Điện mặt trời, ai bán ai mua...

VIỆT TÚ

VHO - Mùa hè nóng nực đi cùng nỗi lo tiền điện. Trong khi Chính phủ khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, nhưng ngành điện lại dự kiến chỉ mua sản lượng dư thừa với giá 0 đồng.

Điện mặt trời, ai bán ai mua... - ảnh 1

 Điện mặt trời mái nhà dự kiến chỉ mua sản lượng dư thừa với giá 0 đồng. Ảnh: NGHĨA TUẤN

 Những câu hỏi được đặt ra là: Điện mặt trời mái nhà có được đấu nối vào lưới điện quốc gia không, mua bán với giá bao nhiêu hay chỉ là 0 đồng?

Lý giải từ cơ quan quản lý nhà nước

Tại hội thảo tham vấn kỹ thuật Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu do Bộ Công thương tổ chức mới đây, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, hiện Bộ Công thương đang nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo nghị định về điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Đáng chú ý, theo ông Bảo, dự thảo nghị định quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mái nhà mặt trời tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia. Trường hợp lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng. Cũng chính ở điểm này đã khiến dư luận băn khoăn, 0 đồng thì ai bán làm gì. Theo Bộ Công thương, tính đến thời điểm hiện tại, công suất của điện mặt trời mái nhà khoảng 7.660 MWAC, chiếm hơn 9% tổng công suất đặt, và đạt gần 4% sản lượng điện trong hệ thống điện quốc gia. Trong những thời điểm tiềm năng bức xạ tăng cao, công suất điện mặt trời mái nhà có nguy cơ vượt quá khả năng hấp thụ của lưới điện khu vực. Do đó, để ổn định nguồn cung cấp điện, sẽ phải đầu tư các nguồn lưu trữ phù hợp, hiện giá thành đang giảm nhưng vẫn còn khá cao, dẫn đến khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện.

Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước còn cho rằng mua điện giá 0 đồng là để ngăn trục lợi chính sách trong bối cảnh điện mặt trời áp mái tăng đột biến sau các chính sách khuyến khích phát triển. Đó là lý giải từ phía cơ quan quản lý nhà nước, trong khi thực tế vẫn đang ám ảnh thiếu điện và người dân vẫn phải chi trả giá điện sinh hoạt cao. Và liệu đề xuất “0 đồng” có ngăn được trục lợi chính sách? Mà nếu xác định có trục lợi chính sách thì sao không đề xuất các cơ quan chức năng vào cuộc, ngăn chặn, thậm chí là xử lý?

Khuyến khích đầu tư và nguyên tắc thị trường

Với đề xuất của Bộ Công thương về việc mua điện mặt trời mái nhà với giá 0 đồng, cần phải nói ngay rằng, mua - bán là hợp đồng kinh tế, mỗi bên có quyền đưa ra yêu cầu của mình. Thế nhưng, đặt trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, trong khi điện là mặt hàng cực kỳ thiết yếu thì nó sẽ tác động sâu rộng cả nền kinh tế.

Báo cáo giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 10.2023) về phát triển năng lượng 2016-2021, nêu: Nhiều tồn tại trong phát triển năng lượng khiến mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia đối mặt nhiều thách thức. Nguy cơ thiếu điện còn có thể kéo dài trong ngắn, trung và dài hạn tới 2050. Thực tế, thiếu điện đã diễn ra nhiều năm, nhưng thiếu điện mà không muốn mua điện từ nguồn sản xuất sạch trong nước (ở đây là điện mặt trời áp mái) lại càng khó hiểu. Cũng cần nhắc lại, trong một cuộc hội thảo quốc tế vào cuối năm 2022 diễn ra tại Việt Nam, các nhà khoa học về năng lượng của quốc tế chỉ ra rằng, sản xuất điện từ gió và năng lượng mặt trời là rẻ nhất. Lần lượt chỉ khoảng 53 USD/MW giờ và 68 USD/MW giờ, rẻ hơn cả sản xuất điện hạt nhân. Lợi thế của 2 loại điện này ngày càng cao nên nó là con đường ưu tiên để phát triển năng lượng của các quốc gia.

