Giá bất ngờ tăng, gần 1.000 tấn mực khô tồn đọng của ngư dân Quảng Nam được tiêu thụ
VHO-Giá bất ngờ tăng vọt, gần 1.000 tấn mực khô của ngư dân Quảng Nam đã được tiêu thụ, thoát cảnh tồn đọng. Ngư dân đã bắt đầu chuẩn bị cho những chuyến ra khơi bám biển.
Ông Nguyễn Văn Thịnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, gần 1.000 mực khô bị tồn đọng trên địa bàn mà địa phương “cầu cứu” Trung ương hỗ trợ tiêu thụ vừa qua đã bán hết.
Số mực trên được thương lái thu mua 120 nghìn đồng/kg để xuất khẩu sang Trung Quốc và cung cấp cho một số doanh nghiệp chế biến trong nước.
Trước đó, vào khoảng tháng 6.2019, gần 1.000 tấn mực khô tồn đọng, không tiêu thụ được, thậm chí ngư dân chấp nhận bán với giá 60-70 nghìn đồng/kg nhưng vẫn không được thu mua.
Những ngày qua, giá mực khô bắt đầu tăng mạnh trở lại, đồng thời các thương lái tìm đến đặt hàng ngày một đông. Giá bán đã tăng lên được ở mức 120-125 nghìn đồng/kg.
Giá mực khô tăng trở lại, gần 1.000 tấn mực khô của ngư dân Quảng Nam đã tiêu thụ hết
Mực khơi khô là sản phẩm chính của nghề câu mực khơi và chụp mực khơi của Quảng Nam, tổng sản lượng khai thác hằng năm khoảng 5.000 tấn. Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 67 tàu cá hoạt động nghề câu mực khơi với khoảng 3.000 lao động, hằng năm tạo ra sản lượng khoảng 95% tổng sản lượng mực khơi khô của tỉnh (bình quân khoảng 20 - 30 tấn/tàu cá/chuyến biển 2 tháng).
Như Văn Hóa đưa tin, vào thời điểm tháng 6 vừa qua, nhiều ngư dân ở huyện Núi Thành phản ánh về việc các thương lái không thu mua sản phẩm mực khơi khô của ngư dân như trước, thậm chí đã hạ giá xuống còn một nửa nhưng vẫn không bán được với lý do là phía Trung Quốc bất ngờ thay đổi phương thức chuyển từ thu mua và xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.
Việc thay đổi phương thức trên khiến thương lái không dám thu mua sản phẩm mực khô, dẫn đến tình trạng gần 1.000 tấn mực khô của ngư dân Núi Thành tồn đọng, nhiều tàu câu mực của ngư dân đành nằm bờ vì không tiêu thụ được sản phẩm.
Trước đó, gần 1.000 tấn mực khô của ngư dân Quảng Nam không tiêu thụ được do thay đổi phương thức thu mua
Trước tình hình trên, ông Lê Trí Thanh-UBND tỉnh Quảng Nam đã ký văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) về việc đề nghị hỗ trợ ngư dân địa phương, thương lái tiêu thụ được sản phẩm mực khơi khô tồn đọng, sớm vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong nước chế biến sâu các mặt hàng từ mực khơi khô để giúp ngư dân có thể tiêu thụ được sản phẩm. Hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương lái, chủ tàu cá tổ chức lại quy trình sản xuất, thu mua, chế biến theo chuỗi giá trị để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phía nước nhập khẩu, đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm theo đường chính ngạch.
Với mức giá như hiện nay, đặc biệt là đã giải tỏa được lượng mực khô tồn đọng nên ngư dân chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo.
Lâu nay, sản phẩm mực khơi khô được các thương lái thu mua, xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch; một lượng nhỏ hơn được xuất khẩu sang Thái Lan vào một số thời điểm trong năm. Vì vậy, lâu nay việc tiêu thụ sản phẩm mực khơi khô không bị chi phối, ràng buộc bởi các quy định về thương mại giữa các nước xuất khẩu và nhập khẩu sản phẩm này.
Thông tin phía Trung Quốc thay đổi phương thức chuyển từ thu mua và xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch cũng từ các thương lái đưa ra giải thích cho ngư dân khi không dám thu mua sản phẩm. Dẫn đến tâm lý lo ngại, tình hình tiêu thụ sản phẩm mực khơi khô của các tàu cá không được thuận lợi như trước và tồn đọng khoảng 1.000 tấn.
Tuy lần này, giá mực khô tăng, thương lái đã thu mua trở lại. Thế nhưng, một vấn đề đặt ra liệu sự việc tồn đọng, cầu cứu, rồi giải tỏa tồn đọng sản phẩm mực khơi khô như lần này liệu có lặp lại khi đến thời điểm này mọi việc giao dịch, thu mua, tiêu thụ sản phẩm mực khô của ngư dân Quảng Nam vẫn là câu chuyện gần như diễn ra theo kiểu thụ động, phụ thuộc vào thương lái như lâu nay?
KHÁNH CHI