Không sôi động như nhiều năm trước
VHO- Thị trường mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Kỷ Hợi được đánh giá không quá sôi động như các năm trước. Ngành thương mại Hà Nội đã chuẩn bị đủ các mặt hàng cung ứng cho thị trường, không để xảy ra khan hàng, sốt giá.
Nhiều hộ kinh doanh hàng khô ở chợ Đồng Xuân - Bắc Qua cho biết, họ bắt đầu dự trữ các mặt hàng măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ... từ hàng tháng trước để tránh bị đẩy giá lên cao. Tại Đồng Xuân, hiện tại 1kg mộc nhĩ có giá từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, măng khô tùy thuộc vào chất lượng, chủng loại có giá từ 120.000 - 350.000 đồng/kg, nấm hương 320.000 - 400.000 đồng/kg, miến 40.000 - 70.000 đồng/kg, hạt sen 140.000 - 170.000 đồng/kg... Các mức giá cận Tết này cũng chỉ ngang với ngày thường. Các hộ bán hàng nhỏ lẻ trong thành phố cũng bắt đầu đặt hàng với số lượng khá lớn bia hộp, bia chai, thuốc lá, bánh mứt kẹo... Một số hộ kinh doanh tại địa bàn quận Hoàng Mai cho biết, ở thời điểm hiện tại, giá một số loại bia và thuốc lá sản xuất trong nước tăng giá nhẹ... Riêng đối với mặt hàng bánh mứt kẹo, do nguồn cung rất dồi dào nên không có biến động về giá và không khan hiếm hàng. Từ vài năm nay, sự gia tăng tiêu thụ các loại hàng hóa vào dịp Tết của người dân không còn, lượng hàng hóa lại dồi dào nên không còn tình trạng khan hàng, sốt giá vào dịp Tết. Các hộ kinh doanh nhỏ hầu như không tích trữ hàng với số lượng lớn, gây nên tình trạng khan hiếm hàng vào dịp Tết như nhiều năm trước.
Đặc biệt, một mặt hàng khá thông dụng nhưng dịp Tết năm nay nhu cầu tăng đột biến, đó là ống tiết kiệm hình con lợn bằng gốm sứ. Nhiều chủ cơ sở sản xuất gốm cho biết, dịp Tết này, đơn đặt hàng lợn gốm tăng ít nhất gấp hàng chục lần so với Tết các năm trước. Về mặt hàng hoa và cây cảnh, những ngày này, tại chợ hoa Quảng Bá và trên một số con đường lân cận, các chủ vườn đã bày bán cây đào thế, quất cảnh. Nhiều chủ vườn đào tại Tây Hồ cho biết, năm nay giá bán đào không tăng do thời tiết thuận lợi, khách hàng có thể chọn một cây đào cảnh ưng ý với giá từ 1-7 triệu đồng hoặc thuê những cây đào thế lớn để về chơi Tết. Giá quất cảnh cũng không có gì biến động, chỉ khác là năm nay nhiều chủ vườn tạo dáng cầu kỳ nhiều cây quất lớn với giá cao để phục vụ khách hàng khó tính...
Theo Sở Công thương Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhu cầu tiêu thụ gạo sẽ tăng từ 5 - 7% , thịt lợn 18 - 20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, rau củ quả tăng 10 - 15%... Mặc dù nhu cầu tiêu thụ tăng, tuy nhiên khả năng sản xuất của DN Thủ đô chỉ đáp ứng 50 - 65% nhu cầu. Vì vậy, Hà Nội đã có kế hoạch ổn định giá các mặt hàng, hạn chế tình trạng khan hàng, tăng giá. Lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị gần 30.000 tỉ đồng đã được chuẩn bị để phục vụ nhân dân Thủ đô vào dịp Tết, tăng khoảng 10% so với năm trước. Một số mặt hàng thiết yếu đã được chuẩn bị phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019 gồm 190.600 tấn gạo, 44.000 tấn thịt lợn, 14.600 tấn thịt gà, hơn 12.300 tấn thịt bò, 256 triệu quả trứng, hơn 254.000 tấn rau củ, 11.200 tấn thủy hải sản, khoảng 3.500 tấn nông lâm sản khô, khoảng 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát... Riêng đối với mặt hàng mứt Tết truyền thống, ngoài các cửa hàng lớn tại cơ sở sản xuất, từ vài năm nay, các nhà sản xuất mứt Tết lớn đã lập nhiều điểm bán hàng và các đại lý tại các đường phố trên khắp thành phố nên hầu như không còn cảnh chen lấn mua mứt Tết như nhiều năm trước...
VŨ PHƯỢNG