Giữ trọn hồn dân tộc, đưa lụa Việt vươn xa

THANH MAI - MỸ TRANG

VHO - Từng trải qua giai đoạn trầm lắng, Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) đã từng bước hồi sinh mạnh mẽ, khẳng định vị thế là biểu tượng tinh hoa của nghề thủ công Hà Nội.

Đóng góp quan trọng vào sự chuyển mình đó là gia đình nghệ nhân Đỗ Văn Hiển, nơi các thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ và phát huy nghề dệt lụa truyền thống, trở thành niềm tự hào của dân tộc.

Giữ trọn hồn dân tộc, đưa lụa Việt vươn xa - ảnh 1
Bên khung cửi, nghệ nhân Đỗ Văn Hiển dồn trọn tâm huyết vào từng thước lụa

 Hành trình giữ hồn dân tộc

Lớn lên giữa tiếng lách cách của khung cửi, hương tơ sống quen thuộc, nghệ nhân Đỗ Văn Hiển sớm thấm nhuần tinh thần và niềm kiêu hãnh của một gia đình có truyền thống gắn bó lâu đời với nghề dệt lụa.

Dòng họ Đỗ đã in dấu ấn sâu đậm vào lịch sử làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Theo sử liệu, từ thời Pháp thuộc, cụ Đỗ Văn Sửu là người khai sáng nghề dệt gấm, một kỹ thuật tinh xảo và quý giá bậc nhất thời bấy giờ.

Cụ cũng là nghệ nhân đã dệt tấm trướng dâng thọ vua mang dòng chữ “Hoàng Vương Thọ Khảo”, được vua khen ngợi. Khi cụ mất, con trai cụ là Đỗ Văn Ái không chỉ khôi phục nghề cha để lại mà còn đưa nghề phát triển rực rỡ.

Đến đời cụ Đỗ Văn Lương, danh tiếng gia đình càng vươn xa khi cụ được mời sang Pháp tham dự Triển lãm đấu xảo Đông Dương năm 1930 và vinh dự nhận huân chương danh giá. Chuyến đi ấy không chỉ mang về vinh quang mà còn giúp nghề dệt lụa Vạn Phúc tiếp cận kỹ thuật phương Tây.

Tuy nhiên, chiến tranh loạn lạc, “thời thế thế thời” đã khiến nghề dệt lao đao. Cha của nghệ nhân Đỗ Văn Hiển tham gia Hợp tác xã (HTX) lụa Vạn Phúc. Dẫu trải qua những tháng ngày gian truân, tưởng chừng có lúc lụi tàn, thế nhưng, ngọn lửa đam mê chưa bao giờ tắt, dòng máu yêu nghề vẫn cuộn chảy mạnh mẽ qua từng thế hệ.

Chính khát khao giữ gìn và vực dậy di sản cha ông đã hun đúc trong nghệ nhân Đỗ Văn Hiển ý chí kiên cường. Ông không chỉ hồi sinh nghề tổ, mà còn thổi bùng sức sống cho lụa Vạn Phúc, để từng thước vải lại tỏa sáng, mềm mại mà kiêu hãnh giữa dòng chảy thời đại.

Trong khi bạn bè cùng trang lứa miệt mài với sách vở, ông Hiển lại chọn ở nhà, lặng lẽ đắm mình trong tiếng thoi đưa, quan sát từng đường tơ, từng khung cửi với đôi mắt tinh tường và trái tim rực lửa.

Ông học hỏi từ cha mẹ, từ những bậc thợ lão luyện trong HTX, không bỏ qua một chi tiết nhỏ nào. Những cỗ máy cũ kỹ, những sợi chỉ mong manh trở thành niềm say mê bất tận, khiến ông dành cả ngày tỉ mẩn mày mò như người nghệ sĩ nâng niu từng tác phẩm của đời mình.

Đến năm 1993, khi HTX chuyển đổi mô hình sản xuất, nhiều thợ thủ công chới với trước nguy cơ mất nghề. Nhưng giữa cơn sóng dữ ấy, ông Hiển không gục ngã mà coi đó là bước ngoặt, là cơ hội để vươn lên.

Ông bươn trải, tự tìm nguyên liệu, tự thiết kế, tự bán hàng, kiên trì chèo lái con thuyền dệt lụa đang chòng chành. Từng bước, ông Hiển góp phần đưa nghề truyền thống trở lại dòng chảy hưng thịnh, như một ngọn lửa bền bỉ thắp sáng giữa đêm dài.

Với tư duy nhạy bén và tinh thần đổi mới, ông Hiển đã trở thành người tiên phong đưa công nghệ hiện đại vào nghề dệt truyền thống. Ông là người đầu tiên sáng tạo ra công nghệ thiết kế mẫu lụa bằng phần mềm Corel Draw. Thay vì vẽ tỉ mẩn hàng tháng trời thì công đoạn vẽ hoa văn giờ chỉ diễn ra trong vòng 3-5 ngày.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Nguyễn Văn Hùng không giấu được niềm tự hào: “Nghệ nhân Đỗ Văn Hiển chính là nhân tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế của làng nghề. Với hơn 200 mẫu lụa độc đáo do ông sáng tạo, nếu làm thủ công, có lẽ cả đời người thợ cũng chưa thể hoàn thành”.

