Hóa giải thách thức để thúc đẩy tăng trưởng

THẾ TUẤN

VHO - Tại thời điểm này, nhiều định chế tài chính và các chuyên gia kinh tế quốc tế đều có những đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng GDP trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm là một thách thức.

 Hóa giải thách thức để thúc đẩy tăng trưởng - ảnh 1
Tăng cường hợp tác, thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh minh họa. Ảnh: B.LÂM

 Báo cáo của Citibank (thuộc Tập đoàn Citigroups), tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý II.2024 tăng lên 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 5,7% so với quý I. Đáng chú ý là sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu ở mức tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đó, Citibank đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 từ 6% lên 6,4%.

Dự báo tăng trưởng GDP trên 6%

Những tín hiệu tích cực từ chỉ số kinh tế vĩ mô đã tạo ấn tượng với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có việc sức tiêu dùng nội địa tăng mạnh. Một ví dụ, nếu như năm 2012 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam dành 61% cho xuất khẩu thì đến tháng 7.2024 tỷ trọng này đã xuống 49%.

Cũng từ những dữ liệu thực tế trong vòng 7 tháng của năm 2024, trang tài chính Bloomberg cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 7% nhờ sự phục hồi của thương mại, gia tăng các hoạt động kinh doanh từ đầu tư nước ngoài. Đã có hơn 18 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 7 tháng năm 2024. Cùng kỳ 7 tháng đầu năm 2023, FDI thực hiện đạt 11,58 tỉ USD và 7 tháng năm nay, vốn FDI thực hiện đã tăng lên 12,55 tỉ USD. Trong khi đó, Ngân hàng UOB (trụ sở chính tại Singapore) đưa ra con số so sánh: Nửa đầu năm 2024 kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,42%, cao hơn nhiều so với mức 3,84% trong nửa đầu năm 2023. Từ đó nhận xét tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 sẽ trên 6,0%; đồng nghĩa với việc Việt Nam có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024, vị trí mà Việt Nam đã tạm nhường cho Malaysia, Philippines trong năm 2022, 2023. Theo bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC, Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong những tháng còn lại của năm 2024.

Đáng chú ý, theo ông Paulo Medas, Trưởng đoàn Tham vấn và giám sát kinh tế vĩ mô Việt Nam của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Việt Nam đã cho thấy đà hồi phục nhanh chóng sau giai đoạn khó khăn cuối năm 2022 và đầu năm 2023. “Kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, một phần nhờ vào xuất khẩu mạnh và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một yếu tố nữa là hiệu quả từ những hành động của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ví dụ như việc cắt giảm lãi suất, gia tăng đầu tư công và tăng lương cũng góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh”, ông Medras nói và cho biết IMF dự báo mức tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam sẽ ở mức trên 6%.

Về lạm phát, đại diện IMF cho rằng lạm phát của Việt Nam đã tăng và hiện ở mức khoảng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 6. “IMF dự báo tỷ lệ lạm phát cả năm 2024 của Việt Nam có khả năng sẽ duy trì ở mức gần với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là 4,5%”, ông Medras nói đồng thời khuyến cáo Việt Nam cần chú ý cân bằng giữa phục hồi kinh tế với quản lý rủi ro lạm phát. Có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải theo dõi chặt chẽ tình hình và sẵn sàng hành động trong trường hợp lạm phát tăng cao.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Chính phủ đã xác định đầu tư công là 1 trong 3 trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế (cùng với xuất khẩu và tiêu dùng trong nước). Tuy nhiên, ở lĩnh vực này vẫn còn nhiều thách thức.

Số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố ngày 5.8 cho thấy đến thời điểm 31.7, tình hình giải ngân kế hoạch vốn của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương mới đạt 244.903 tỉ đồng, tương ứng 31,6% kế hoạch. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về giải ngân vốn đầu tư công và khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch theo Nghị quyết số 01/2024 của Chính phủ. Giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đang có dấu hiệu chậm lại khi tỷ lệ thanh toán ước 7 tháng 2024 thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Cả số vốn giải ngân tuyệt đối và tỷ lệ giải ngân đều thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, dù tổng mức đầu tư công năm nay thấp hơn nhiều so với năm 2023 (khoảng 657.000 tỉ đồng so với hơn 710.000 tỉ đồng).

Hiện có đến 33/44 Bộ, cơ quan Trung ương và 25/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, cá biệt một số Bộ, cơ quan Trung ương giải ngân rất thấp hoặc có tỷ lệ giải ngân 0%. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%, như TP.HCM (14,31%), Phú Yên (16,27%), Bắc Ninh (16,08%), Hải Dương (18,36%)... Cũng cần nhắc lại, tại Nghị quyết số 65/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt phương châm chỉ đạo, điều hành và tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”. Năm quyết tâm gồm: Giữ kỷ luật kỷ cương; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; đổi mới phương pháp, cách làm; khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai. Năm đảm bảo gồm: Chủ động nguyên vật liệu (nhất là cát sỏi, đất đắp nền...); nhân lực có tâm, có tầm, có trách nhiệm; hài hòa lợi ích; quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường...

Cùng đó, Thủ tướng yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nói như TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ai cũng thấy về căn bệnh giải ngân đầu tư công nhưng để giải quyết tình trạng này cần có giải pháp quyết liệt về trách nhiệm. Khi vướng khó khăn thì phải nỗ lực cùng nhau giải quyết, vướng ở địa phương hay Trung ương, cấp nào để vấn đề lâu hơn quy định sẽ bị xử lý trách nhiệm cụ thể, cách chức ngay hay luân chuyển công tác, không để chây ỳ, đổ lỗi cho nhau...

Như vậy, từ nay tới cuối năm, để đảm bảo tăng trưởng GDP cao cần phải thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, để có thể đạt 95% như chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị thúc đẩy đầu tư công, ngày 16.7 vừa qua. 

 Cập nhật kịch bản kinh tế Việt Nam 2024, Bộ KH&ĐT đưa ra 2 kịch bản. Kịch bản 1: Tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị là từ 6-6,5%). Kịch bản 2: Tăng trưởng GDP cả năm đạt 7%. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT nghiêng về kịch bản thứ hai do từ đầu năm tới nay đã cho thấy sự tăng trưởng tích cực của các ngành kinh tế, đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước phục hồi nhanh hơn, động lực tăng trưởng tích cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu mạnh mẽ, du lịch và tiêu dùng cải thiện và các chính sách mới.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc