Khai thác lợi thế, dư địa để tạo động lực thành phố biển Quy Nhơn phát triển

VHO - Thành phố biển trẻ Quy Nhơn (Bình Định) mong muốn khai thác lợi thế, dư địa để tạo động lực xây dựng, phát triển thành phố này đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trước thế kỷ X, Quy Nhơn là vùng đất của cư dân cổ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn nổi tiếng và sau đó là đất đế đô của Chămpa. Theo dòng biến đổi của lịch sử, khoảng năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã cho thành lập phủ Hoài Nhơn. Đến năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn, lần đầu tiên trong lịch sử, địa danh Quy Nhơn xuất hiện.

Thành phố Quy Nhơn được đánh giá là có nhiều tiềm năng khai thác du lịch, với lợi thế là đô thị biển, bờ biển trải dài 42km, có đầm Thị Nại chảy qua giữa lòng thành phố, bán đảo Phương Mai nằm trên tuyến du lịch Quốc gia Phương Mai – Núi Bà, địa hình đa dạng về cảnh quan địa lý, có nhiều danh lam thắng cảnh, bãi biển, vũng, vịnh đẹp, đồi, núi đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch như: danh lam thắng Quốc gia Ghềnh Ráng - Tiên Sa, các điểm du lịch nổi tiếng Eo Gió, Kỳ Co, Hải Giang, các khu bảo tồn biển (Bãi Dứa – Nhơn Lý, Hòn Khô – Nhơn Hải, Hòn Nhàn - Ghềnh Ráng, Bãi Trước - Nhơn Châu)…

Khai thác lợi thế, dư địa để tạo động lực thành phố biển Quy Nhơn phát triển - Anh 1

Quy Nhơn mong muốn với khai thác lợi thế, dư địa để phát triển du lịch. Ảnh: Dũng Nhân

Không những vậy, Quy Nhơn có lịch sử, văn hóa lâu đời và đặc trưng được tiếp thu kế thừa văn hóa Chămpa; với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đậm nét (Võ Cổ truyền Bình Định, trống trận Tây Sơn, Bài Chòi, Hò Bả trạo, văn hóa kiến trúc làng chài còn gìn giữ tốt…); ẩm thực đặc sắc, phong phú, đa dạng có thương hiệu và được du khách đánh giá cao thuận lợi cho phát triển du lịch văn hóa, lịch sử. Đó là chưa kể, những năm gần đây, tại thung lũng Quy Hòa – Quy Nhơn được nổi lên Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành được vinh dự là nơi các nhà khoa học đạt giải Nobel, huy chương Field đến nhiều nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và là địa điểm tổ chức các hội thảo khoa học uy tín của quốc tế, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch khám phá khoa học.

Lợi thế về dư địa đã thúc đẩy cho du lịch Quy Nhơn phát triển và vươn tầm quốc tế. Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn chia sẻ: Thuận lợi trên, đã góp phần làm cho du lịch của Quy Nhơn có tốc độ tăng trưởng khá (trừ khoảng thời gian xảy ra đại dịch Covid-19), tăng trưởng khách du lịch trên 15%/năm. Bước đầu hình thành thương hiệu du lịch Quy Nhơn được nhiều du khách quan tâm. Hơn hết, thành phố có nhiều tiềm năng khai thác du lịch biển, du lịch về văn hóa, lich sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao và sự kiện, du lịch khám phá khoa học.

Về câu chuyện lấy lợi thế, dư địa phát triển kinh tế đêm, ông Toàn cho biết: Chúng tôi sẽ xây dựng Đề án Phố đi bộ Quy Nhơn quy mô khu vực, tiến tới quy mô quốc tế và là điểm nhấn trong du lịch kinh tế đêm của Quy Nhơn. Để làm được điều này, Quy Nhơn sẽ thuê đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để thiết kế cảnh quan kiến trúc tuyến phố độc đáo theo hướng hiện đại kết hợp với văn hóa truyền thống địa phương và tổ chức các hoạt động dịch vụ, du lịch kinh tế đêm bên trong tuyến Phố.

Bên cạnh đó, nâng cấp Phố Văn hóa – Nghệ thuật Lê Đức Thọ thông qua việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư và tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, dịch vụ ăn uống vui chơi, giải trí phục vụ phát triển du lịch; di dời và nâng cấp chợ Đêm Quy Nhơn; chọn điểm mới phù hợp cho Phố ẩm thực xe lưu động để hình thành chuỗi chợ đêm, phố ẩm thực phục vụ du lịch... “Khai thác các bãi biển Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và Bãi Xép - Ghềnh Ráng phục vụ tổ chức các dịch vụ du lịch trên bãi biển như: dịch vụ picnic, lều bạt du lịch cho khách thuê qua đêm trên bãi biển; dịch vụ giải khát và tổ chức sự kiện, văn hóa, văn nghệ (bài chòi, hò bả trạo, hò đối đáp…) du lịch bãi biển; các dịch vụ du lịch khác như: câu mực đêm, trải nghiệm làm ngư dân để xây dựng tour du lịch cộng đồng”, ông Toàn cho biết thêm.

Khai thác lợi thế, dư địa để tạo động lực thành phố biển Quy Nhơn phát triển - Anh 2

Làng chài biển Quy Nhơn còn lưu đậm nét di sản văn hóa phi vật thể lễ hội cầu ngư. Ảnh: Dũng Nhân

Khai thác lợi thế, dư địa để tạo động lực thành phố biển Quy Nhơn cũng chính là đang hiện thực hóa định hướng của Nghị quyết số 26 NQ/TW ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị (gọi tắt Nghị quyết 26) đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, có nhiệm vụ, giải pháp phát triển TP Quy Nhơn trở thành văn hóa phía Nam của vùng.

Ở góc độ chuyên gia, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nhìn nhận: Trong quá trình tham gia nghiên cứu Nghị quyết 26, đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiệm vụ, giải pháp phát triển TP Quy Nhơn trở thành văn hóa phía Nam của vùng, thì hiểu theo nghĩa là Quy Nhơn tượng trưng cho vùng “đất võ, trời văn”, ở đây có truyền thống lịch sử từ văn hóa Chăm cho đến các dạng văn hóa hội nhập để phát triển. Đây cũng là nơi dừng chân, sinh ra của rất nhiều các nhà văn hóa, nhà thơ nổi tiếng, chính vì vậy muốn Quy Nhơn không chỉ phát triển từ kinh tế thì Quy Nhơn phải là điểm đến của văn hóa và ngay cả vấn đề ẩm thực, đặc sản cũng là cái văn hóa, cho đến di sản bài chòi.

TS Trần Du Lịch còn cho rằng, như vậy là từ văn hóa vật thể cho đến phi vật thể đã hội tụ tại đây. Nói rõ hơn Nghị quyết 26 đã xác định đây là một đô thị của thành phố văn hóa - TP Quy Nhơn. Bởi vậy, muốn xây dựng thành phố văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hơn là nếp sống đô thị, một xã hội có văn hóa.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc