Xã hội hóa phim truyền hình:
Giải bài toán chất lượng
VHO - Thời gian qua, sự xuất hiện và phát triển của nhiều hãng phim tư nhân đã thúc đẩy quá trình xã hội hóa phim truyền hình, tạo nên một thị trường sôi động. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, phim truyền hình xã hội hóa vẫn bộc lộ không ít hạn chế, đặc biệt là về chất lượng…
“Trồi sụt” thất thường
Xã hội hóa là xu thế tất yếu trong phát triển truyền hình, đặc biệt là phim truyền hình. Quy định về tỷ lệ phát sóng phim Việt so với phim nước ngoài trên kênh sóng truyền hình trong nước đã thúc đẩy các nhà đài mở rộng hợp tác sản xuất theo hướng xã hội hóa nhằm tăng thời lượng phát sóng. Đây cũng là giải pháp giúp các nhà làm phim có thời gian tái tạo sức sáng tạo trước khi bước vào dự án mới, tránh tư duy làm phim “ăn xổi ở thì” do áp lực sản xuất liên tục, ảnh hưởng đến chất lượng.
Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa đài truyền hình và đơn vị sản xuất tư nhân đã tạo bước đệm quan trọng cho các đạo diễn trẻ. Sau khi khẳng định tài năng ở lĩnh vực này, họ có thể tiếp tục phát triển hoặc chuyển hướng sang sản xuất các bộ phim truyền hình và điện ảnh quy mô hơn.
Thực tế, phim truyền hình xã hội hóa từng ghi dấu ấn mạnh mẽ khi “đánh bật” phim nước ngoài khỏi khung giờ vàng trên một số kênh sóng lớn. Những tác phẩm như: Cô gái xấu xí, Bỗng dưng muốn khóc, Lập trình cho trái tim… đã thành công vang dội, thu hút lượng khán giả đông đảo và từng “làm mưa làm gió” trên màn ảnh nhỏ.
Tuy nhiên, không phải bộ phim xã hội hóa nào cũng duy trì được chất lượng ổn định. Một số tác phẩm đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Năm 2011, Anh chàng vượt thời gian bị xem là “thảm họa” và buộc phải tạm dừng phát sóng. Gần đây, Đi giữa trời rực rỡ cũng khiến khán giả thất vọng khi càng về cuối, tình tiết trở nên khó hiểu, thiếu logic và kết phim bị cho là gượng ép để tạo cái kết “có hậu”. Điểm sáng hiếm hoi của bộ phim nằm ở những cảnh quay thiên nhiên tuyệt đẹp và phần nhạc phim ấn tượng.
Tương tự, bộ phim Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu phát sóng trên VTV3 cũng nhận về nhiều phản hồi tiêu cực. Tạo hình, ngoại hình và thần thái của các nhân vật bị đánh giá là không phù hợp với hình ảnh sinh viên, dù dàn diễn viên đã có kinh nghiệm diễn xuất. Ngoài ra, kịch bản, lời thoại, cách dàn dựng và bối cảnh quay bị cho là gò bó, thiếu tự nhiên, khiến bộ phim trở nên kém chuyên nghiệp.
Từ thực tế này có thể thấy, định hướng đầu tư và tư duy về “đầu ra” của phim truyền hình xã hội hóa cần được điều chỉnh để cải thiện chất lượng.
Mở rộng hợp tác
Trước nhu cầu thưởng thức phim truyền hình ngày càng cao, việc các đài truyền hình tự sản xuất nội dung để phát sóng đã tạo ra áp lực không nhỏ. Do đó, mở rộng hợp tác với các đơn vị tư nhân được dự báo sẽ tiếp tục là xu hướng phát triển thời gian tới.
Tuy nhiên, nhiều khán giả cũng cho rằng không nên vì “bí quá mà gật bừa”, dẫn đến việc một số bộ phim khi lên sóng không chỉ gây thất vọng mà còn hứng chịu nhiều lời chê bai. Dù hợp tác dưới bất kỳ hình thức nào, khâu kiểm duyệt nội dung vẫn thuộc trách nhiệm của nhà đài. Chỉ khi nội dung và hình thức phù hợp với thị hiếu khán giả cũng như định hướng phát triển, các đơn vị liên kết mới được xúc tiến hợp tác. Quá trình hợp tác cũng cần đảm bảo cân bằng giữa yếu tố kinh tế và chất lượng nội dung, đồng thời gắn kết chặt chẽ với các giá trị văn hóa.
Chất lượng chưa đồng đều của phim truyền hình xã hội hóa phần nào xuất phát từ việc các đơn vị tư nhân vẫn loay hoay “đãi cát tìm vàng” chọn lọc kịch bản. Để thúc đẩy sự phát triển, cần có cơ chế và chính sách hỗ trợ hợp tác công - tư trong sản xuất phim, bao gồm đào tạo đội ngũ biên kịch, đạo diễn, diễn viên; khuyến khích đầu tư vào trường quay, kỹ thuật và công nghệ. Với sự đầu tư đồng bộ thông qua hợp tác, phim truyền hình xã hội hóa sẽ có bước tiến đáng kể cả về diện mạo lẫn chất lượng.
Một nguyên nhân khác khiến mảng phim này chưa tạo được “sức bật” mạnh mẽ là hoạt động xã hội hóa vẫn thiếu tính chuyên nghiệp. Sự hợp tác chủ yếu dừng ở mức song phương, chưa hình thành một “hệ sinh thái” để các dự án phát triển toàn diện. Điều này dẫn đến tình trạng một số phim chất lượng nhưng lại không được nhiều khán giả biết đến - trong khi yếu tố lan tỏa chính là chìa khóa để tạo nên thành công. Vì vậy, nhà đài và đơn vị sản xuất cần hướng đến hợp tác “đa phương”, tạo mạng lưới kết nối rộng rãi. Phim chất lượng, khi được khán giả đón nhận, sẽ không chỉ mang lại nguồn lực kinh tế lớn mà còn tạo động lực để tiếp tục sản xuất những tác phẩm ấn tượng hơn trong tương lai.