Diễn đàn Kinh doanh 2024:

Công nghệ là “chìa khóa vàng”

HỒNG HẠNH

VHO - Chiều ngày 22.8, tại TP.HCM, Diễn đàn Kinh doanh 2024 cùng với Lễ vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2004 do tạp chí Forbes Việt Nam (ấn phẩm của Báo Văn Hóa) tổ chức đã chính thức khai mạc.

Công nghệ là “chìa khóa vàng” - ảnh 1
Diễn giả trong phiên thảo luận "Đón đầu xu hướng"

Với chủ đề “Đón đầu xu hướng”, các diễn giả đã cùng thảo luận về viễn cảnh phục hồi kinh doanh sau giai đoạn biến động, nhận diện cơ hội của doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam trước làn sóng công nghệ cũng như việc Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nền kinh tế lớn sẽ mở ra cơ hội phát triển mới.

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 có nhiều quan điểm trái ngược. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng 2.4%, trong khi OECD dự báo 3.1%. Tình hình địa chính trị và các diễn biến kinh tế lớn khiến viễn cảnh khó đoán định. Trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam gặp khó khăn từ thị trường quốc tế, với lãi suất cao và tỉ giá đô la Mỹ tăng vọt.

Tuy nhiên, GDP quý 2.2024 của Việt Nam đạt 6.42%, mức cao so với khu vực. Bất chấp khó khăn tạm thời, trong triển vọng dài hạn, kinh tế Việt Nam vẫn được xem là một điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư quốc tế, chiếm vị thế quan trọng trong chuỗi sản xuất và thương mại thế giới.

Cũng trong bài trình bày “Viễn cảnh vĩ mô”, Tiến sĩ Peter Redhead, Trưởng bộ phận Nghiên cứu công ty Chứng khoán TP.HCM đã phác thảo bức tranh chung kinh tế toàn cầu và Việt Nam, giúp các nhà lãnh đạo nhận diện các cơ hội và rủi ro dựa trên các kịch bản của nền kinh tế trong 12 tháng tới để hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp.

Theo ông Peter Redhead, Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng GDP cao nhất ở khu vực Đông Nam Á trong năm tới, tuy nhiên so với tầm rộng hơn là khu vực Châu Á thì vẫn còn nhiều hạn chế.

Công nghệ là “chìa khóa vàng” - ảnh 2
Doanh nghiệp được Forbes Việt Nam vinh danh

Dòng chảy thương mại toàn cầu yếu ớt trong hai năm qua đã tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Các khó khăn tại thị trường nội địa khiến nhiều lĩnh vực kinh doanh quan trọng suy yếu: thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu, thị trường tiêu dùng, thị trường lao động… nhưng các doanh nghiệp có thể hy vọng năm 2024 là bản lề chuyển tiếp sang giai đoạn tăng trưởng.

Chính vì thế trong phiên thảo luận “Đón đầu sự phục hồi”, lãnh đạo các công ty hàng đầu đã chia sẻ về cách ứng phó trong hai năm qua, để từ đó nhận diện cơ hội phát triển khi kinh tế toàn cầu phục hồi.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Phú Thái Holding Group cho biết, hiện nay các doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải các khó khăn chủ yếu đó là: Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng đang giảm; Các doanh nghiệp vẫn còn tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng theo cách cũ; Cạnh tranh về hàng tồn kho cao… Nói đến doanh nghiệp của mình, ông Phạm Đình Đoàn cho hay, thay vì e dè trước những khó khăn thì doanh nghiệp đã nỗ lực tìm những hướng đi mới, áp dụng công nghệ vào các hoạt động, liên kết với các doanh nghiệp lớn…

Và để đón đầu cơ hội trong thời gian tới, các diễn giả đã đưa ra những hướng đi có tầm nhìn dành cho các doanh nghiệp nội địa. Ông Vinay Bhardwaj, Giám đốc Quốc gia, Phó chủ tịch Indorama Ventures chia sẻ: “Tôi tiếp tục khẳng định rằng, Việt Nam là nước đang có tốc độ tăng trưởng tốt không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà thậm chí là cả Châu Á. Và nếu ta đã có các yếu tố căn bản cần thiết, thì những cơ hội đã sẵn sàng mở ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam”.

Còn với bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam: “Các doanh nghiệp cần phải tập trung tăng trưởng xanh, chiến lược xanh để có thể phát triển lâu dài”, bà nhấn mạnh.

Cũng theo các diễn giả, công nghệ chính là “chìa khóa” giúp nền kinh tế Việt Nam tăng tốc, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển. Sau những hợp tác chiến lược mang tính lịch sử, Việt Nam đang có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất chip bán dẫn toàn cầu.

Chính vì thế, trong phiên thảo luận “Nắm bắt cơ hội vàng”, các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu đã chia sẻ quan điểm và nhận diện cơ hội, thách thức khi các công nghệ đột phá đang tác động sâu rộng tới nền kinh tế Việt Nam. Qua đây, các lãnh đạo đã giúp nhiều doanh nghiệp nội địa thêm nhiều kỳ vọng hơn khi Việt Nam tham gia sâu vào ngành công nghiệp chip bán dẫn thế giới.

Cũng nhân dịp này, Diễn đàn kinh doanh 2024 đã trao kỷ niệm chương cho một số doanh nghiệp tiêu biểu trong “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2024” của Forbes Việt Nam. Đây là danh sách lần thứ 12 do Forbes Việt Nam thực hiện, 50 doanh nghiệp ưu tú nhất của nền kinh tế năm qua đã mang về tổng lợi nhuận sau thuế 190.831 tỉ đồng và tổng doanh thu đạt 1.296.831 tỉ đồng.