VTV ra mắt khung giờ phim truyền hình mới

NAM ANH

VHO - Từ ngày 17.2, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ ra mắt khung giờ phim mới vào lúc 20h các tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV3. Hai bộ phim được lựa chọn để "khai sóng" đến từ 2 đạo diễn là NSƯT Vũ Trường Khoa và Trịnh Lê Phong, với 2 phong cách kể chuyện khác biệt, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả truyền hình.

Chia sẻ tại họp báo ngày 12.2, Quyền Giám đốc Trung tâm Phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) Lê Mạnh cho biết, khung giờ buổi tối với đa dạng những chương trình giải trí, gameshow, ca nhạc, phim truyền hình từ lâu đã mang đến cho khán giả những món ăn tinh thần đặc sắc.

VTV ra mắt khung giờ phim truyền hình mới - ảnh 1
Hai đoàn làm phim "Cha tôi, người ở lại" và "Những chặng đường bụi bặm" tại họp báo ra mắt

Bên cạnh việc đầu tư vào nội dung, Đài Truyền hình Việt Nam cũng liên tục thực hiện khảo sát, nghiên cứu để điều chỉnh, sắp xếp khung sóng sao cho phù hợp với thói quen của khán giả.

Kể từ ngày 17.2, VTV sẽ cho ra mắt khung sóng mới đối với dòng phim truyền hình thời lượng 45 phút mỗi tập. Theo đó các bộ phim sẽ được phát sóng vào 20h các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV3.

Cũng theo ông Lê Mạnh, trên thực tế, đây cũng được coi là khung giờ vàng của phần lớn các đài truyền hình tại Việt Nam và quốc tế. Khung giờ mới được kỳ vọng sẽ giúp các bộ phim có thể tiếp cận được đông đảo khán giả truyền hình hơn.

Như vậy, trong một buổi tối, khán giả của VTV có thể xem phim từ 20h đến 20h45 trên kênh VTV3 và từ 21h00 đến 21h30 trên kênh VTV1.

VTV ra mắt khung giờ phim truyền hình mới - ảnh 2
Bộ phim "Cha tôi, người ở lại" với sự góp mặt của nhiều gương mặt diễn viên trẻ

Ở khung giờ 20h từ thứ 2 đến thứ 4, Cha tôi, người ở lại của đạo diễn, NSƯT Vũ Trường Khoa mang đến câu chuyện gia đình; nhìn qua tưởng quen thuộc nhưng lại được khai thác ở những khía cạnh mới lạ. Đó là gia đình có tới 2 ông bố cùng nuôi dưỡng 3 đứa con không cùng huyết thống nhưng ở đó lại đầy ắp yêu thương, ấm áp.

Ngược lại, những người thân ruột thịt của bọn trẻ lại lấy danh nghĩa người nhà để làm tổn thương, gây đau khổ cho chúng.

Bộ phim đem lại những thông điệp sâu sắc khi cắt nghĩa khái niệm: Thế nào là người nhà? Gia đình kết nối với nhau bằng huyết thống hay tình yêu thương chân thành?

Bên cạnh câu chuyện gia đình ấm áp, Cha tôi, người ở lại còn là hành trình trưởng thành của 3 người con ở hai thời kỳ: thời cấp 3 đáng yêu với tuyến truyện học đường tạo nên hơi thở thanh xuân; và thời trưởng thành với những màu sắc mới mẻ, tươi tắn, cuốn hút về tình yêu của người trẻ. Tất cả đã tạo thêm sự tươi sáng cho bộ phim và dễ dàng tiếp cận đến khán giả trẻ.

Trong phim, vai 2 ông bố được đảm nhiệm bởi NSƯT Bùi Như Lai và NSƯT Thái Sơn. Trong khi, 3 người con là Ngọc Huyền, Trần Nghĩa và Thái Vũ. Phim còn có sự góp mặt của nhiều cái tên đáng chú ý khác như Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, NSƯT Kiều Anh, Minh Tiệp, Trung ruồi...

VTV ra mắt khung giờ phim truyền hình mới - ảnh 3
Đình Tú và NSƯT Võ Hoài Nam trong bộ phim thể loại hành trình

Ở khung giờ 20h thứ 5 và thứ 6, sau thành công của Người một nhà, đạo diễn Trịnh Lê Phong thử sức với dòng phim hành trình cùng bộ phim có tên gọi Những chặng đường bụi bặm. Bộ phim là câu chuyện của 3 người đàn ông ở ba độ tuổi khác nhau, cùng bị đẩy đến bên lề cuộc sống.

Họ lên một chuyến xe muốn chạy trốn thế giới, nhưng đó lại là một hành trình cho họ niềm hy vọng và vun đắp một mái nhà chung.

Đó là một câu chuyện ấm áp của tình người rộng mở, sự lương thiện được chia sẻ và giá trị cốt lõi của cuộc sống được khẳng định.

Mỗi người, dù đã có lúc cùng đường, dù hết cơ hội, dù là kẻ bên lề, trong họ vẫn lấp lánh những khát khao bình dị; mong có cơ hội làm lại, sống tốt đẹp và được yêu thương.

Bộ phim còn là câu chuyện của những cung đường, những miền, không gian văn hóa đặc sắc và những số phận dù thiếu may mắn nhưng chưa bao giờ thiếu niềm hy vọng.

Một người đàn ông ra tù ở tuổi xế chiều (ông Nhân - NSƯT Võ Hoài Nam), một công tử thất thế (Nguyên - Đình Tú) và một thằng nhóc móc túi (Phỏm - bé Đức Phong) cùng nhau tạo nên một câu chuyện không drama, cũng chẳng có mấy yêu đương nhưng ấm áp, nhiều tiếng cười và gợi cả những suy tư về lẽ sống, đem đến góc nhìn tươi sáng tích cực về tình người trong xã hội.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc