Cần quản lý rượu bia như quản lý chất gây nghiện

VHO-Rượu bia cũng là chất gây nghiện và gây hậu quả nặng nề cho gia đình, xã hội nhưng rượu bia lại không được quản lý như các loại thuốc gây nghiện - chỉ mua được khi có kê đơn của bác sĩ; hay ma tuý là chất cấm... Hiện nay việc sản xuất, mua bán rượu bia không được quản lý chặt chẽ, ai cũng có thể mua được, ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào.

Cần quản lý rượu bia như quản lý chất gây nghiện - Anh 1

Rượu bia là chất gây nghiện nhưng luôn sẵn có và không được quản lý chặt chẽ

Mua rượu bia dễ như mua rau

Với một bên mắt không bình thường, chị Dương Thị C. (50 tuổi, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) cho biết, sau ba tháng nằm viện, bác sĩ đã không cứu được một con mắt của chị, mà chỉ còn chức năng “thẩm mỹ”.  Chính người chồng sau khi uống rượu say đánh chị, đã khiến chị ra nông nỗi này . Suốt từ năm 2005, kể từ ngày kinh tế gia đình có dấu hiệu đi xuống, chồng chị đã lao vào uống rượu và thay vì chăm chỉ làm ăn, anh ta lại đánh đập vợ hằng ngày. Thậm chí, chị C. phải trốn ra chuồng lợn để ngủ nhưng anh ta cũng không tha. Vì không muốn bốn người con của mình không có bố nên chị đã nhẫn nhục, chịu đựng suốt 14 năm qua, nhưng cuối cùng sức khoẻ chị C. ngày càng đi xuống nên đã đưa các con của mình về ở nhờ nhà bố mẹ đẻ. Chị mong muốn cộng đồng cùng lên tiếng với nạn rượu bia, và mong chính quyền địa phương giúp mẹ con chị được yên ổn, không còn bị người chồng gây gổ, đánh đập nữa.

Chị Dương Thị C. chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân bạo lực gia đình có nguyên nhân từ người chồng uống rượu bia. Bác sĩ Đinh Hồng Tảo (xã Thanh Hải) chia sẻ, với công việc của mình, ông điều trị cho nhiều bệnh nhân bị mắc bệnh tiêu hoá, rối loạn tâm thần... và đề nghị bệnh nhân phải cai rượu, nhưng chỉ cai được 1 – 2 ngày lại đâu vào đấy. “Chính phủ đã đề ra quy định và giấy phép về việc bán, kinh doanh rượu bia nhưng chưa quản lý chặt chẽ, chưa có chế tài xử phạt với những người vi phạm. Chính quyền xã cũng chỉ có biện pháp xây dựng hương ước trong thôn chứ không xử phạt được. Bên cạnh đó, ở xã ai cũng mua rượu được, một cháu bé vài tuổi được ông đưa tiền bảo đi mua rượu là mua được. Mua rượu dễ như mua rau, chỉ cần có tiền ai cũng mua được”, bác sĩ Tảo nói.

Tình trạng bia rượu được lưu thông như mọi hàng hoá khác, luôn sẵn có, dễ tiếp cận  là hiện trạng không chỉ ở xã Thanh Hải mà hầu hết ở khắp mọi nơi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sản phẩm rượu bia luôn sẵn có với đủ dạng, giá cả, nguồn gốc, sản xuất trong nước, nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, xách tay... Bất cứ địa điểm nảo, cơ sở nào cũng bán rượu bia, từ quán rượu, siêu thị cửa hàng tạp hoá, khách sạn, cửa hàng giải khát, tới quán nước vỉa hè; thậm chí căng tin của các cơ quan, doanh nghiệp cũng có. Trong khi đó, thời gian bán, số lượng bán để uống tại chỗ không bị hạn chế, trẻ em mua và uống rượu, bia vẫn diễn ra; và người bán không có hành động cảnh báo hoặc từ chối bán cho trẻ em...

Rượu bia là chất gây nghiện

Theo các bác sĩ của Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), rượu bia có chứa cồn, tên hoá học là ethanol (C2H5OH) là một chất gây nghiện làm ức chế hoạt động của não bộ và hệ thống thần kinh trung ương. Với đa số, uống một lượng nhỏ rượu, bia không gây ra tác hại gì đáng kể, nhưng nếu uống nhiều rượu, bia thường xuyên sẽ gây ra các vấn đề về sức khoẻ cá nhân và quan hệ xã hội.

Tuy nhiên, một nghịch lý là tốc độ tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam tăng với tốc độ phi mã, sản lượng rượu, bia tăng vượt mọi dự đoán. Theo bà Trần Xuân Hằng (Ban soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia - Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho biết, mục tiêu của ngành sản xuất rượu bia năm 2020 là 4,1 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu, mục tiêu năm 2025 là 4,6 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu. Nhưng thực tế năm 2017 đã hoàn thành mục tiêu trước 3 năm với 4,1 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu; năm 2018 sản lượng vượt cả dự báo của năm 2025 với 4,67 tỷ lít bia và 350 triệu lít rượu. Tình hình tiêu thụ rượu bia được tạp chí Fobes dẫn báo cáo nghiên cứu của Tạp chí Y khoa (Anh) thực hiện tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 – 2017, cho thấy Việt Nam là một trong những nước có tỷ trọng tiêu thụ có xu hướng tăng nhanh. Theo báo cáo này, trong 7 năm tốc độ tăng tiêu thụ rượu tại Việt Nam lên tới 90%. “Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia – một công cụ pháp lý quan trọng trong việc kiểm soát, quản lý việc tiêu thụ rượu bia lại đang bị làm yếu đi. Những chế tài mạnh như việc cấm bán rượu bia trên internet, quảng cáo, tài trợ rượu bia, kiểm soát đồ uống đã được thay thế bằng những quy định theo hướng có lợi cho doanh nghiệp”, bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng  - Trưởng ban điều phối viên của Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) chia sẻ.

Trước thực trạng này, cùng với việc Chính phủ dự kiến sẽ trình dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, NCDs-VN đã tổ chức hội thảo và kiến nghị một số vấn đề xung quanh dự thảo này. Bản kiến nghị nêu rõ, sau một năm Bộ Y tế tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo thì tại bản dự thảo lần 5 mới đây có nội dung ngày càng xa rời các nguyên tắc khoa học quản lý rượu bia và các loại đồ uống có cồn nói chung. Đây là những chất gây nghiện, gây ung thư, gây ngộ độc cấp thần kinh trung ương, gây ngộ độc mạn tính sa sút trí tuệ, thoái hoá nhân cách, cùng nhiều bệnh tật phát sinh. Vì vậy, ông Trần Tuấn cho rằng, toàn hệ thống chính trị cần phải đặt quyết tâm và chỉ đạo ra được dự luật Phòng chống tác hại của rượu bia trên cơ sở các thành tựu khoa học quốc tế về chất gây nghiện, đặc biệt là khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học y tế cộng đồng. “Khi dự Luật chưa được thông qua là kéo dài tình trạng không có luật rượu bia ở Việt Nam. Hoặc có Luật nhưng không đủ mạnh thì công các phòng chống tác hại của rượu bia chỉ là hình thức, và thực chất vẫn là theo hướng thúc đẩy sự tiêu thụ rượu bia hơn nữa, tạo sự thuận tiện cho việc độc chiếm thị trường của các tổ hợp rượu bia quốc tế”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Quỳnh Hoa

Ý kiến bạn đọc