“Du mục” trồng dưa

NHƯ ĐỒNG

VHO - Cuộc sống tha hương có phần cơ cực, nhưng đối với những người nông dân “du mục” trồng dưa thì chuyện đi xa thuê đất để trồng dưa đã được xem như một cái nghề nuôi sống cả gia đình.

“Du mục” trồng dưa - ảnh 1

Màu xanh của ruộng dưa đang phủ xanh ở bãi bồi sông Trà Khúc

Cuộc sống ở đồng dưa

Trời nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về những ruộng dưa hấu ở bãi bồi sông Trà Khúc, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) với những ruộng dưa xanh tốt trải dài. Chen vào đó là những trại nhỏ để họ sống, giữ dưa.

Tiếp chúng tôi trong “túp lều di động”, ông Nguyễn Văn Lai (49 tuổi), xã Bình Chương, huyện Bình Sơn từ tốn mời khách ly nước mát. Túp lều lợp bằng bạt đã loang lổ màu thời gian, hai vách cũng được che bằng tấm bạt, còn lại để trống cho dễ canh dưa.

Trong lều chỉ để vỏn vẹn chiếc chiếu đôi trải trên tấm sạp để ngủ. Chiếc võng mắc ngang cây trụ nhỏ, vài bộ đồ, bếp núc cùng chiếc xe gắn máy làm phương tiện di chuyển được xếp ở một lều nhỏ khác cạnh đó là tất cả tài sản của vợ chồng ông Lai.

“Sống vậy riết cũng quen, tui sống bằng cái nghề này cũng 20 năm trồng dưa theo kiểu “du mục”. Vô vụ dưa là bận tối tăm mặt mũi, ở ngoài ruộng suốt, bất kể nắng nóng hay mưa dầm, có khi tối hù mới vô lều nghỉ”, ông Lai cười hiền.

“Du mục” trồng dưa - ảnh 2
Trồng dưa hấu phải chăm sóc hàng ngày ở ngoài ruộng liên tục

Ông Lai cho biết, vụ dưa này vợ chồng ông thuê hơn 30 sào (500m2/sào) ở bãi sông Trà. Để tiết kiệm chi phí thuê nhân công, suốt một tháng trời, hàng ngày đôi vợ chồng ông đều cần mẫn ra bãi, ăn nghỉ ngay trên triền sông. Một ngày thường bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào lúc tối mịt. Nghề dưa cực nhất là khâu làm đất, nhưng những công đoạn sau đó cũng chẳng kém vất vả và hồi hộp. Lo nắng mưa thất thường, lo giá cả không ổn định.

Gắn chặt đời mình với những mùa dưa, ông Lai không thể kể hết những buồn vui, gian khó đã trải qua. “Trồng dưa cũng như đánh bạc, rất hên xui, may rủi vì phụ thuộc vào giá cả thị trường và thời tiết. Trời thương thì dưa được mùa, còn trời lấy hết thì trắng tay, mang nợ…”, ông Lai trầm ngâm.

Dưa hấu cũng giống như cây khoai lang, càng trồng trên mảnh đất quen thuộc, trái không lớn và chất lượng cũng kém ngon. Do vậy, những nông dân trồng dưa phải đi nhiều nơi thuê đất trồng dưa. Rồi qua những người quen, bắt mối sang các tỉnh Tây Nguyên và cuộc đời của những người xa xứ trên những cánh đồng dưa bắt đầu từ đó.

“Phận những người làm dưa lang bạt, nay đây mai đó, cả năm chỉ tranh thủ được ở nhà được vài ngày. Với 30 sào thì tiền thuê đất đã là 45 triệu đồng, tiền thuê máy cày xới đất, rồi còn nhân công, phân giống… Tính ra mỗi vụ sơ sơ khoảng 200 triệu đồng. Trời thương, được mùa được giá thì lời 60,70 triệu đồng, cả nhà ấm no. Còn xui xẻo thì đổ nợ, ít tầm 30- 40 triệu đồng, nhiều thì hàng trăm triệu đồng”, ông Lai rít điếu thuốc kể.

Khi thời tiết diễn biến thất thường thì cuộc mưu sinh trên những cánh đồng dưa lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. “Cách đây mấy năm, tôi cùng nhiều nông dân khác cũng đi thuê đất, dưa gần thu hoạch thì gặp phải mưa lớn, nước ngập ruộng, năm đó hư hại nặng”, ông Lai nhớ lại.

“Du mục” trồng dưa - ảnh 3

Ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Chương cho biết: “Cứ sau Tết, những người chuyên trồng dưa hấu ở địa phương lại tiếp tục cuộc hành trình “du canh” trên những vùng đất khác. Cuộc sống tha hương có phần cơ cực, nhưng đối với những người nông dân “du mục” này thì chuyện đi xa thuê đất để trồng dưa đã được xem như một cái nghề nuôi sống cả gia đình”

Nông dân “du mục”

Xã Bình Chương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) là nơi nổi tiếng với nghề trồng dưa theo kiểu du mục. Hàng trăm hộ dân quê Bình Chương dựng lều bạt trồng dưa lưu động trên bãi bồi ven sông Trà và khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên để mưu sinh. Trong nhiều ngôi làng, chỉ còn bóng dáng của người già và con nít.

Để không lãng phí thời gian, khi ruộng dưa ở nơi này đang chuẩn bị thu hoạch thì người trồng dưa đã “tranh thủ” tìm thuê đất nơi khác cho vụ sau. Như vậy, trong một năm, họ di chuyển từ 2- 3 lần đến các địa phương khác để mướn đất trồng dưa. “Tính ra một năm tụi tui ăn, ngủ ngoài đồng còn nhiều hơn ở nhà mình”, một anh nông dân nói vui.

Cây dưa hấu chỉ sinh sôi trên những vùng đất mới. Và người trồng dưa phải chấp nhận nay đây mai đó. Trung bình một năm có 4 vụ dưa, từ đầu tháng 1 đến tháng 6 làm ở Quảng Ngãi 2 vụ; từ tháng 6 đến tháng 9 chuyển vô Phú Yên làm 1 vụ; từ tháng 9 đến tháng 12 chuyển vô Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng… làm 1 vụ nữa. Thậm chí có người còn vào các tỉnh Tây Nam Bộ tìm đất trồng dưa.

“Nghề này lang bạt, một năm chỉ vài tháng ở nhà, con cái phải gửi ông bà trông coi giúp. Được mùa thì không sao, còn mất mùa thì hết đường về nhà luôn. Tôi cũng trồng 30 sào dưa ở bãi sông Trà này”, bà Võ Thị Lành ở xã Bình Chương, huyện Bình Sơn chia sẻ.

“Du mục” trồng dưa - ảnh 4

Bà Lành đang tỉa bớt ngọn dưa

Theo bà Lành, đối với người trồng dưa, nhìn dưa hấu cho trái lớn nhanh là mừng lắm, ham lắm. Còn việc lời, lỗ từ nghề trồng dưa là con số khó có thể nói trước điều gì. Bởi giá dưa hấu lúc tụt xuống thấp nhất là 500 đồng/kg, lúc lên cao thì được thu mua tại ruộng lên đến 12.000 đồng/kg. Năm 2019, giá dưa lên cao và được xem như ở đỉnh, làng dưa vì vậy trở lên nhộn nhịp. Các tiểu thương bắt đầu tới, lui, hẹn hò với một cục tiền cọc 30 - 50 triệu đồng để giữ mối thu mua.

Dưa có đặc tính lớn rất nhanh, nếu như sáng hôm qua chỉ tầm nắm tay thì sáng hôm nay đã hơn gấp đôi. Những lúc giá dưa đang lên, nhìn dưa lớn nhanh như thổi, ai cũng hào hứng. nhưng ngược lại, khi giá tụt sâu, người trồng lại mong dưa chậm lớn, đợi thị trường khả quan hơn.

“Giá dưa phải trên 5.000 đồng/kg mới có lời, còn dưới đó là hòa vốn với lỗ. Mình chỉ mong giá ổn định ở mức 6.000- .7000 đồng/kg, vậy là đủ ăn rồi, đủ vui rồi. Còn như vài ngàn đồng, thậm chí vài trăm đồng thì lỗ chổng vó, cuối vụ không đủ trả nợ. Nghề bấp bênh may rủi nên tới đời tôi thôi, 2 đứa con nhất quyết không cho đứa nào làm dưa”, bà Lành cho hay.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc