Kon Tum:

Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam

NGỌC HOÀ - NHƯ TRANG

VHO - Sáng ngày 10.12, tại làng Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) UBND huyện Tu Mơ Rông phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn.

Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam  - ảnh 1
Hội thảo về sâm Ngọc Linh

Dự Hội thảo có lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông; các trung tâm, trường đại học cùng đông đảo người dân trồng và liên kết trồng sâm Ngọc Linh.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, sâm Ngọc Linh là dược liệu quý của Việt Nam và thế giới, được xác định là quốc bảo của Việt Nam, phân bố chủ yếu tại Kon Tum và Quảng Nam.

Hiện Tu Mơ Rông là huyện đã phát triển được 2.800ha sâm Ngọc Linh, lớn nhất nước. Trong 5 năm qua, cây sâm Ngọc Linh đã góp phần xóa gần 2.000 hộ nghèo, giúp hàng trăm hộ dân  làm giàu, cá biệt có hộ thu nhập hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

Bên cạnh sâm Ngọc Linh, cũng có nhiều loại củ, sâm có vẻ ngoài tương tự như sâm Ngọc Linh. Điều này khiến người tiêu dùng khó nhận biết, phân loại, tạo cơ hội cho những kẻ xấu lừa đảo.

Thực tế là đã xảy ra các trường hợp rao bán sâm Ngọc Linh giả bằng những loại củ có vẻ ngoài giống sâm Ngọc Linh. Điều này khiến khách hàng chịu thiệt hại khi bỏ ra số tiền lớn nhưng không mua được đúng sản phẩm chất lượng, còn người trồng tâm huyết thì bị mang vạ.

Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam  - ảnh 2
Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh phát biểu

“Theo đề xuất, mong muốn của người dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về tổ chức một cuộc tọa đàm về sâm Ngọc Linh ngay tại vùng cuội nguồn của sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông đã quyết định tổ chức hội thảo nói trên, nhằm hướng đến việc giúp nhận diện rõ, đầy đủ hơn giá trị của sâm Ngọc Linh. Từ đó, giúp người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trên cả nước có thêm thông tin chính thống để phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại sâm, củ khác. Qua đó, đưa ra sự lựa chọn phù hợp trong việc lựa chọn các loại sâm để chăm sóc sức khỏe”, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nói.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp cho biết: Với mục tiêu bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh và phát triển trở thành hàng hóa phục vụ quốc kế dân sinh, đưa sâm Ngọc Linh vươn ra thế giới, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kon Tum đã có nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tham gia trồng, phát triển và chế biến sâm Ngọc Linh.

Để phát triển vùng trồng, tỉnh Kon Tum phê duyệt Quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với tổng diện tích quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh là 31.742 ha. Đến nay, đã có khoảng 2.922ha sâm Ngọc Linh, trong đó huyện Tu Mơ Rông với 2.883ha với khoảng 1.650 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 4 doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh.

“Tôi mong muốn rằng, các nhà khoa học, các chuyên gia, lãnh đạo các sở ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp, các hộ gia đình trồng sâm quan tâm, thảo luận về những giá trị của sâm Ngọc Linh, tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng sâm Ngọc Linh, phương pháp phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác; giải pháp để liên kết, phát triển cây sâm Ngọc Linh, để sâm Ngọc Linh là cây dược liệu quý, giúp bà con nhân dân có thể làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh.

Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam  - ảnh 3
Ký kết hợp tác tại Hội thảo


Đồng thời, phát triển sâm Ngọc Linh gắn với phát triển du lịch và quan trọng hơn nữa là làm sao để bảo vệ và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh, đưa sâm Ngọc Linh vươn tầm ra thế giới. Các nhà khoa học cần có nhiều nghiên cứu khoa học hơn nữa về các loại sâm để giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn giá trị của cây sâm Ngọc Linh và những vùng trồng, phát triển sâm Ngọc Linh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh.

