Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên sau sáp nhập ở Thanh Hóa:
Sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
VHO - Sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX được xem là giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo, giúp tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện sáp nhập, nhiều trung tâm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chật vật trong hoạt động.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 24 trung tâm GDNN-GDTX công lập cấp huyện thực hiện ba chức năng: GDNN, GDTX và hướng nghiệp với tổng số cán bộ quản lý, giáo viên của các trung tâm là trên 500 người (trong đó giáo viên dạy nghề là 59 người). Từ năm 2018 đến nay, các trung tâm tuyển sinh và đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 6.339 người (sơ cấp là 1.528 người, dưới 3 tháng là 4.811 người). Từ năm 2022 đến nay liên kết đào tạo trình độ trung cấp cho 8.824 học sinh.
“Đìu hiu” vì thiếu vắng học viên
Tuy nhiên, kể từ khi sáp nhập, đổi tên theo Thông tư liên tịch số 39 đến nay, hầu hết các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện đối mặt với nhiều khó khăn, chưa có hướng tháo gỡ: Cơ sở vật chất xuống cấp, không phòng học nghề, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thực hành lỗi thời, lạc hậu; đội ngũ giáo viên dạy nghề, giáo viên dạy GDTX cơ hữu còn thiếu; cơ chế chính sách chưa rõ ràng khi chịu sự quản lý của nhiều đầu mối... nhưng không biết tham mưu gỡ khó từ đơn vị nào.
Đơn cử như những Trung tâm GDNN-GDTX Vĩnh Lộc, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn không có giáo viên dạy nghề; một số Trung tâm GDNN-GDTX Cẩm Thủy, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân chỉ có duy nhất một giáo viên dạy nghề. Còn tại Trung tâm GDNN-GDTX Nông Cống, Triệu Sơn, Quảng Xương, Mường Lát, Quan Hóa, Lang Chánh có phòng học nhưng không có thiết bị đào tạo nghề hoặc thiết bị đào tạo đã lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu học nghề. Được Nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, tuy nhiên tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện vùng cao Quan Hóa vẫn rơi vào cảnh “đìu hiu” vì thiếu vắng học viên. Hiện nay, tại trung tâm chỉ có 26 học viên đang theo học chương trình giáo dục phổ thông. Vì vậy, ba phòng thực hành nghề mới được sửa chữa từ năm học 2022-2023 đến nay cũng phải đóng cửa do không có người học. Các thiết bị thực hành không được sử dụng, đành phải xếp vào kho, nằm phủ bụi.
Theo khảo sát, mỗi năm, trên địa bàn huyện Quan Hóa có khoảng 900 - 1.000 học sinh tốt nghiệp THCS với 70% các em muốn vào trường THPT, 30% còn lại định hướng theo các trường nghề và lựa chọn khác. Với 30% số “khách hàng” trên, trung tâm chỉ tuyển được 15 - 20 học viên, đạt xấp xỉ 10% kế hoạch, con số này là quá thấp. Ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa cho biết, mặc dù đã tiếp cận với các trường THCS và học sinh lớp 9 để tư vấn hướng nghiệp để vừa học văn hóa và vừa học nghề. Thế nhưng nhiều học sinh có tâm lý thích thi vào các trường THPT công lập, sau đó tiếp tục học lên đại học, cao đẳng nên công tác tuyển sinh đạt hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng đang mở rộng đào tạo các ngành nghề, có nhiều chính sách thu hút người học, càng khiến các trung tâm GDNN-GDTX yếu thế hơn trong “cuộc đua” tuyển sinh.
Đồng cảnh ngộ như Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Sơn được thành lập từ năm 2000, đến năm 2014, trung tâm được đầu tư cơ sở vật chất khang trang bao gồm ba phòng học, một xưởng nghề và một khu nhà hiệu bộ. Mãi đến năm học 2022-2023, trung tâm mới chiêu sinh được 13 học viên theo học chương trình giáo dục phổ thông ở hai khối 10 và khối 11. Để đảm bảo hoạt động theo quy định, ngoài 5 cán bộ, giáo viên biên chế, trung tâm phải ký hợp đồng với 5 giáo viên từ các cơ sở GD&ĐT khác trên địa bàn huyện... Do thiếu vắng học viên, cơ sở vật chất của trung tâm cho một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện mượn khi có nhu cầu tập huấn, đào tạo.
Một trung tâm có những ba nơi quản lý
Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Sơn cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, trung tâm được giao 2,8 tỉ đồng để đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề. UBND huyện Quan Sơn đã kiểm tra thực trạng và liệt kê những hạng mục cần đầu tư, kỳ vọng đây sẽ là “cú hích” góp phần thu hút học viên, nâng cao chất lượng dạy và học của trung tâm. Tuy nhiên, văn bản của Tổng cục Nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) khẳng định, GDNN-GDTX không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên không thuộc đối tượng thụ hưởng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
“Những năm qua, việc thu hút học viên vào học tại trung tâm gặp rất nhiều khó khăn, một phần là do cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề không được đầu tư, mong các cấp chính quyền sớm tháo gỡ vướng mắc, bổ sung đối tượng thụ hưởng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để Trung tâm sớm giải ngân được nguồn vốn”, ông Huy nói. Tình trạng trên không chỉ xảy ra tại nhiều huyện miền núi, những trung tâm GDNN-GDTX huyện Quảng Xương, mặc dù được cấp phép đào tạo năm mã nghề nhưng kể từ khi sáp nhập năm 2017 đến nay, trung tâm cũng mới chỉ mở được 36 lớp sơ cấp nghề, trong đó có những mã nghề những năm gần đây không có học viên nào đăng ký theo học. Bảy năm nay, trung tâm chưa được đầu tư mới trang thiết bị phục vụ việc dạy nghề. Hầu hết thiết bị ở đây đều do đơn vị xoay sở, tận dụng từ thiết bị cũ. Nhiều máy móc, thiết bị sau nhiều năm sử dụng đã hư hỏng, lỗi thời, không còn khả năng để sửa chữa. Để khắc phục khó khăn, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và liệt kê chi tiết các hạng mục cần đầu tư, được các Sở Tài chính, LĐ,TB&XH hướng dẫn và phê duyệt gói 291 triệu đồng, thực hiện mua sắm bổ sung cơ sở vật chất, nhưng đến nay không thể triển khai do trung tâm GDNN-GDTX không thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên không nằm trong đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 2021-2025.
Cùng với những khó khăn trên, nhiều lãnh đạo trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc phân cấp quản lý cũng gặp không ít khó khăn, bất cập. Trước đây khi chưa sáp nhập trung tâm GDTX, trung tâm dạy nghề, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp thì trung tâm GDTX cấp huyện do Sở GD&ĐT quản lý, trung tâm dạy nghề do Sở LĐ, TB&XH quản lý. Sau sáp nhập, công tác chỉ đạo, quản lý do UBND cấp huyện trực tiếp đảm nhiệm, Sở LĐ,TB&XH, Sở GD&ĐT hướng dẫn thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ. Một đơn vị mà có tới ba cơ quan tham gia quản lý rõ ràng là bất cập, bởi không phải lúc nào cả ba đơn vị này cũng tìm được tiếng nói chung.
Từng bước gỡ khó cho các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thanh Hóa, thời gian tới, với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN, Sở sẽ đề nghị các ban, ngành liên quan tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy; rà soát, đánh giá thực trạng, hiệu quả quản lý, sử dụng các trang thiết bị đào tạo tại trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện để đảm bảo thực hiện đồng thời ba nhiệm vụ: GDNN-GDTX và hướng nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT theo Kế hoạch số 158/KH-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện Đề án “GDNN và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Ngoài ra, cần bổ sung giáo viên dạy nghề cho các trung tâm, đảm bảo về số lượng, cơ cấu ngành nghề; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy nghề.