Quảng bá sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của phụ nữ các tỉnh đồng bằng sông Hồng

Q.HOA

VHO - Tại Vườn hoa Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội, Hội LHPN thành phố Hà Nội tổ chức chương trình “Hà Nội kết nối - vươn xa” lần thứ 4 nhằm giao lưu, kết nối quảng bá văn hóa, du lịch, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống và sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Thủ đô và lan tỏa tới các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Lễ khai mạc chương trình “Hà Nội kết nối - vươn xa” năm 2024 đã diễn ra tối ngày 8.10 với sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, UBND quận Tây Hồ, Hội LHPN 11 tỉnh thành, phố đồng bằng sông Hồng…

Quảng bá sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của phụ nữ các tỉnh đồng bằng sông Hồng - ảnh 1
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc chương trình “Hà Nội kết nối - vươn xa” năm 2024

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, vùng đồng bằng sông Hồng gồm Thủ đô Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, là vùng đất giàu tiềm năng phát triển, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống đặc sắc của dân tộc với nền văn hóa sông Hồng, văn minh lúa nước; có 3 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 52 di tích quốc gia đặc biệt…

Năm nay là năm thứ 4 chương trình “Hà Nội - Kết nối vươn xa” được tổ chức tiếp tục khẳng định thông điệp của thành phố Hà Nội trong nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Đặc biệt là khẳng định và phát huy tiềm năng to lớn, khát vọng vươn lên, vai trò chủ thể của phụ nữ trong khởi nghiệp, sản xuất các sản phẩm OCOP, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, các nghề truyền thống; cũng như kết nối giao thương, hợp tác cùng phát triển giữa phụ nữ Thủ đô và phụ nữ các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Hồng.

Quảng bá sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của phụ nữ các tỉnh đồng bằng sông Hồng - ảnh 2
Các đại biểu tham quan các gian hàng

Ngay tối khai mạc, 77 gian hàng quảng bá sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, sản phẩm OCOP, sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Thủ đô và 10 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng đã thu hút đông đảo khách và nhân dân tới tham quan, mua sắm, trải nghiệm và thưởng thức đặc sản Hà Nội và các tỉnh, thành.

Đây cũng là dịp để các HTX, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh do nữ làm chủ giao lưu, kết nối chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong vùng, cùng đoàn kết vượt qua những khó khăn, thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tiềm năng địa phương, thực hiện có hiệu quả các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt - Đề án 939  về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Đề án số 01 về Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ. Chương trình sẽ kéo dài đến hết ngày 10.11. 

Trong khuôn khổ chương trình, chiều ngày 8.11, tại Quận uỷ - UBND quận Tây Hồ, Hội LHPN Hà Nội tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của phụ nữ Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Hồng trong hỗ trợ phụ nữ phát huy quyền năng kinh tế, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đông bằng Sông Hồng” và ký kết “Chương trình phối hợp hoạt động giữa 11 Hội LHPN các tỉnh/thành phố vùng đồng bằng Sông Hồng”.

Quảng bá sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của phụ nữ các tỉnh đồng bằng sông Hồng - ảnh 3
Đông đảo khách và nhân dân Thủ đô trải nghiệm các sản phẩm làng nghề truyền thống

Tại Hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho rằng, phụ nữ vùng đồng bằng sông Hồng phát huy truyền thống phong trào “Ba đảm đang”, luôn có tinh thần đoàn kết, ý chí phấn đấu vươn lên, chịu thương, chịu khó, cần cù, thông minh, sáng tạo. Chị em  cũng là lực lượng tham gia tích cực vào tiến trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển các sản phẩm làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống và các dịch vụ đặc trưng của Thủ đô cũng như các tỉnh, thành trong vùng.

Qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống dân tộc. Trong những năm qua, Hội LHPN các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng đã tích cực triển khai các phong trào thi đua yêu nước, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng thông qua việc triển khai có hiệu quả đề án 939 của Chính phủ về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, gần đây là đề án số của Chính phủ về hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030.

Quảng bá sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của phụ nữ các tỉnh đồng bằng sông Hồng - ảnh 4
Gian hàng nghề làm nón truyền thống huyện Thanh Oai (Hà Nội)

Đồng thời, tăng cường giao lưu giữa Hội LHPN Hà Nội và các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Hồng quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp,  OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, tham gia công tác an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong công tác Hội; nâng cao quyền năng kinh tế, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng Sông Hồng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã khẳng định vai trò, tiềm năng của phụ nữ các tỉnh, thành trong phát triển kinh tế bền vững, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó cũng nêu lên những khó khăn thách thức và giải pháp phát huy vai trò, tăng cường kết nối giữa phụ nữ và tổ chức Hội phụ nữ, Hội nữ doanh nhân, Hiệp hội làng nghề trong tham gia phát triển kinh tế địa phương và vùng đồng bằng sông Hồng.