Trình bày tham luận tại hội thảo, GS.TS Trần Công Luận (Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô TP.HCM) cho rằng: Sâm Ngọc Linh là cây thuốc giấu của đồng bào Xơ Đăng ở vùng núi Ngọc Linh. Là loài cây quý hiếm và nhiều công dụng trong việc chữa bệnh của người dân địa phương nơi đây từ xa xưa. Sau hơn 50 năm được phát hiện, Sâm Ngọc Linh được công nhận là Sâm Quốc bảo của đất nước và đang vươn tầm ra thế giới.

“Do sự quí hiếm và có giá trị kinh tế cao của Sâm Ngọc Linh nên việc ngụy tạo trở thành một vấn nạn. Đặc biệt, còn phát hiện thêm 2 thứ của sâm Ngọc Linh như anh em song sinh làm cho khả năng nhầm lãn về giá trị sử dụng và kinh tế tăng cao.

Vì vậy, rất cần một hành lang minh bạch, an toàn về tính pháp lý, tính khoa học và sự tỉnh táo của người tiêu dùng trong việc lựa chọn và dùng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Công Luận chia sẻ.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Đức, Khoa dược - Trường Đại học Tôn Đức Thắng, có rất nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua trong việc phát triển thương hiệu quốc gia sâm Việt Nam – sâm Ngọc Linh, cũng như phát triển những cây sâm Panax khác của đất nước. Nhưng về mặt thị trường cần áp dụng biện pháp mạnh mẽ, đặc biệt phải tăng cường quản lý chất lượng để giữ gìn hình ảnh, uy tín của các cây sâm, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

“Để thực hiện được điều này, cần sự đồng lòng, chung tay của các địa phương có các cây sâm Panax, sự đồng tâm, hợp sức của 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Bên cạnh những chính sách vĩ mô và vi mô phù hợp, hiệu quả và hài hòa, trong đó cần đặt lợi ích toàn cục của đất nước và nhân dân trên hết”, GS.TS Nguyễn Minh Đức bày tỏ.

Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam  - ảnh 4
Trường Đại học Tôn Đức Thắng ký kết với UBND huyện Tu Mơ Rông

Trong chương trình Hội thảo, nhóm nghiên cứu sâm Việt Nam của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã ký kết hợp tác với Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum để nghiên cứu về sự phát triển hoạt chất trên cây sâm Ngọc Linh qua các chu kỳ phát triển hàng năm;

Ký kết hợp tác và hỗ trợ thành lập Viện nghiên cứu sâm Ngọc Linh –  sâm Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh giữa Công ty Cổ phần Vingin với nhóm nghiên cứu do GS.TS Nguyễn Minh Đức ( Trường Đại học Tôn Đức Thắng) và gs.ts Trần Công Luận ( Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô) làm đại diện;

Nhóm nghiên cứu cũng ký kết với UBND huyện Tu Mơ Rông về nghiên cứu và chuyển giao phương pháp kiểm nghiệm phân biệt nhanh sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông ghi nhận những thông tin có giá trị về chăm sóc, quản lý, nâng tầm sâm Ngọc Linh mà các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, người dân trồng sâm đã chia sẻ tại hội thảo.

Đặc biệt, Hội thảo đã được các nhà nguyên cứu tin tưởng chọn công bố kết quả nghiên cứu giá trị sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu, qua đó khẳng định giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh, giúp người dân yên tâm trồng, còn người tiêu dùng có thông tin chính thống để lựa chọn các loại sâm phù hợp với giá trị, chất lượng để chăm sóc sức khỏe.

“Những công trình nghiên cứu quý giá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước công bố tại hội thảo, sẽ được huyện báo cáo UBND tỉnh Kon Tum và công bố rộng rãi trên truyền thông, mạng xã hội để mọi người đều biết, qua đó có hướng phát triển sâm Ngọc Linh phù hợp, hiệu quả, giúp cây sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng quan trọng của Việt Nam”, ông Mạnh chia sẻ thêm.