Người thầy “truyền lửa” cho âm nhạc

VHO- “Chỉ có tình yêu âm nhạc mới mang đến cho học sinh những tiết học nghệ thuật hiệu quả, chất lượng”, đó là tâm niệm của nhạc sĩ trẻ Cao Tâm (SN 1980, giáo viên Trường THCS Trưng Vương) khi nói về quá trình “truyền lửa” âm nhạc trong trường học.

Người thầy “truyền lửa” cho âm nhạc - Anh 1

 Thầy Cao Tâm và các em học sinh

Người thầy của hàng trăm cô giáo

Không chỉ truyền cảm hứng cho học sinh, nhạc sĩ Cao Tâm còn là người đã dìu dắt, giúp đỡ hàng trăm giáo viên âm nhạc lấy lại kiến thức căn bản trong giảng dạy, để từ đó các cô có thể tự tin đứng trước học sinh thể hiện tài năng, nhiệt thuyết của mình. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, phải cách ly xã hội suốt một thời gian dài, thầy Cao Tâm đã mở lớp dạy online cho giáo viên âm nhạc, với mong muốn củng cố, nâng cao kiến thức cho các cô. Vốn chỉ dạy cho vui không mong cầu lợi ích, nhưng không ngờ lớp học đã thu hút khoảng 500 cô giáo dạy âm nhạc trên cả nước, có cả những người già 80 tuổi ở các địa phương như Huế, Đắk Lắk, Kon Tum, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Nội… Chính thầy Cao Tâm cũng bất ngờ khi các cô tham gia đông và nhiệt tình như vậy.

Bằng sự vô tư và nhiệt huyết, thầy tận tâm dạy các cô kiến thức âm nhạc từ đơn giản đến nâng cao, từ đệm hát, lý thuyết, hòa âm, đánh đàn, đến cách ngồi, cách biểu diễn, cách xếp ngón tay... làm sao để “nhắm mắt vẫn đánh đàn được”. Sau mỗi bài học, các cô quay video “trả bài” qua hình thức online và đều được đánh giá chất lượng đạt và tốt. Thầy chia sẻ: “Tôi nhận ra rất nhiều cô giáo bị hạn chế ở nghiệp vụ, thậm chí các cô còn không biết đệm đàn cho những bài nhạc đơn giản trong sách giáo khoa. Sự nhàm chán trong tiết học âm nhạc khiến các học sinh không thích và thay vì thấy âm nhạc hấp dẫn, các em lại có cái nhìn đối phó với tiết học nhạc”.

Lớp học đàn của thầy Cao Tâm đã chạm vào “điểm yếu” của đa phần các cô giáo dạy nhạc. Lúc nào các cô cũng thấy “sợ” cây đàn và tự ti với đồng nghiệp. Có cô tâm sự, từ khi tốt nghiệp ra trường và nhận công tác đến nay đã mười mấy năm, cô chưa bao giờ tiếp xúc với cây đàn của nhà trường, và cũng từng ấy năm bỏ cây đàn nằm im trong góc tối. Nhưng sau khi học lớp của thầy Tâm, cây đàn được “sống dậy”, cô đã có thể tự tin đánh đàn cho các em học sinh nghe, thậm chí vừa đàn vừa hát rất hay. Cô thấy yêu cây đàn, yêu trường lớp, yêu học sinh hơn, từ đó cô đã tạo nên những tiết học hay và cuốn hút.

Thầy Tâm cho biết, lớp học của thầy có 3 tiêu chí bắt buộc: Thứ nhất các cô phải đệm đàn được tất cả những bài hát trong sách giáo khoa; thứ hai là các cô phải về dạy kiến thức cho các em chứ không được giữ lại một mình; thứ ba là từ kiến thức này tạo giá trị xã hội, tạo thu nhập cho mình. Đó là những bài học mà thầy muốn truyền lại cho lớp.

Giáo dục học trò qua âm nhạc

Thực tế ở những tiết dạy âm nhạc trong trường học hiện nay, các cô giáo thường mở nhạc trên máy tính cho trẻ nghe và hát theo. Nhưng cách làm đó vô hình chung đã làm mất đi sự tương tác giữa cô và trò. Giáo viên dạy nhạc phải là người truyền cảm hứng cho học sinh qua âm nhạc, để các em biết yêu âm nhạc, tạo ra cảm xúc đẹp trong cuộc sống.

Sự thiếu sót kiến thức đã tạo nên sự tự ti, đồng thời dẫn đến nhiều cảm xúc tiêu cực trong công tác giảng dạy. Ngược lại, khi các cô giáo có sự tự tin vào nghiệp vụ thì các cô sẽ mở lòng hơn với học sinh, dồn tình cảm, tình yêu vào tiết học, tạo sự tương tác, cuốn hút và khác biệt thay vì chỉ rao giảng lý thuyết khô khan, nhàm chán.

Dạy ở Trường THCS Trưng Vương (Đà Nẵng) từ lớp 6 đến lớp 9, thầy Tâm nhận thấy 4 năm học lý thuyết âm nhạc là sự uổng phí với các em mà không mang lại lợi ích thiết thực, vì thế, thầy đã gom những em có năng khiếu vào các nhóm riêng như nhóm hát hay, nhóm chơi ghita, nhóm chơi piano, nhóm nhảy, nhóm thổi sáo… Vào giờ học, thầy cho các em mang nhạc cụ từ nhà tới lớp và biểu diễn, chỉ dạy lẫn nhau, “học thầy không tày học bạn”, các em tiến bộ rất nhanh và mỗi tiết học âm nhạc trở nên sôi nổi, hấp dẫn lạ kỳ.

Theo thầy Cao Tâm, từ lời ca điệu nhạc dẫn đến giáo dục là con đường rất gần gũi và nhanh chóng. Giảng lý thuyết dài và xa vời sẽ khiến các em khó nhớ hết, nhưng giai điệu âm nhạc sẽ đi rất sâu vào nội tâm, đặc biệt tác dụng với trẻ nhỏ. Nếu nội dung bài hát thể hiện tình yêu cha mẹ, yêu quê hương đất nước, thể hiện lòng biết ơn, đề cao điều hay lẽ phải… thì các em sẽ tự tư duy về chúng một cách chân thành. Đồng thời, khơi gợi lên tình yêu và sự say mê của học sinh đối với nghệ thuật, đó mới là mục đích cao đẹp nhất khi đưa âm nhạc vào học đường. Ngoài những hoạt động xã hội hữu ích, hiệu quả trên, thầy Cao Tâm còn có dự định sẽ phổ nhạc cho các bài thơ trong sách giáo khoa để cho các em dễ thuộc, dễ nhớ. “Bài thơ sẽ để nguyên và chỉ phổ nhạc, hoặc chỉ sửa một chút cho phù hợp, thay vì phải mở sách học thuộc thì các em sẽ tiếp cận và nhớ dễ dàng bằng âm nhạc”, thầy Tâm bày tỏ. 

 NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc