Nghệ An:

Nông dân lo mất trắng vụ mùa lúa Xuân do lép hạt

PHẠM NGÂN

VHO - Đến thời điểm thu hoạch, nhiều diện tích lúa tại Nghệ An vẫn xanh non, bông trổ không đều, lép hạt nghiêm trọng khiến hàng trăm hộ dân “đứng ngồi không yên” vì nguy cơ mất trắng trong vụ mùa chính, vụ Xuân năm 2025.

Mùa màng thất bát

Vào thời điểm này những năm trước, khắp các cánh đồng lúa ở Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu hay Đô Lương của tỉnh Nghệ An đều rộn ràng tiếng máy gặt, tiếng cười nói của người dân trong niềm vui mùa vàng.

Thế nhưng năm nay, không khí ấy đã bị thay bằng sự lo lắng, trầm lặng. Giữa mùa thu hoạch, nhiều cánh đồng vẫn xanh rì, lúa trổ không đều, lép hạt nghiêm trọng, báo hiệu một vụ mùa thất bát chưa từng có.

Tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành, vựa lúa lớn nhất tỉnh Nghệ An, tình trạng lúa trổ bông nhưng không đậu hạt diễn ra phổ biến. Những bông lúa trơ trọi, hạt lép hầu như trắng tay, để lại nỗi buồn cho người nông dân đã dồn bao công sức chăm sóc.

Nông dân lo mất trắng vụ mùa lúa Xuân do lép hạt - ảnh 1
Nhiều diện tích lúa Xuân 2025 ở Nghệ An có tỉ lệ lép hạt cao

“Tôi làm ruộng mấy chục năm nay, chưa từng thấy mùa nào lạ như thế này. Cả cánh đồng thì vẫn xanh ngắt, nhìn xa tưởng lúa chưa chín nhưng lại không có hạt. Mấy ruộng nhà tôi chắc mất hơn nửa,” bà Nguyễn Lệ Thu (66 tuổi, xóm Hồng Phong, xã Viên Thành) ánh mắt xa xăm nhìn ra cánh đồng chia sẻ.

Còn với anh Lê Văn Xuôi, sự sốt ruột tăng lên từng ngày: “Lúa không cúi đầu là biết rồi. Trắng tay, nhưng chúng tôi vẫn phải gặt sớm để trễ lại trễ vụ hè thu. Khả năng tiền giống cũng không lấy lại được.”

Tình trạng tương tự được ghi nhận ở nhiều xã khác như Hợp Thành, Lý Thành (Yên Thành) và Diễn Nguyên, Diễn Lộc (Diễn Châu). Những cánh đồng xen lẫn bông vàng với bông xanh, nhiều nơi thậm chí bông lúa còn đang trổ dở dang. Cảnh tượng khiến người nông dân không khỏi bàng hoàng.

“Tôi đi thăm ruộng, thấy lúa vẫn đứng thẳng, bông thì dài mà trống rỗng. Có lẽ mùa này chỉ thu được 1/3 là may. Vụ Xuân năm ngoái, nhà tôi gặt gần 2 tấn lúa. Năm nay, chắc chưa được 7 tạ", ông Nguyễn Hữu Hóa (trú xã Hợp Thành) lắc đầu chia sẻ.

Nông dân lo mất trắng vụ mùa lúa Xuân do lép hạt - ảnh 2
Nhiều ruộng lúa được gặt non vì không cho năng suất

Trao đổi vấn đề này, ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Thành, hiện tượng lúa bị lép, thoái hóa đầu bông ghi nhận trên diện tích khoảng 150ha.

“Chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tận đồng ruộng, lấy mẫu phân tích. Nguyên nhân bước đầu là do trong thời kỳ trổ bông, lúa gặp mưa kéo dài. Nước mưa đọng trên bông lúa khiến phấn không thoát ra được, dẫn đến thui bông, lép hạt.”

Ngoài yếu tố thời tiết, ông Hồng cũng chỉ rõ sai lệch trong thời vụ gieo cấy là một nguyên nhân đáng chú ý: “Nhiều hộ dân vì muốn tranh thủ đã gieo sớm hơn khuyến cáo 10-15 ngày. Điều này làm mất tính đồng đều trong sinh trưởng và không phù hợp với thời điểm khí hậu.”

Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đề nghị rà soát lại chất lượng giống lúa. “Có thể một phần giống bị thoái hóa hoặc không phù hợp với điều kiện năm nay", ông Hồng cho biết thêm.

Tại huyện Diễn Châu, tình hình không mấy khả quan. Anh Nguyễn Văn Quang, xã Diễn Lộc, Diễn Châu cho biết gia đình anh có 6 sào ruộng, làm lúa là nguồn thu chính để nuôi con ăn học. “Lúa như thế này thì lấy đâu ra tiền trả nợ tiền phân bón, thuốc trừ sâu. Cả nhà đang lo không biết vụ tới lấy giống ở đâu.”

Theo ông Đào Xuân Tú, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Diễn Nguyên, Diễn Châu, vụ Xuân 2025, toàn xã gieo cấy 450ha lúa, trong đó hơn 150ha đã gần như mất trắng. 

“Năm ngoái năng suất khoảng 370kg/sào, năm nay chúng tôi ước chỉ còn 180-200kg/sào. Đây là mức giảm sâu nhất trong nhiều năm gần đây. HTX đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn để khoanh vùng diện tích bị ảnh hưởng, đề xuất phương án hỗ trợ nông dân sớm ổn định lại sản xuất", ông Tú cho biết.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ và giải pháp đồng bộ

Vụ xuân 2025 toàn tỉnh Nghệ An gieo cấy được hơn 91.026 ha lúa. Đến nay lúa đang vào chín và thu hoạch.

Tuy nhiên trong đó có hơn 2.700 ha lúa bị thoái hóa đầu bông, tỷ lệ lép xanh, không kết hạt cao, thậm chí không cho thu hoạch làm cho người dân lo lắng, phân tâm.

Vụ Xuân là vụ lúa chính trong năm tại Nghệ An, chiếm phần lớn tổng sản lượng lương thực của tỉnh. Việc mất mùa trên diện rộng không chỉ gây tổn thất kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực của hàng ngàn hộ nông dân.

Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã chỉ đạo các huyện, thị thống kê thiệt hại, đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời từ giống cây trồng, vật tư nông nghiệp đến điều chỉnh lịch thời vụ. 

Nông dân lo mất trắng vụ mùa lúa Xuân do lép hạt - ảnh 3
Nhiều ruộng lúa trổ bông đẹp nhưng chủ yếu là hạt lép

Đồng thời, siết chặt quản lý chất lượng giống lúa, không để các loại giống chưa được kiểm nghiệm đầy đủ về tính thích nghi với điều kiện sinh thái đặc thù địa phương đưa vào sản xuất đại trà, gây rủi ro cho người nông dân và ảnh hưởng đến hiệu quả canh tác toàn vùng.

“Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo để vụ hè thu sắp tới không bị ảnh hưởng tiếp. Cần rút kinh nghiệm ngay từ khâu lịch gieo cấy và lựa chọn giống,” đại diện Sở cho biết.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo, với diện tích lép hạt trên 70%, bà con nên cắt bỏ để tận dụng làm thức ăn gia súc và chuẩn bị cho vụ hè thu. Những diện tích bị ảnh hưởng nhẹ cần tiếp tục chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để tận thu năng suất còn lại.

Dù mùa vụ năm nay chưa kết thúc, nhưng hậu quả đã hiện rõ trên từng bông lúa lép, từng ánh mắt buồn rầu của người nông dân.

Một vụ Xuân không trọn vẹn, để lại nhiều bài học đối với cả người dân và các đơn vị cung ứng giống. Trong thời gian tới, mọi loại giống đưa vào sản xuất phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng và cam kết rõ ràng.

Đồng thời, việc lựa chọn giống cần dựa trên sự phù hợp với đặc điểm khí hậu từng vùng, nhất là trong bối cảnh thời tiết ngày càng diễn biến khó lường.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc