Nghệ An:

Kinh doanh gặp khó, hàng loạt cửa hàng tại tuyến phố sầm uất đóng cửa

PHẠM NGÂN

VHO - Tại TP. Vinh (Nghệ An) tuyến phố kinh doanh sầm uất Nguyễn Văn Cừ rơi vào cảnh đìu hiu, hàng loạt cửa hàng xả hàng, trả mặt bằng vì kinh doanh ế ẩm.

 Nhiều cửa hàng đóng cửa

Từng được ví như “thiên đường kinh doanh” của TP. Vinh, phố Nguyễn Văn Cừ hiện đang rơi vào tình cảnh đìu hiu.

Dọc theo tuyến phố dài gần 2km này, hàng loạt tấm biển "Cho thuê mặt bằng", "Sang nhượng cửa hàng", "Thanh lý toàn bộ vật dụng"... xuất hiện ngày càng dày đặc, thay thế cho những biển hiệu từng sáng đèn xuyên đêm.

Kinh doanh gặp khó, hàng loạt cửa hàng tại tuyến phố sầm uất đóng cửa - ảnh 1
Nhiều cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ phải trả mặt bằng vì không thể chi trả nổi vì chi phí thuê mặt bằng quá cao

Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều ki-ốt đã đóng cửa từ nhiều tháng, thậm chí hơn một năm.

Cách đây vài năm, những cửa hàng cho thuê tại Nguyễn Văn Cừ là địa điểm được săn đón với mức giá thuê mặt bằng cao, dao động từ 15 đến 50 triệu đồng/tháng tùy vị trí và diện tích.

Mặt bằng hiếm, người thuê phải đặt cọc trước để giữ chỗ. Tuy nhiên, trong 2-3 năm gần đây, xu hướng đã đảo chiều.

Kinh doanh gặp khó, hàng loạt cửa hàng tại tuyến phố sầm uất đóng cửa - ảnh 2
Khách thưa thớt, chủ shop buộc phải trả mặt bằng

“Trước đây treo biển là có người hỏi thuê ngay, giờ thì mặt bằng để không cả năm mà không có ai hỏi đến,” anh T.V.H, chủ một căn nhà mặt phố chia sẻ. “Không ai nghĩ một con phố từng nhộn nhịp như vậy lại rơi vào cảnh này.”

Chị Nguyễn Thị Tuyết, từng là chủ một cửa hàng thời trang nữ tại tuyến phố Nguyễn Văn Cừ cho biết mình buộc phải trả mặt bằng sau hơn một năm thua lỗ. “Tiền thuê mỗi tháng gần 20 triệu, thêm điện, nước, nhân viên, quảng cáo online... mà vắng khách. Kinh doanh lỗ tháng này sang tháng khác, tôi không trụ nổi chi phí,” chị Tuyết nói.

Kinh doanh gặp khó, hàng loạt cửa hàng tại tuyến phố sầm uất đóng cửa - ảnh 3
Hàng loạt ki-ốt phải thanh lý hàng, cho thuê lại mặt bằng.

Không riêng thời trang, các ngành hàng khác như mỹ phẩm, quán cà phê, tiệm ăn vặt, vốn là thế mạnh của tuyến phố này cũng chứng kiến làn sóng đóng cửa hàng loạt. Một số cửa hàng chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều nơi trả mặt bằng và chuyển vào hẻm nhỏ để giảm chi phí.

Được biết, nguyên nhân khiến tuyến phố Nguyễn Văn Cừ rơi vào tình trạng “hạ nhiệt” là do sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi tiêu dùng. Người dân ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến hoặc đến các trung tâm thương mại tích hợp, nơi có chỗ đậu xe thuận tiện, không gian giải trí đi kèm và dịch vụ đồng bộ.

Trong khi đó, các cửa hàng mặt phố truyền thống phải đối mặt với nhiều áp lực: chi phí thuê cao, vận hành tốn kém, lượng khách giảm dần. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế chung khó khăn cũng khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, đặc biệt với các mặt hàng không thiết yếu.

Kinh doanh gặp khó, hàng loạt cửa hàng tại tuyến phố sầm uất đóng cửa - ảnh 4
Nhiều vị trí tại đường Nguyễn Văn Cừ khá đẹp nhưng không có người thuê

Anh N.V.T, chủ một quán cà phê cho biết: “Trước kia quán có đến 8 nhân viên, giờ chỉ còn lại 2. Khách ngày một ít, chi phí không gồng nổi. Đầu năm nay tôi đành phải đóng cửa, chuyển sang mô hình quán nhỏ hơn ở trong ngõ.”

Gỡ khó, thu hút khách hàng

Thị trường mặt bằng trầm lắng không chỉ gây khó khăn cho người kinh doanh mà cả chủ nhà cũng gặp áp lực. Trước đây, việc cho thuê mang lại nguồn thu ổn định, nhưng hiện nay nhiều người phải chấp nhận hạ giá thuê, chia nhỏ diện tích hoặc cho thuê ngắn hạn theo ngày, tuần.

“Giữ nguyên giá thì không ai thuê, giảm thì sợ ảnh hưởng mặt bằng chung. Nhưng để trống lâu cũng là thiệt hại mỗi ngày,” một chủ nhà khác trên phố Nguyễn Văn Cừ cho hay.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng để "cứu" những tuyến phố thương mại như Nguyễn Văn Cừ, cần có những giải pháp đồng bộ, từ chính sách hỗ trợ thuế, giảm giá thuê mặt bằng, cho đến quy hoạch lại không gian đô thị và định hướng lại mô hình kinh doanh.

Trong lúc chưa có cú hích lớn từ chính sách hay thị trường, tuyến phố Nguyễn Văn Cừ vẫn đang tiếp tục trầm lặng. Việc khôi phục sức sống cho tuyến phố từng được xem là “trục vàng thương mại” của TP. Vinh vẫn là một thách thức không nhỏ trong thời gian tới.