêu dùng.

Đây sẽ là nền tảng để doanh nghiệp nắm bắt xu hướng và xây dựng chiến lược phù hợp. Trong phiên thảo luận “Thương hiệu gắn kết cảm xúc”, nhiều diễn giả phân tích cách các doanh nghiệp với bề dày lịch sử lâu năm xây dựng bản sắc thương hiệu độc đáo, vừa giữ được giá trị cốt lõi, vừa mang tính hiện đại. Đặc biệt, các diễn giả cũng chia sẻ bí quyết giúp doanh nghiệp vượt qua thử thách và liên tục duy trì mối quan hệ cảm xúc sâu sắc với khách hàng.

Theo ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), nhiều doanh nghiệp Việt Nam với bề dày lịch sử lâu năm đang đối mặt với thách thức phải đổi mới để phát triển lên tầm cao hơn. Trong thời đại ngày nay, chỉ có sản phẩm chất lượng là chưa đủ, thương hiệu cần xây dựng bản sắc rõ ràng và kết nối cảm xúc mạnh mẽ với khách hàng để trở thành sự lựa chọn hàng đầu.

Trong phiên thảo luận thứ hai mang tên “Gen Z kích hoạt thị trường”, các diễn giả tập trung phân tích sâu về thế hệ Gen Z, nhóm khách hàng trẻ năng động, đang định hình xu hướng tiêu dùng mới với thói quen mua sắm khác biệt và ưu tiên trải nghiệm số. Điều này tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và phục vụ nhóm đối tượng này. Gen Z, những người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2012, hiện chiếm 25% lực lượng lao động và đang trở thành động lực quan trọng trong thị trường tiêu dùng Việt Nam. Với 55% sử dụng TikTok thay vì Facebook như thế hệ Y, Gen Z có những thói quen mua sắm và giá trị ưu tiên rất khác biệt.

Các diễn giả cũng đã đưa ra những chiến lược tiếp cận nhóm khách hàng Gen Z và cách áp dụng công nghệ để tăng cường hiệu quả bán hàng. Nhóm khách hàng Gen Z rất tiềm năng và các doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược để tạo nên thương hiệu độc đáo chinh phục nhóm khách hàng này. Đây là điều không hề dễ dàng, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp chinh phục được nhóm khách hàng này thì đó sẽ là một thành công rất lớn trong sự phát triển bền lâu của doanh nghiệp và thương hiệu. Tại Hội nghị Thương hiệu 2024 đã diễn ra lễ vinh danh 25 thương hiệu niêm yết dẫn đầu năm 2024, được Forbes Việt Nam bình chọn và công bố trong ấn phẩm tháng 11.2024. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này. Danh sách bao phủ nhiều ngành nghề và tập trung vào các công ty niêm yết có đầy đủ số liệu tài chính, nhằm đảm bảo tính chính xác trong việc xác định giá trị thương hiệu.

Tổng giá trị thương hiệu của 25 công ty trong danh sách 2024 lên tới gần 5,2 tỉ USD, với tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 185 ngàn tỉ đồng (tương đương 7,3 tỉ USD) trong năm 2023. Đứng đầu danh sách năm nay là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với giá trị thương hiệu vượt 891 triệu USD. Theo sau là Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MBBank) và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), với giá trị thương hiệu lần lượt đạt 550 triệu USD và 474 triệu USD. Có tới 14 thương hiệu đạt giá trị hơn 100 triệu USD.