Miền Tây mùa nước nổi
VHO - Thời điểm này, mực nước lên cao đã phủ trắng các cánh đồng vùng đầu nguồn huyện An Phú, TX Tân Châu (An Giang) và Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp)... Ngay từ rạng sáng, trên các cánh đồng đã tấp nập bà con giăng lưới đánh bắt cá đồng, khai thác thủy sản, tạo nên khung cảnh tưng bừng, nhộn nhịp nơi đầu nguồn. Người dân phấn khởi khi có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống…
Rủ nhau đi đánh bắt cá tôm
Năm nay, con nước về sớm và ngập sâu hơn, nên việc mưu sinh mùa lũ của ngư dân vùng biên cũng thuận lợi. Mỗi gia đình chuẩn bị vài chục bộ ngư cụ, câu lưới, lờ lọp để đánh bắt tôm, cua, cá…
Từ tháng 8, dọc sông Châu Đốc, đoạn xã Phú Hội, Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú), cá linh non đã bắt đầu về, bà con tranh thủ giăng lưới và đặt dớn khắp nơi. Ông Mai Tùng Thiện, Chủ tịch xã Vĩnh Hội Đông chia sẻ: “Con nước năm nay đến sớm và cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái vài tấc, bà con phấn khởi lắm. Hy vọng nước sẽ mang theo nhiều phù sa, bà con có công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập trong mùa lũ”.
Anh Trần Anh Vũ ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông phấn khởi kể, đây là thời điểm gia đình anh bám theo con nước mưu sinh, trời mờ sáng cả nhà đã có mặt trên cánh đồng tranh thủ đổ lợp để kịp mang ra chợ bán, buổi chiều vợ chồng anh sửa lại các ngư cụ để chuẩn bị cho hôm sau, mỗi ngày cũng kiếm được từ 400-500 ngàn đồng.
Dọc tuyến đường các xã vùng biên giới TX Tân Châu, dễ bắt gặp hình ảnh bà con xúm xít ngồi lựa các loại cá đồng, cua, lươn sau thu hoạch. Anh Nguyễn Thành Hưng ở ấp Phú Quý (xã Phú Lộc, TX Tân Châu) cho biết: “Khoảng một tháng trở lại đây, nước từ đầu nguồn đổ về dâng cao ngập cả cánh đồng, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng ngư cụ đón lũ. Năm nào cũng vậy, bà con đều mong con nước để được lặn hụp với mấy cái đú dớn này. Hiện với hơn 30 đú dớn của gia đình, mỗi ngày chúng tôi bắt được 30-40 kg tôm cá các loại, thu nhập cũng được trên 400.000 đồng. Số tiền này xem ra khá ổn ở vùng nông thôn, vì ở đây mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống đều ở mức thấp”.
Tăng thu nhập từ mô hình “sinh kế mùa lũ”
Ai từng lớn lên ở vùng quê Đồng Tháp Mười nói chung, Đồng Tháp nói riêng, chắc hẳn đều không thể quên được ký ức về mùa nước nổi mênh mông, mang phù sa, tôm cá về nuôi sống người dân. Từ thực tế này, với những định hướng của ngành nông nghiệp, họ dần thay đổi phương thức sản xuất để phù hợp với hoàn cảnh mới...