Phát minh đột phá của ông Hiển đã khiến Hội đồng Thủ công thế giới không khỏi kinh ngạc khi đến thăm làng nghề Vạn Phúc.

Dù chưa từng đặt chân đến giảng đường đại học, chưa từng trải qua trường lớp chuyên sâu về máy móc, nhưng bằng trí tuệ sắc sảo và đôi bàn tay tài hoa, ông Hiển đã sáng chế ra chiếc máy dập mẫu, thay thế hoàn toàn công đoạn làm thủ công vốn tốn nhiều thời gian và công sức.

Những đổi mới táo bạo, đầy sáng tạo của ông không chỉ làm rạng danh làng nghề mà còn góp phần đưa Vạn Phúc vinh dự trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo thế giới.

Với tinh thần dám nghĩ dám làm, ông Hiển đã chứng minh rằng, từ trong gian khó, người ta có thể tạo nên những kỳ tích, đưa truyền thống vươn tầm quốc tế.

Khao khát giữ hồn xưa, đổi sắc mới

Hơn 30 năm gắn bó với khung cửi, nghệ nhân Đỗ Văn Hiển luôn đau đáu với nghề, miệt mài học hỏi và tìm tòi. Ông tâm niệm: “Lụa Vạn Phúc muốn tồn tại và vươn xa, không thể mãi khư khư ôm lấy những hoa văn xưa cũ.

Phải đổi mới, phải sáng tạo, để mỗi thước lụa không chỉ là ký ức của quá khứ mà còn là hơi thở của hiện tại, vừa giữ được hồn cốt truyền thống, vừa phù hợp với gu thẩm mỹ đương thời”.

Không đơn thuần kế thừa di sản cha ông, nghệ nhân Đỗ Văn Hiển còn là người đặt nền móng vững chắc cho một thế hệ dệt lụa mới, tinh tế hơn và hiện đại hơn.

Với ông, mỗi tấm lụa không chỉ là sản phẩm của đôi tay khéo léo mà còn là kết tinh của văn hóa, lịch sử, của bao thế hệ nghệ nhân đã dày công gìn giữ và truyền lửa. Hiện làng lụa Vạn Phúc đã cho ra hàng trăm mẫu lụa khác nhau, từ hoa văn cổ điển đến hiện đại.

Sự sáng tạo này đã thổi một luồng sinh khí mới vào làng nghề, đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nghề dệt lụa truyền thống, đưa tinh hoa lụa Việt vươn xa, tỏa sáng.

Tiếp nối thế hệ cha ông, anh Đỗ Quang Hưng, con trai của nghệ nhân Đỗ Văn Hiển, cũng luôn ấp ủ niềm đam mê với nghề dệt lụa. Anh bày tỏ: “Lớn lên giữa những tấm vải xếp chồng, những bộ bìa đục ngổn ngang, nghề dệt in sâu vào tiềm thức mình lúc nào không hay. Đến khi thực sự bước chân vào nghề, mình mới hiểu rõ đằng sau mỗi tấm lụa là biết bao công sức, sự tinh xảo và kỳ công của nhiều thế hệ. Điều khiến mình tự hào nhất chính là bề dày hơn nghìn năm lịch sử của nghề dệt Vạn Phúc, trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn tồn tại, phát triển đến ngày nay”.

Tuy nhiên, hiện làng lụa Vạn Phúc đang đứng trước những thách thức lớn khi thiếu hụt lao động trẻ và mạng lưới thương mại chưa thực sự vững chắc. Nghệ nhân Đỗ Văn Hiển lo lắng về sự mai một của nghề truyền thống, và hơn hết, ông day dứt làm sao để truyền lửa, để thế hệ trẻ nhìn thấy được niềm tự hào và giá trị sâu sắc mà nghề dệt lụa mang lại.

“Nếu thế hệ trẻ không tiếp bước, nghề dệt lụa sẽ dần rơi vào quên lãng. Chúng tôi không chỉ cần giữ nghề mà còn phải truyền lửa, giúp các bạn trẻ thấy được niềm tự hào và giá trị mà nghề mang lại”, ông chia sẻ.

Có thể nói, gia đình nghệ nhân Đỗ Văn Hiển là một biểu tượng của sự gắn bó và phát triển nghề dệt lụa tại làng Vạn Phúc. Họ là những người giữ gìn truyền thống, tiên phong góp phần đưa lụa Vạn Phúc vươn xa, hòa mình vào dòng chảy thời đại mà không đánh mất bản sắc dân tộc.