Nguồn lực nào làm nên thương hiệu Việt Nam?

THÙY TRANG

VHO - Trong khuôn khổ Diễn đàn “Việt Nam - Thời khắc Việt” diễn ra tại TP.HCM mới đây, Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM (HPDF) đã công bố Báo cáo khảo sát Thương hiệu đất nước Việt Nam và Căn tính Việt.

Nguồn lực nào làm nên thương hiệu Việt Nam? - ảnh 1
Các diễn giả tại Phiên Báo cáo, trao đổi về khảo sát thương hiệu đất nước và căn tính Việt

Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM cho biết, HPDF đã tiến hành khảo sát Thương hiệu đất nước Việt Nam và Căn tính Việt (giai đoạn 1) kết hợp phương pháp định lượng (500 mẫu) và định tính.

Khảo sát và Báo cáo này chỉ là bước đầu của quá trình cần sự tham gia, vào cuộc của nhiều thành phần xã hội khác nhau.

Báo cáo khảo sát được cấu trúc thành bảy phần. Báo cáo phân biệt giữa thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu đất nước, nhấn mạnh phạm vi rộng hơn về ý nghĩa tích hợp và về mục tiêu của thương hiệu đất nước, trong đó có sự vun dưỡng lòng tự hào dân tộc và nâng cao danh tiếng quốc tế.

Báo cáo nhấn mạnh rằng Việt Nam phải có một thương hiệu đất nước thống nhất. Thương hiệu quốc gia xuất hiện từ hoạt động tiếp thị vào những năm 1990, ban đầu là vay mượn các kỹ thuật xây dựng thương hiệu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu đất nước phức tạp hơn vì có bao gồm lợi ích của công chúng trong bối cảnh kinh tế xã hội và chính trị.

Kết quả khảo sát và phỏng vấn đã xác định bốn nguồn lực đáng giá như nhau: Văn hóa, lịch sử và địa lý, kinh tế, con người và các giá trị xã hội. Tuy nhiên, các nguồn lực cụ thể nào làm nên thương hiệu Việt Nam thì vẫn chưa được xác định. 

Trong báo cáo cho thấy, cả người Việt Nam lẫn nước ngoài đều đồng ý là thương hiệu Việt Nam có hiện diện nhưng không rõ nét. Kết quả khảo sát và phỏng vấn đã xác định bốn nguồn lực đáng giá như nhau: Văn hóa, lịch sử và địa lý, kinh tế, con người và các giá trị xã hội.

Tuy nhiên, các nguồn lực cụ thể nào làm nên thương hiệu Việt Nam thì vẫn chưa được xác định.

Về cụ thể, nguồn lực Văn hóa - Việt Nam có các cảnh quan văn hóa như Phố cổ Hội An, Phố cổ Hà Nội hoặc Chợ Bến Thành; các món ăn Việt Nam truyền thống như phở và bánh mì…

Nguồn lực Lịch sử và địa lý, đó là khả năng phục hồi suốt quá trình lịch sử xung đột với các cường quốc khiến Việt Nam trở thành biểu tượng của một nền hòa bình rất khó giành; và vị trí địa lý làm phong phú thêm nền văn hóa và lối sống của đất nước.

Nguồn lực Kinh tế: Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Châu Á hiện nay.

Đối với nguồn lực Con người và các giá trị xã hội: Người Việt Nam cần cù, thân thiện và kiên cường.

Nguồn lực nào làm nên thương hiệu Việt Nam? - ảnh 2
GS Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật chia sẻ tại phiên Báo cáo và trao đổi

“Nhìn chung, sự đa dạng của các nguồn lực sẵn có cho thương hiệu Việt Nam cũng như nhận thức tích cực về chúng được phản ánh đầy đủ trong dữ liệu của chúng tôi.

Tuy nhiên, không có nguồn lực riêng lẻ nào có thể tự nó tạo nên thương hiệu Việt Nam. Yêu cầu cấp thiết hiện nay trong xây dựng thương hiệu cho Việt Nam là tìm hiểu điều gì làm nên sự độc đáo của Việt Nam và cách kết hợp, tăng cường và thể hiện những thành phần này như một tổng thể”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Báo cáo cũng trình bày về quá trình thực hiện việc xây dựng thương hiệu, bao gồm năm yếu tố.

Thứ nhất, sự lãnh đạo và điều phối của nhà nước là quan trọng. Muốn hữu hiệu trong việc xây dựng thương hiệu đất nước phải có nhà nước lãnh đạo để các sáng kiến và các bên liên quan được thống nhất theo một chiến lược mạch lạc.

Nhà nước có vai trò tạo ra khuôn khổ quản lý, điều phối các nỗ lực, và đảm bảo thông điệp được nhất quán xuyên các khu vực và lĩnh vực khác nhau.

Thứ hai, con người là nguồn lực cốt lõi. Người Việt Nam, cả trong nước và ngoài nước, đều rất cần thiết cho quá trình xây dựng thương hiệu đất nước. Hành động và tương tác của họ góp phần đáng kể vào nhận thức quốc tế về Việt Nam.

Nguồn lực nào làm nên thương hiệu Việt Nam? - ảnh 3
Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh

Các sáng kiến như chiến dịch “Savour Việt Nam” chứng minh sức mạnh của nỗ lực tập thể trong việc quảng bá vẻ đẹp văn hóa và thiên nhiên của đất nước.

Thứ ba, quan hệ đối tác công tư được nhấn mạnh. Xây dựng thương hiệu đất nước thành công thường có sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Quan hệ đối tác này có thể tận dụng thế mạnh của cả hai lĩnh vực để đạt được phạm vi tiếp cận và tác động rộng hơn và hiệu quả hơn.

Chiến dịch “Savour Việt Nam” là một ví dụ về sự hợp tác công tư hiệu quả, kết hợp du lịch và truyền thông để tạo nên một câu chuyện hấp dẫn.

Thứ tư, cần tận dụng các tài sản văn hóa và lịch sử. Di sản văn hóa phong phú và khả năng phục hồi trong lịch sử là những tài sản có giá trị trong việc xây dựng thương hiệu Việt Nam. 

Việc nhấn mạnh những yếu tố này có thể giúp Việt Nam có nét khác biệt trong bối cảnh toàn cầu đông đúc. Các biểu tượng văn hóa, di tích lịch sử, và giá trị di sản truyền thống nên được nêu bật trong các tài liệu quảng cáo để thu hút sự chú ý của quốc tế và thúc đẩy nhận thức trong toàn dân.

Theo chuyên gia, cần tận dụng các tài sản văn hóa và lịch sử. Di sản văn hóa phong phú và khả năng phục hồi trong lịch sử là những tài sản có giá trị trong việc xây dựng thương hiệu Việt Nam. 

Cuối cùng, nhất thiết phải thu hút giới trẻ và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Các thế hệ trẻ và cộng đồng người Việt ở nước ngoài có vai trò thiết yếu đối với chiến lược xây dựng thương hiệu Việt Nam.

Quan điểm độc đáo và cách tiếp cận sáng tạo của họ có thể làm mới và nâng cao các câu chuyện truyền thống. Ví dụ, các chiến dịch sáng tạo của Nhóm quan hệ công chúng cho Nhà tù Hỏa Lò nhằm thu hút du khách minh họa cho cách các phương pháp tiếp cận hiện đại có thể bổ sung cho nỗ lực quảng bá lịch sử và văn hóa.