Ngoài đánh bắt thủy sản trong tự nhiên, bà con còn phát triển nuôi trồng ngay trên cánh đồng. Ông Huỳnh Văn Tổng ở ấp Thống Nhất, xã Bình Phú (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) cho biết, tận dụng 4 ha ruộng lúa của gia đình, ông bao lưới xung quanh để nuôi nhiều loại cá, như sặc rằn, lóc, rô phi, ốc... Cùng với đó là tận dụng luôn nguồn cá đồng có sẵn trong tự nhiên, khai thác mỗi ngày kiếm thêm thu nhập. “Để có nguồn cá bán thường xuyên, trước đợt nước lũ, tôi thả vài ký cá đồng vào mương vườn. Khi nước về, tôi chuyển cá lên ruộng nuôi, đàn cá nuôi sinh sản kết hợp các loại cá tự nhiên, số lượng tăng lên đáng kể. Mỗi ngày tôi giăng lưới bắt cá, thu về hơn 200.000 đồng, đủ để gia đình sinh hoạt. Bên cạnh đó, cứ tầm 20 ngày tôi lại kéo cá trên ruộng một lần, thu khoảng 100-150 kg các loại, cho thu nhập hơn 2 triệu đồng. Khi nước lũ rút, tôi thu hoạch toàn bộ lượng cá thả, ước tính trên 1 tấn, bỏ túi tầm chục triệu đồng. Với những mô hình ươm cá và thả bổ sung kết hợp trữ cá tự nhiên vào mùa lũ, trung bình lợi nhuận gia đình tôi thu về khoảng trên 20 triệu đồng/ha/ năm”, ông Tổng chia sẻ.
Còn anh Ngô Minh Hiếu ở ấp 2, xã Thường Phước 2 (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) có nghề đặt ụ lươn, năm nào cũng vậy, khi con nước tràn đồng, cứ cách 2 ngày anh lại vào đồng dỡ ụ, thu hoạch khoảng hơn 100 con lươn giống, anh mang về nuôi đến khi trưởng thành xuất bán được vài chục triệu đồng.
Hy vọng vào một “mùa lũ đẹp”
Từ bao đời nay, mùa nước nổi đã gắn liền với đời sống của ngư dân vùng đầu nguồn. Nước về không chỉ mang phù sa về bồi đắp cho đất, giúp cây trồng tốt tươi, mà còn chở theo những nguồn lợi thủy sản mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Cho nên, năm nào bà con cũng trông ngóng và hy vọng sẽ có một “mùa lũ đẹp” để họ có thể hòa mình “sống chung với lũ”.
Nhiều năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có lũ nhỏ hoặc cực nhỏ do biến đổi khí hậu làm lượng mưa ít, cùng với đó là đập thủy điện ở thượng nguồn ngăn dòng nước. Theo thống kê, trong 60 năm trước năm 2000, bình quân cứ 2 năm thì ĐBSCL có một lần lũ vượt báo động 3 (mực nước ở Tân Châu, An Giang trên sông Hậu vượt 4,2m). Năm 2000-2002, Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện lũ lớn; có năm đỉnh lũ tại Tân Châu vượt qua 4,75m. Tuy nhiên, những năm gần đây, nước ít dần, tần suất lũ nhỏ và trung bình tăng lên, thậm chí là lũ cực nhỏ như năm 2015.
PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường ĐH Cần Thơ) nhận định, mực nước tại các trạm đang dâng lên do mưa ở hạ lưu sông Mê Kông và đập thủy điện thượng nguồn xả nước. Những tháng cuối năm, mưa bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra dồn dập do hiện tượng El Nino chuyển sang La Nina. “Nhiều người cho rằng năm nay là năm Thìn nên sẽ có lũ lớn, song điều này còn tùy thuộc vào cường độ bão. Theo tôi, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ở mức trung bình, cao hơn 2 năm qua, dù vậy cũng còn tùy thuộc vào sự vận hành của các đập thủy điện”, ông Tuấn nói.
Còn theo ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, dòng chảy Mê Kông hiện tại không còn thuận tự nhiên mà phụ thuộc vào sự điều tiết của các quốc gia dọc theo lưu vực sông. Dự báo trong thời gian tới, mực nước tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long, nội đồng vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên sẽ lên nhanh. Lũ về giúp vệ sinh đồng ruộng, bồi đắp phù sa, người dân sống bằng nghề khai thác thủy sản có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hơn bao giờ hết, bà con hy vọng có một mùa lũ đẹp trọn vẹn, mang đến mùa màng bội thu.