Về miền Tây trải nghiệm “đặc sản” mùa nước nổi

VHO - Tỉnh Hậu Giang lần đầu tiên tổ chức hội thi “Kéo côn bắt cá mùa nước nổi” năm 2023. Hội thi mang thông điệp tuyên truyền, giáo dục người dân đánh bắt cá phải gắn với việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Trước đó, tại tỉnh An Giang cũng tưng bừng diễn ra ngày hội mùa nước nổi lần thứ nhất và Giải đua xuồng. Mùa nước nổi từ lâu đã trở thành “đặc sản” của các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhiều chương trình, hoạt động được tổ chức để người dân và du khách trải nghiệm.

Về miền Tây trải nghiệm “đặc sản” mùa nước nổi - Anh 1

Người dân tỉnh An Giang thích thú trải nghiệm trò chơi dân gian vào mùa nước nổi

Mùa nước nổi, còn gọi là mùa lũ sông Cửu Long, thường bắt đầu từ tháng 7 âm lịch đến tháng 10 âm lịch (khoảng tháng 8 đến tháng 11 dương lịch) hằng năm, mặc dù đây là hiện tượng lũ lụt, nhưng lại không bị coi là thiên tai có hại. Cư dân ĐBSCL coi mùa nước nổi là một mùa thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp, thay vì canh tác nông nghiệp họ chuyển sang khai thác nguồn lợi thủy sản dồi dào, đem lại nhờ hiện tượng ngập lụt mênh mông. 

Mùa nước nổi diễn ra khi những cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa ở thượng nguồn làm mực nước lên nhanh. Sau đó nước đổ vào biển hồ Tonle sap ở Campuchia rồi phần lớn dòng nước nhập vào Việt Nam qua sông Tiền ở tỉnh Đồng Tháp và sông Hậu trước khi đổ ra biển qua các nhánh sông. Mùa nước lũ, mùa nước lên, mùa nước lớn hay còn gọi là mùa nước nổi là những tên gọi thân thương mà người dân miền Tây Nam Bộ thường gọi mùa này. Tùy theo thời tiết mà mùa nước có sớm hoặc kết thúc muộn vào những thời điểm khác nhau. Mùa nước nổi mang lại nhiều lợi ích trong đời sống. Nước ngập làm rửa trôi các tồn dư trong sản xuất nông nghiệp, một lượng phù sa lớn đọng lại khi con nước qua đi làm đất thêm màu mỡ. Nguồn thủy sản phong phú với những con cá lớn lên theo con nước như cá linh, cá hô, cá lòng tong, cá bông lau, lươn, rắn, ếch…

Về miền Tây trải nghiệm “đặc sản” mùa nước nổi - Anh 2

Các đội thi tranh tài kéo côn bắt cá tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang

Tại hội thi “Kéo côn bắt cá mùa nước nổi” năm 2023 diễn ra tại huyện Phụng Hiệp vào ngày 30.10 vừa qua, thu hút 16 đội đến từ 15 xã, thị trấn trên địa bàn. Trong khoảng thời gian 120 phút trên cánh đồng nước gần 2ha, đội nào bắt được nhiều cá nhất sẽ giành chiến thắng. Những thành viên tham gia hội thi đa phần là người dân làm nghề đẩy côn bắt cá đồng mùa nước nổi. Dụng cụ dùng để bắt cá là những chiếc côn quen thuộc của người dân, nay được mang ra tranh tài một cách vô cùng thích thú…

Ông Trần Không Dận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, hội thi góp phần giữ gìn truyền thống nghề đánh bắt thủy sản ở địa phương, cùng với nâng cao nhận thức của người dân về việc đánh bắt cá phải gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đồng ruộng. Bên cạnh tổ chức cho các đội kéo côn tham gia tranh tài, huyện Phụng Hiệp cũng tiến hành thả cá nhằm tái tạo nguồn thủy sản trên đồng ruộng. Theo kế hoạch, những năm tới đây địa phương sẽ phát triển mô hình du lịch trải nghiệm cho du khách tham quan khám phá hình thức đánh bắt thủy sản truyền thống này khi mùa nước nổi về.

Tương tự vậy, nắm bắt nhu cầu được trải nghiệm, rèn luyện thân thể, vui chơi giải trí của người dân, và đặc biệt là tân dụng “đặc sản” mùa nước nổi, năm nay, lần đầu tiên Sở VHTTDL tỉnh An Giang phối hợp với UBND huyện Châu Phú và một số đơn vị tổ chức Ngày hội mùa nước nổi và Giải đua xuồng. Hoạt động diễn ra tại vùng xả lũ tuyến Đường tỉnh 945 (mới), đoạn từ kênh 9 đến kênh 10, thuộc xã Thạnh Mỹ Tây. Ngày hội thu hút đông đảo người dân, du khách đến trải nghiệm và thưởng thức “đặc sản” của vùng Tứ giác Long Xuyên. Ngày hội có các hoạt động văn hóa thể thao, không gian ẩm thực dân gian, sản phẩm truyền thống miền sông nước… Đặc biệt, để góp phần tạo thêm nét đặc sắc cho ngày hội, các địa phương của huyện Châu Phú còn tham gia trang trí bè nổi bằng các vật liệu sẵn có của vùng sông nước, tạo không gian độc đáo, nhộn nhịp. 

Về miền Tây trải nghiệm “đặc sản” mùa nước nổi - Anh 3

Vận động viên hào hứng tham gia giải đua xuồng tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang

Ông Nguyễn Văn Bé Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết, đây là lần đầu tiên Ngày hội mùa nước nổi được tổ chức ở tỉnh An Giang, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân vùng đầu nguồn lũ đã bao đời nay gắn bó với mùa nước nổi. Đây cũng là dịp tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc anh em. Thông qua ngày hội, huyện Châu Phú mong muốn quảng bá, giới thiệu tới người dân trong và ngoài tỉnh nét văn hóa đặc sắc của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, đua xuồng là một hoạt động truyền thống, nét văn hóa cổ truyền không thể thiếu của người dân miền sông nước Nam Bộ. Thời gian qua, phong trào đua xuồng của huyện Châu Phú phát triển, thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân. Thông qua giải đấu, BTC mong muốn mọi người tiếp tục hưởng ứng tích cực, thường xuyên rèn luyện thân thể và tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

Mùa nước nổi là nét văn hóa đặc trưng ở Tây Nam Bộ. Hằng năm, khi con nước từ thượng nguồn đổ về, người dân lại tất bật chuẩn bị xuồng, ghe, bắt tay vào cuộc mưu sinh trên làn nước đầy ắp cá, tôm. Không chỉ thế, các hoạt động ngày hội mùa nước nổi và đua xuồng, nhằm quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến bạn bè gần xa về hình ảnh mùa nước nổi tại các tỉnh vùng Tứ giác Long Xuyên. 

BÌNH THỦY

Ý kiến bạn đọc