Như vậy, những thuận lợi này chưa được khai thác tốt cho dù về mặt chủ trương thì luôn khuyến khích (thể hiện rõ nhất trong Quy hoạch điện VIII). Chính sách phát triển điện mặt trời, điện gió đã được đưa ra từ những cơ quan cao nhất của Chính phủ thì cần sớm hoàn thiện để tăng cường điện năng cho đất nước, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Dự án nào sai phạm phải xử lý. Không thể vì lo ngại mà làm giảm đi những nguồn lợi mà người dân có quyền hưởng thụ, quốc gia được lợi ích. Nói như TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, việc dự kiến không thể bán điện dư thừa, hay theo đề xuất mới là chỉ ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán sẽ dẫn đến không hiệu quả khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời. Nếu mua với giá 0 đồng, khó có thể khuyến khích đầu tư. “Nếu sản lượng điện dư từ hệ thống điện mặt trời được bán lên lưới, sẽ có lợi cho nền kinh tế, có thể giúp giá điện bán lẻ rẻ hơn”, theo ông Lâm.

Tương tự, ông Phan Công Tiến, chuyên gia về năng lượng, cho rằng nếu mua giá 0 đồng, nhà đầu tư điện mặt trời sẽ bị mất một phần sản lượng khi nối lưới. Người dân khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đều mong muốn bán một phần dư thừa cho ngành điện để thu hồi vốn, tránh lãng phí nguồn điện. Nếu bên mua với giá 0 đồng sẽ không khuyến khích đầu tư như mục tiêu của chính sách. Còn theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà nhưng không được bán cho cá nhân, tổ chức khác hoặc bán lên lưới với giá 0 đồng là đi ngược nguyên tắc thị trường. “Chúng ta xây dựng cơ chế khuyến khích, nhưng cơ chế đưa ra đã đạt được mục tiêu đó hay chưa?”, ông Việt nói. 

 Thủy điện, điện gió, điện mặt trời là nguồn điện năng tái tạo Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tổng công suất thủy điện của nước ta vào khoảng 35.000MW, phân bổ phần lớn ở khu vực phía Bắc, Tây Nguyên. Tiềm năng thủy điện có thể khai thác một cách khả thi là 26.000MW, tương ứng với gần 970 dự án, hằng năm có thể sản xuất khoảng hơn 100 tỉ kWh. Hiện nay, đang có khoảng gần 400 dự án thủy điện đang hoạt động. Về điện gió, bờ biển dài hơn 3.000 km và nhiều hải đảo với vận tốc gió thổi trung bình quanh năm từ 5m/s trở lên.

Trên đất liền, Việt Nam có thể phát triển khoảng 27GW điện gió, tương ứng với tốc độ gió trung bình từ 5,5 đến 7,3m/s. Theo nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo Việt Nam, tiềm năng năng lượng gió ở độ cao 80m trên biển với tốc độ gió 8m/s là 1,3 nghìn GW. Về điện mặt trời, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn. Bản đồ bức xạ mặt trời Việt Nam do 3 viện nghiên cứu hàng đầu của Tây Ban Nha là CIEMAT, CENER, IDEA lập dựa trên cơ sở số liệu của 171 trạm đo khí tượng thủy văn của Việt Nam đo số giờ nắng trong 30 năm, cơ sở dữ liệu ảnh vệ tinh trong 5 năm và dữ liệu của 12 trạm đo khí tượng thủy văn tự động trong 2 năm, cho thấy việc thuận lợi phát triển điện mặt trời ở nhiều vùng trên cả nước.

Cường độ bức xạ mặt trời dao động từ 897 - 2108 kWh/m2/năm, tương đương 2,46 và 5,77 kWh/m2/ngày. Cường độ bức xạ cao nhất tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ như Đắk Lắk, Gia Lai, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh và Bình Phước.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc