Thủ công mỹ nghệ ASEAN gắn với bảo vệ môi trường
VHO - Ngày 19.12 tại tỉnh Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề Thủ công mỹ nghệ ASEAN gắn với bảo vệ môi trường. Trưng bày gần 150 bức ảnh giới thiệu về lịch sử hình thành và xu hướng phát triển gắn với nguồn nguyên liệu tự nhiên để bảo vệ môi trường.
Các đại biểu bấm nút khai trương hệ thống thuyết minh điện tử
Trưng bày nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 63 năm thành lập Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19.12.1960 – 19.12.2023), đồng thời là hoạt động hưởng ứng Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN giai đoạn 2021 - 2025.
Dự chương trình có đại diện lãnh đạo Bộ VHTTDL; các sở, ngành và đông đảo học sinh, sinh viên một số nước ASEAN đang nghiên cứu, học tập trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Các đại biểu tham quan trưng bày
Bà Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết, trưng bày chuyên đề là một trong những hoạt động thường xuyên của bảo tàng, nhằm tạo sự đổi mới, hấp dẫn đối với công chúng tham quan. Bảo tàng đã giới thiệu nhiều chuyên đề với nội dung phong phú, đa dạng, góp phần mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, giáo dục công chúng.
Hoạt động trải nghiệm thực tế
Trưng bày chuyên đề có gần 150 bức ảnh giới thiệu về lịch sử hình thành và xu hướng phát triển gắn với nguồn nguyên liệu tự nhiên để bảo vệ môi trường của thủ công mỹ nghệ ASEAN trong nghề dệt vải và nghề thủ công đan lát. Bên cạnh không gian trưng bày, còn diễn ra một số hoạt động trải nghiệm thực tế như: Vẽ Batic, in hoa văn trên vải bằng sáp ong, thêu hoa văn trên vải, đan lát mũ rơm và các vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày…
Đây là nỗ lực với mong muốn giúp du khách trong nước và quốc tế hiểu sâu hơn về các làng nghề thủ công mỹ nghệ của các quốc gia ASEAN, tăng cường sự hiểu biết, đối thoại, giao lưu văn hóa, quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực phấn đấu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2025.
Nhân dịp này, Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam cũng khai trương ứng dụng phần mềm thuyết minh trưng bày nhằm cung cấp cho khách tham quan một phương thức tiếp cận mới trong quá trình khám phá văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Bảo tàng. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của các bảo tàng trong nước và quốc tế hiện nay đối với việc ứng dụng công nghệ Cách mạng công nghiệp 4.0. Với mô hình này, du khách có thể chủ động và dễ dàng truy cập để tìm hiểu nội dung thuyết minh theo lộ trình tham quan các khu vực trong nhà và ngoài trời của Bảo tàng.
Thủ công mỹ nghệ là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân ASEAN, tạo ra sự kết nối mạnh mẽ giữa nghệ nhân với nghệ sĩ sáng tạo, giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, góp phần bảo đảm sinh kế cho nghệ nhân cũng như cộng đồng; hướng tới phát triển bền vững KT - XH của các địa phương, các quốc gia thành viên ASEAN.
NGUYÊN LONG