Thỏa niềm đam mê, nâng cao thu nhập từ sinh vật cảnh
VHO - Chăm sóc, tạo hình cây cảnh không chỉ là thú vui, mà còn là nghề mang lại thu nhập khá cho nhiều người. Khách hàng mua cây cảnh thuộc hàng “khó tính” nên người kinh doanh cây cảnh phải nắm bắt nhu cầu, có sự đổi mới, sáng tạo để hút khách.

Phát triển ngành kinh tế sinh thái
Mạnh dạn thoát ra khỏi vùng an toàn và thử thách với hướng đi khởi nghiệp mới đã đem về thành công cho anh Nguyễn Bảo Thọ (40 tuổi), ở thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh (huyện Mộ Đức). Tốt nghiệp ngành kỹ sư điện, rồi học y sĩ và trải qua nhiều vị trí việc làm khác nhau, nhưng với niềm đam mê sinh vật cảnh và muốn tạo lập mô hình phát triển kinh tế của riêng mình, anh Thọ đã mạnh dạn nghỉ việc để triển khai mô hình vườn ươm hoa, cây kiểng theo hướng an toàn sinh học.
Anh Thọ không sử dụng phân bón hóa học, mà tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp và cỏ trong vườn để ủ mục làm giá thể trồng cây. Cùng với đó, anh còn ủ ớt, tỏi, gừng, lá cây nem với rượu để phun diệt trừ các loại sâu, rầy, nên tiết kiệm được chi phí trồng trọt.
Thời gian đầu, để thu hút khách hàng, anh Thọ thường xuyên sưu tầm những loại hoa, cây kiểng mới, bắt mắt rồi rao bán lên các trang mạng. Mặc dù đã có lượng khách hàng ổn định, nhưng do số cây bán ra vẫn còn nhỏ lẻ, nên lợi nhuận thu lại không nhiều. Thế là, anh Thọ vừa làm vừa học hỏi, đúc kết thêm kiến thức để nhận tư vấn, thiết kế các công trình trang trí hoa, cây kiểng.
Nhờ tâm huyết, chú trọng đến chất lượng, anh Thọ tạo dựng được uy tín với nhiều khách hàng. Tiếng lành đồn xa, anh Thọ được nhiều đơn vị, cá nhân ký kết hợp đồng cung cấp các loại giống hoa, cây kiểng và nhận trồng, trang trí, chăm sóc hoa, cây kiểng trên các tuyến đường nông thôn, trong sân vườn và các quán cà phê, nhà hàng trong tỉnh.
“Để phát triển bền vững mô hình vườn ươm hoa, cây kiểng, tôi không chạy theo số lượng mà đặt chất lượng lên hàng đầu. Tôi tư vấn cho các khách hàng những cây trồng sinh trưởng tốt, phù hợp với vị trí, khí hậu, thổ nhưỡng từng nơi. Điều quan trọng là sau mỗi công trình, dù lớn hay nhỏ, tôi cũng phải đảm bảo chế độ bảo hành cho khách, để không phụ niềm tin của những người yêu hoa, cây kiểng. Đây cũng là điều góp phần giúp mô hình khởi nghiệp của tôi thành công, không ngừng lớn mạnh”, anh Thọ chia sẻ.
Hơn 7 năm qua, anh Thọ đã cung cấp ra thị trường hàng chục triệu chậu hoa, cây kiểng các loại. Hiện nay, mô hình vườn ươm và trang trí hoa, cây kiểng của anh Thọ tạo việc làm ổn định cho 3 lao động nông thôn. Từ mô hình này, mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, anh Thọ có thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Góp phần xây dựng nông thôn xanh - sạch - đẹp
Gắn bó với niềm đam mê cây cảnh 35 năm nay, ông Nguyễn Văn Tý (65 tuổi), thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức (huyện Nghĩa Hành) cho biết, là một nông dân nên ngoài trồng lúa, rau màu thì ông còn trồng, chăm sóc nhiều loại cây ăn quả. Năm 1989, thấy nhiều người thích chưng hoa mai vào dịp Tết Nguyên đán nên ông đã tìm tòi, nghiên cứu trồng mai để bán. Đồng thời, ông chọn trồng, chăm sóc, tạo dáng thêm một số cây cảnh bon sai khác.
“Tôi rất đam mê việc tạo dáng cho cây trồng, nên tôi thường nghiên cứu cách chăm sóc cây cảnh. Khi thị trường cây cảnh ngày càng phát triển thì những cây này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Đến nay vườn của tôi có hàng trăm cây cảnh đủ chủng loại được mua, bán đã mang thường xuyên. Nếu so sánh với cây lúa thì cây cảnh thu nhập cao hơn nhiều lần. Tuy nhiên, chăm sóc cây cảnh không chỉ cần mỗi đam mê mà còn cần kiến thức, sự hiểu biết để có thể tạo nên cây cảnh có giá trị kinh tế cao”, ông Tý cho hay.
Trong những năm gần đây, nghề trồng cây cảnh phát triển mạnh ở huyện Nghĩa Hành, trong đó thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức được xem là “vựa” cây cảnh của tỉnh Quảng Ngãi. Toàn thôn có khoảng 120 hộ làm nghề trồng cây cảnh. Thôn Xuân Vinh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể làng nghề cây cảnh vào năm 2021.
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho hay, phong trào trồng, thưởng ngoạn cây cảnh ngày càng phát triển không chỉ góp phần làm cho hình ảnh huyện Nghĩa Hành ngày càng đẹp hơn, mà còn tạo nên nguồn thu nhập cao, ổn định cho nhiều người dân trong huyện. Điều này cũng phù hợp với định hướng của huyện Nghĩa Hành là xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thủ văn minh và đặc biệt là xây dựng phong trào sáng - xanh -sạch - đẹp của các cơ quan và đường làng ngó xóm.

Bên cạnh những nhà vườn, trang trại trồng cây cảnh, hoa kiểng; một số làng nghề trồng hoa ở các vùng nông thôn cũng phát triển rất mạnh, giúp người dân có thêm điều kiện để phát triển kinh tế. Ông Đặng Văn Minh, thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, cho biết, ông đã gắn bó với nghề trồng hoa hơn 20 năm. Trước đây ông chỉ trồng các loại hoa phục vụ các ngày lễ, tết, ngày rằm,... Nhưng những năm gần đây, ông đã trồng thêm các loại hoa cho giá trị cao như hoa hồng ngoại, hoa lan.
“Ngoài việc cải tạo diện tích hơn 500m2 vườn để trồng các loại hoa, tôi còn chuyển đổi một phần diện tích ruộng sang trồng hoa. Đến nay, vườn hoa của gia đình tôi không chỉ là nơi tham quan, học tập của một số anh chị em có đam mê trồng hoa trong tỉnh mà còn được người chơi hoa lan, hoa hồng ngoại tại các tỉnh, thành khác tìm đến đặt mua”, ông Minh nói.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có trên 600 nhà vườn, trang trại, trong đó có 5 nhà vườn được công nhận nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu Việt Nam, 25 nhà vườn sinh vật cảnh tiêu biểu cấp tỉnh. Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Minh Giữ, cho biết, mục tiêu của Hội Sinh vật cảnh tỉnh là xây dựng và phát triển sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và lao động nông thôn; phát triển tổ chức hội sinh vật cảnh gắn với xã hội hóa hoạt động kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập, xóa đói giảm nghèo, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái...