Tại sao nhiều dự án du lịch, thương mại dịch vụ tại Bình Định vẫn ì ạch?
VHO - Thời gian qua, nhiều dự án du lịch, thương mại dịch vụ được cấp phép, triển khai đầu tư lâu năm nhưng vẫn chưa hoàn thành mặc dù đã được tỉnh Bình Định nhiều lần nhắc nhở. Việc này ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đời sống của người dân và phát triển kinh tế của tỉnh Bình Định.
Cụ thể một số dự án chậm tiến độ, như dự án Khu du lịch Ghềnh Ráng - giai đoạn 2 (năm 2014), Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại (năm 2018). Ngoài ra, một số dự án trung tâm thương mại tại TP. Quy Nhơn như Trung tâm Thương mại dịch vụ và căn hộ I - Tower Quy Nhơn (năm 2019), Trung tâm Thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp tại 01 Ngô Mây (năm 2019)...
Tại kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII nhiệm kỳ 2021-2026, vấn đề trên đã được đại biểu phản ánh và đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp, biện pháp khắc phục để tránh lãng phí nguồn lực xã hội và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ông Lê Hoàng Nghi - Giám đốc Sở KH&ĐT Bình Định cho biết: “Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát các dự án triển khai trên địa bàn. Qua đó, Sở cũng nắm được một số dự án triển khai chậm tiến độ so với chủ trương đầu tư”.
Về việc nhiều dự án du lịch, thương mại dịch vụ vẫn ì ạch, chậm tiến độ thi công, ông Lê Hoàng Nghi lý giải, nguyên nhân một phần là ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bởi khi triển khai dự án, lại rơi vào năm 2020-2021, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm và những thay đổi chính sách trong việc điều chỉnh Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, những tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy… buộc nhà đầu tư phải có những điều chỉnh về hồ sơ, thiết kế. Bên cạnh đó, cũng có một số nhà đầu tư chưa triển khai tích cực và năng lực tài chính yếu kém.
“Thời gian qua Sở KH&ĐT Bình Định đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực rà soát, vừa kiểm tra, vừa động viên đôn đốc để phối hợp giải quyết. Đồng thời cũng xử lý nghiêm nhà đầu tư có điều kiện triển khai nhưng không quyết tâm thực hiện”, lãnh đạo Sở KH&ĐT Bình Định nói và khẳng định, biện pháp cuối cùng, nếu không triển khai được thì chúng ta phải kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án theo đúng Luật Đầu tư.
Theo ông Lê Hoàng Nghi, qua kiểm tra, rà soát có nhiều dự án trước đây chậm lại, hoặc ngừng triển khai một thời gian thì trong năm 2024 đã bắt đầu triển khai lại, trong đó có nhiều dự án rất là lớn, vốn hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử hiện nay, dự án số 01 Ngô Mây (TP Quy Nhơn) nhà đầu tư đã làm xong phần móng (khoan cọc nhồi), sau Tết sẽ tiến hành xây công trình công trên đất. Hay như với dự án I - Tower Quy Nhơn, nhà đầu tư đã bước vào giai đoạn hoàn thiện, cố gắng đến năm 2026 đi vào hoạt động.
Trong 2 năm 2023-2024, Sở KH&ĐT Bình Định đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 dự án chậm triển khai nhưng không có lý do khách quan, với số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 1,2 tỉ đồng. Đồng thời, từ năm 2020 đến năm 2024 tỉnh đã tiến hành chấm dứt, thu hồi 97 dự án.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Năm 2025 được xác định là năm “tăng tốc”, “bứt phá”, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo dư địa, động lực cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) từ 7,6 - 8,5%, phấn đấu đạt trên 8,5%.
Người đứng chính quyền tỉnh Bình Định thông tin, những công trình, dự án lớn, định hướng lớn đang được gấp rút triển khai để tạo dư địa tăng trưởng cho các năm tiếp theo. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành, chính quyền địa phương chủ động phối hợp, quyết tâm, đồng lòng trong quá trình triển khai các dự án, bên cạnh đó tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận ủng hộ, tất cả vì sự phát triển đột phá của tỉnh trong giai đoạn mới.