Nhiều địa phương cho học sinh trở lại trường từ đầu tháng 11

VHO- TP.HCM và một số địa phương đang ráo riết đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, vệ sinh trường lớp để đón học sinh quay lại học trực tiếp. Trước đó, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và có ý kiến thống nhất từ Bộ Y tế, các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 có thể tổ chức dạy học trực tiếp. Hiện nhiều tỉnh thành trên cả nước đang sẵn sàng các điều kiện đón học sinh ngay từ đầu tháng 11 này.

Nhiều địa phương cho học sinh trở lại trường từ đầu tháng 11 - Anh 1

 Học sinh xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã trở lại trường từ ngày 20.10

 Nhiều trường học bàn giao lại cho ngành Giáo dục

Tại tỉnh Bình Dương, học sinh các địa phương sẽ trở lại trường học trực tiếp vào tháng 11 sau 2 tháng học trực tuyến. Theo dự kiến, các địa bàn “vùng xanh” như huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên sẽ triển khai trước. Trong khi chờ quyết định chính thức, các địa phương này đang khẩn trương chuẩn bị trường lớp sạch sẽ, an toàn đón học sinh trở lại. Trước đó, toàn tỉnh có gần 200 trường học các cấp được trưng dụng cho công tác phòng, chống Covid-19. Tại huyện Dầu Tiếng, 22 trường học các cấp đã được bàn giao lại cho ngành Giáo dục từ ngày 30.9. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Dầu Tiếng cho hay, chậm nhất đến ngày 30.10, tất cả các trường phải được sửa chữa xong để đón học sinh trở lại. Trong khi đó, huyện Bàu Bàng vẫn còn 2 “vùng vàng” là khu phố Bàu Bàng và Đồng Sổ của thị trấn Lai Uyên. Do đó, ngành GD&ĐT huyện đã xây dựng các phương án phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh của địa phương. Đối với huyện Bắc Tân Uyên, ngành GD&ĐT huyện này cũng đã chủ động các bước để đáp ứng việc tổ chức dạy học trực tiếp khi có quyết định chính thức của tỉnh…

Tại Đà Nẵng, học sinh cơ bản sẽ đi học lại từ 1.11. Trước đó, TP Đà Nẵng tổ chức thí điểm cho học sinh phổ thông trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang đi học từ ngày 18.10 và học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn sẽ đi học từ ngày 25.10. Các cấp học khác trên địa bàn toàn thành phố, về cơ bản sẽ đi học lại từ ngày 1.11.

Tương tự, tỉnh Bạc Liêu cũng dự kiến đầu tháng 11 học sinh các cấp sẽ trở lại trường học. Theo Giám đốc Sở Giáo dục Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang, tỉnh dự kiến cho học sinh học trực tiếp từ ngày 4.10, nhưng thời điểm này có nhiều người tự phát về quê, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 trưng dụng các trường học làm khu cách ly tập trung nên tạm thời lùi thời gian học tập trung theo kế hoạch. Khả năng thời gian học trực tiếp sẽ vào đầu tháng 11.

Tính đến nay, trong số hơn 700 cơ sở giáo dục được trưng dụng làm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, đã có 234 trường học được bàn giao về cho ngành Giáo dục. Lộ trình bàn giao trường học đang được tiếp tục tiến hành, trong đó một số địa phương như Quận 3, Quận 8 có 100% đơn vị trường học đã được bàn giao lại, các khu vực khác sẽ “cuốn chiếu” dần để các trường đang tổ chức vệ sinh, sắp xếp trang thiết bị. Trước đó, ngày 20.10, gần 250 học sinh khối 1, 2, 6, 9 và 12 của Trường tiểu học Thạnh An và Trường THCS-THPT Thạnh An (Cần Giờ, TP.HCM) đã được đi học trở lại.

Kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường

Nhằm đánh giá mức độ an toàn trường học, UBND TP.HCM cũng vừa có quyết định ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục. Theo đó, trải qua 4 lần trình điều chỉnh, tiếp thu góp ý, Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học chính thức ban hành với 10 tiêu chí thành phần. Trong đó, ở tiêu chí 1, giáo viên, cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp tại cơ sở giáo dục phải có mã QR xanh thể hiện lịch sử tiêm chủng. Trường hợp không có mã QR xanh thì phải xuất trình giấy tờ như: Người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; đã tiêm chủng đủ liều vắc xin; đã tiêm mũi 1 ít nhất 14 ngày sau tiêm. Ở tiêu chí 2, số lượng trẻ em, giáo viên, cán bộ, nhân viên tập trung tối đa trong một thời điểm tại cơ sở giáo dục phải đáp ứng tiêu chí số nhóm, lớp và số trẻ trong mỗi nhóm, lớp theo quy định của ngành giáo dục…

Như vậy, so với dự thảo Bộ tiêu chí an toàn trường học lần thứ 4, tiêu chí về số lượng trẻ em, học sinh tập trung tối đa trong một thời điểm đã được điều chỉnh từ 50% theo quy định thành số lượng tối đa học sinh ở mỗi cấp học… Đối với tiêu chí thứ 3, khoảng cách trẻ em, học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên trong phòng chăm sóc, giáo dục trẻ, phòng làm việc đảm bảo từ 1m trở lên và khoảng cách trẻ em, học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên ngoài phòng làm việc từ 2m trở lên được đánh giá đạt về yêu cầu khoảng cách… Bậc mầm non khuyến khích cơ sở giáo dục không hoạt động sau 16h30, các trường phổ thông được khuyến khích không tổ chức hoạt động nội trú.

Mới đây, Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn đề nghị các địa phương căn cứ vào đánh giá, phân loại xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn phường/xã, cấp huyện, cấp tỉnh/thành phố để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, phổ thông và GDTX cho phù hợp. Nguyên tắc đặt ra là nơi nào kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập và đảm bảo các biện pháp an toàn. Đồng thời vẫn phải củng cố hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học khác khi dịch có diễn biến phức tạp lên. Những nơi được xác định dịch cấp độ 3 (nguy cơ cao) tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, qua truyền hình.

Các địa phương xây dựng phương án dạy học cho từng lớp, khối lớp, cấp học phổ thông. Trong đó ưu tiên dạy trực tiếp với lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12, đảm bảo giãn cách phù hợp với cơ sở vật chất và điều kiện phòng chống dịch. Những nơi được xác định cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và tiến độ triển khai kế hoạch năm học để tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tập với cấp học mầm non, phổ thông… 

ANH HUY

Ý kiến bạn đọc