Độc đáo sản phẩm từ mo cau của phụ nữ xứ Tiên

KHÁNH CHI

VHO - Từ ước mơ giữ lại ký ức thơ ấu với các vật dụng chế biến từ mo cau, một nhóm chị em ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước - vùng đất được biết đến với danh xưng “thủ phủ cau” ở Quảng Nam đã cùng góp vốn, thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mo cau.

Độc đáo sản phẩm từ mo cau của phụ nữ xứ Tiên - ảnh 1

Chị em phụ nữ HTX Cau Xanh Đất Quảng giới thiệu các sản phẩm thủ công chế tác từ mo cau

 Hợp tác xã Cau Xanh Đất Quảng chính thức được thành lập vào năm 2023 với sự chung tay, góp vốn của 22 chị em xã Tiên Cảnh, đến nay đã dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường hàng thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm chế tác từ mo cau Tiên Phước chất lượng, đa dạng về mẫu mã, thân thiện với môi trường.

Không chỉ hướng tới mục tiêu giảm thiểu phát thải, tạo công ăn việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần hạn chế tác hại vào rừng và bảo vệ rừng, đặc biệt hơn, thành công ban đầu này đã tạo động lực, tôn vinh giá trị của nguồn nguyên liệu bản địa, góp phần bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa làng nghề truyền thống của địa phương.

Những ngày đầu, các chị em trong nhóm đến tận nhà các cô chú lớn tuổi trong làng để nhờ làm mẫu một số vật dụng bằng mo cau như ngày xưa. Từ ý tưởng đó, họ mời các nghệ nhân đến cùng tìm cách sáng tạo từ sơ chế nguyên liệu, đến thiết kế mẫu sản phẩm trên tinh thần giữ dấu ấn truyền thống của địa phương nhưng vẫn phù hợp với xu thế của người tiêu dùng đương đại. Qua nhiều lần nghiên cứu, mày mò, luyện tập, nhóm đã cho ra đời nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo và đa dạng từ mo cau.

Cơ duyên giúp nhóm tiếp cận với Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ đã mang đến cơ hội để sản phẩm mo cau ghi dấu ấn trên thị trường.

Chị Võ Thị Thu Thôi, Giám đốc HTX Cau Xanh Đất Quảng chia sẻ, trong ký ức của chị cũng như nhiều người dân quê mình, Tiên Phước là vùng đất được biết đến danh xưng “thủ phủ cau”. Từ những chiếc mo cau, người dân đã chế tạo nên nhiều vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, những đồ dùng từ mo cau không đủ sức cạnh tranh và cũng không còn được ưa chuộng so với những món đồ bằng nhựa tiện lợi, mẫu mã đa dạng.

Độc đáo sản phẩm từ mo cau của phụ nữ xứ Tiên - ảnh 2

 Các chị em phụ nữ giới thiệu, trình diễn các sản phẩm từ mo cau

Từ một tổ hợp tác phát triển nghề làm mo cau mỹ nghệ do các chị em phụ nữ chung tay gây dựng, tranh thủ chế tác vào những lúc rảnh rỗi để có thêm thu nhập, giữ nghề xưa, 22 xã viên HTX Cau Xanh Đất Quảng đã từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm. Đến nay các chị đã có trên 25 sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo.

Hiện HTX có trên 40 lao động lành nghề, được đào tạo liên tục nhằm nâng cao kỹ thuật chế tác. Nguồn nguyên liệu bền vững, dồi dào ngay tại địa phương đã đáp ứng kịp thời và đầy đủ số lượng sản phẩm cho khách hàng. Quy trình sản xuất và trang thiết bị luôn đảm bảo tiêu chí thân thiện với môi trường, ứng dụng từ khâu sơ chế nguyên liệu đến hoàn thiện sản phẩm. Những chiếc mo cau qua bàn tay khéo léo, sáng tạo của các chị em đã trở thành túi xách, đôi dép, bông hoa, đĩa, tô, chén, khay đựng trầu cau, giỏ đựng trái cây, bình hoa… rất được khách hàng ưa chuộng.

Chị Thu Thôi nhớ lại: Lúc mới “bén duyên” với nghề, nhiều cô chú lớn tuổi thắc mắc không hiểu các chị đi thu gom mo cau rụng để làm chi mà nhiều rứa. Cứ khoảng tháng 3, tháng 8, các chị lại thu gom mo cau, trữ lại để mùa mưa sản xuất. Mo cau khô được ngâm nước cho mềm, xé sợi, phơi, sấy rồi đan thành sản phẩm, sau đó được sấy khô và xử lý bằng keo sữa sinh học để có độ bền cao, không bị nấm mốc.

Điều vui hơn nữa là các chị có cơ hội tham gia trình diễn, chế tác và giới thiệu sản phẩm từ mo cau của mình tại các kỳ hội làng, hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Thậm chí, họ còn có cơ hội tham gia các diễn đàn, hội chợ du lịch xanh trong và ngoài nước. Mỗi lần tham gia, gian hàng của các chị luôn thu hút sự quan tâm, thích thú của người dân, du khách bởi chất lượng sản phẩm, thẩm mỹ và thân thiện môi trường.

Khi tham gia Chương trình giao lưu “Phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” tổ chức tại Quảng Nam tháng 3.2024, những sản phẩm từ mo cau của HTX Cau Xanh Đất Quảng mang lại nhiều cảm hứng để động viên, khuyến khích các chị em phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp sáng tạo.

Chị Thu Thôi chia sẻ: Tôi mong muốn truyền tải năng lượng và tinh thần không ngại khó đến tất cả chị em phụ nữ. Đồng thời mong muốn mô hình sản xuất sản phẩm từ mo cau sẽ được lan rộng trên khắp các vùng quê, góp phần tạo công ăn việc làm bền vững cho bà con nông dân. Hy vọng, trong thời gian tới, nếu triển khai những hoạt động, sinh kế cho chị em phụ nữ khuyết tật, HTX sẽ cố gắng chung tay hỗ trợ và hợp tác thông qua đào tạo nghề cũng như kết nối đầu ra sản phẩm để chị em có thêm việc làm, thu nhập bền vững, cải thiện đời sống kinh tế gia đình.

Trước mắt, HTX sẽ nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất, giúp cho nhiều người khuyết tật và những người lầm lỡ sau khi cai nghiện ma túy trở về địa phương có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng và không bị kỳ thị.n

 Toàn huyện Tiên Phước có khoảng 1.000 ha diện tích trồng cau. Sản lượng mỗi năm đạt 2.600 tấn quả tươi cùng 2 triệu chiếc mo cau. Giá trị thu nhập từ quả cau và sản phẩm phụ đạt 100-150 tỉ đồng/năm toàn huyện. Những năm qua, diện tích trồng cau của địa phương không ngừng phát triển mang lại nguồn thu nhập ổn định và tạo sinh kế cho người dân. Không chỉ được xác định là cây xóa đói giảm nghèo, mà cùng với hệ sinh thái của địa phương, cây cau còn có giá trị về mặt cảnh quan giúp Tiên Phước hình thành những sản phẩm du lịch cộng đồng.