Kết nối giao thương, xuất khẩu hàng hóa giữa các DN Nam Trung Bộ và Hàn Quốc
VHO - Tại Hội nghị kết nối giao thương xuất khẩu hàng hóa giữa các tỉnh Khu vực Nam Trung Bộ và các DN Hàn Quốc năm 2024 đã có 18 ký kết ghi nhớ hợp tác, hợp đồng giữa các DN Hàn Quốc và DN khu vực Nam Trung Bộ.
Ngày 24.9, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã diễn ra Hội nghị kết nối giao thương xuất khẩu hàng hóa giữa các tỉnh Khu vực Nam Trung bộ và các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Hội nghị do Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA), phối hợp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận tổ chức, với sự tham gia của 28 DN Hàn Quốc và 64 DN các tỉnh khu vực Nam Trung bộ…
Đây là Hội nghị nằm trong chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, khu vực Nam Trung Bộ có vị trí địa lý hết sức thuận lợi về giao thông, với các trục đường sắt, đường bộ, đường không và đường biển kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm trong và ngoài nước.
Riêng tỉnh Ninh Thuận có diện tích tự nhiên không lớn, nhưng lại hội tụ các vùng sinh thái khí hậu đa dạng đặc trưng của khu vực gồm biển, đồng bằng và miền núi gắn với các tiềm năng, lợi thế trên nhiều lĩnh vực, cùng với thời tiết nắng ấm quanh năm đã tạo cho Ninh Thuận có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù cao như: Nho, táo, măng tây xanh, tỏi, nha đam, thủy sản, muối, rong sụn, cừu, dê,…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 182 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, đây là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường đang được tỉnh Ninh Thuận tập trung đầu tư, phát triển theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa gắn với hoạt động du lịch; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và định hướng xuất khẩu…
Tuy nhiên, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển sản phẩm của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực.
Theo đó, Hội nghị sẽ là cầu nối quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hai bên gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ và Bộ Công Thương về việc liên kết vùng, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa sang thị trường các nước.
“Tôi tin tưởng rằng, với sự chung tay của tất cả chúng ta, Hội nghị kết nối giao thương giữa DN khu vực Nam Trung bộ với DN Hàn Quốc sẽ thành công, mở ra những cơ hội hợp tác mới, góp phần đưa quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên một tầm cao mới” - ông Trịnh Minh Hoàng chia sẻ.
TS. Trần Hải Linh, Ủy viên UBTW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) cho biết, theo thống kê năm 2023, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc.
Kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam năm 2023 đạt 79,43 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Việt Nam là 53,49 tỷ USD; Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc là 25,94 tỷ USD.
Điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung khá rõ nét, cơ bản hàng hóa thương mại 2 nước không cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau.
TS. Trần Hải Linh cho rằng, về thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Hàn Quốc vẫn còn nhiều “dư địa” để cùng nhau phát triển, trong đó Hội nghị sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội thực hiện B2B, B2C, B2G… cho cộng đồng DN - doanh nhân 2 nước.
Tuy nhiên vẫn còn một số những khó khăn, vướng mắc nhất định trong thương mại, xuất nhập khẩu, nhất là đối với các DN trong khu vực phần lớn là các DN vừa và nhỏ.
Theo TS. Trần Hải Linh, đó là kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam khá cao nhưng phần lớn đa số vẫn là xuất khẩu nông sản thô chưa qua chế biến, mặt hàng chưa đa dạng và chưa đánh giá đúng vào thị hiếu và nhu cầu của “thị trường điểm đến”.
Các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam vẫn còn có những điểm cần phải cải thiện để xuất khẩu. Do đó, các DN Việt Nam chúng ta chưa thể thu được thêm nguồn doanh thu thặng dư cao đến từ giá trị gia tăng của sản phẩm.
Mặt khác, các quy định ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ, châu Âu đều rất nghiêm ngặt, đặc biệt các rào cản kỹ thuật với nông sản, thủy sản, thực phẩm có xu hướng ngày càng chặt chẽ và khắt khe hơn... ít nhiều gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của DN Việt Nam.
Đối với các DN Hàn Quốc cũng gặp phải một số khó khăn, ví dụ khó tìm kiếm được đối tác cung ứng thích hợp, phù hợp với lĩnh vực, ngành hàng mong muốn để có thể tiến đến hợp tác lâu dài; các thủ tục làm việc giữa Việt Nam và Hàn Quốc khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu đối với DN vừa và nhỏ đều còn có những vướng mắc, khó khăn nhất định.
“Hiệp hội VKBIA chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng DN, doanh nhân 2 nước Việt - Hàn để kết nối, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà chúng ta đã và đang gặp phải, nhằm phát triển, xúc tiến thương mại và hợp tác Việt - Hàn ngày càng đi sâu vào hiệu quả và thiết thực hơn nữa.
Hiệp hội VKBIA sẽ tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối để phối hợp, hỗ trợ cùng chính quyền, các cơ quan chức năng cả 2 nước trong phạm vi có thể của mình…
Và với những nỗ nực đó, ngay tại Hội nghị, các DN 2 nước đã chia sẻ, tìm hiểu và đã có 18 hợp đồng ghi nhớ được ký kết.
Đây sẽ là tiền để để DN 2 nước đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, kết nối giao thương, xuất khẩu hàng hóa; trong đó có khu vực Nam Trung bộ - địa bàn có nhiều tiềm năng và lợi thế trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa…