“Trạm yêu thương”:

Câu chuyện về người viết ước mơ cho trẻ khuyết tật

NAM ANH

VHO - Sinh ra với một cơ thể khỏe mạnh bình thường như bao chúng bạn cùng trang lứa, nhưng một biến cố năm lên 4 tuổi đã khiến chị Hà Thị Như Quỳnh (sinh năm 1986, Nam Định) phải bỏ hoàn toàn một bên mắt.

Từng phải đối mặt với những lời kì thị, những lời trêu chọc của bạn bè nhưng chị Quỳnh đã mạnh mẽ vươn lên, mang theo ước mơ, hoài bão giúp trẻ khuyết tật có một tuổi thơ trọn vẹn như bao trẻ em bình thường khác.

Hành trình đầy mạnh mẽ và quyết tâm của cô gái 8X sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương, chủ đề Kỹ sư tâm hồn lên sóng lúc 10h00, thứ 7, ngày 19.7 trên kênh VTV1.

Câu chuyện về người viết ước mơ cho trẻ khuyết tật - ảnh 1
Những chia sẻ của chị Hà Thị Như Quỳnh về hành trình vượt lên nghịch cảnh tại "Trạm yêu thương", số phát sóng ngày 19.7

Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, năm 3 tuổi, sau một lần nô đùa với bạn, Quỳnh bị cát bắn vào và đọng trong mắt. Khi gia đình phát hiện, mắt trái đã hỏng hoàn toàn. Năm 4 tuổi, chị phẫu thuật mổ mắt và phải đeo mắt giả. 

Sau những chuỗi ngày đau vì tiêm, mổ mắt, cô bé Quỳnh khi ấy lại đối mặt với nỗi đau từ sự kì thị của bạn bè. Mỗi ngày đến trường, bị bạn bè chế giễu, xa lánh, có lần mắt giả rơi ra còn bị bạn ném xuống ao cạnh trường… khiến Quỳnh càng thêm tự ti, mặc cảm. Nhưng vì ham học, Quỳnh đã cố gắng học thật giỏi để chứng minh với bạn bè, khiếm khuyết ấy không thể khiến cô lùi bước.

Khi lớn lên, có bạn trai, mặc cảm về ngoại hình một lần nữa khiến Quỳnh rơi vào tuyệt vọng khi gia đình bạn trai phản đối và dùng những câu từ cay độc để nói về cô chỉ vì cô đeo mắt giả.

Câu chuyện về người viết ước mơ cho trẻ khuyết tật - ảnh 2
Phụ huynh, học sinh theo học tại Trung tâm CHIC cảm ơn chị Hà Thị Như Quỳnh về sự hỗ trợ cho những trẻ em đặc biệt

Đau buồn, tuyệt vọng vì cuộc đời không mỉm cười với mình, cô đã nghĩ tới cái chết. Nhưng tình yêu thương vô bờ bến của mẹ đã giúp cô đã từ bỏ ý định đó để tiếp tục sống.

Trong một lần tham gia thiện nguyện ở Yên Bái, khi gặp những đứa trẻ vùng cao có cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn mà vẫn vui cười, hồn nhiên, cảm xúc trong veo của các em bé đó đã giúp Quỳnh trở về với thực tại và quyết tâm “làm một điều gì đó” để các em bé kém may mắn được tự tin hòa nhập.

Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Giáo dục đặc biệt, Quỳnh trở thành người mẹ của những vầng trăng khuyết. Cô chia sẻ, đối tượng của trung tâm là những trẻ rối loạn phát triển, như trẻ rối loạn phổ tự kỉ, trẻ tăng giảm chú ý, trẻ có khó khăn về học tập, trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ down….

Tháng 3.2014, Quỳnh thành lập Nhà cứu trợ trẻ em khuyết tật Đức Minh. Sau 4 năm hoạt động, tháng 3.2018 chị đổi tên Nhà cứu trợ trẻ em khuyết tật Đức Minh thành Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục - CHIC. Nơi ấy trở thành chốn bình yên dành cho những trẻ em đặc biệt.

Câu chuyện về người viết ước mơ cho trẻ khuyết tật - ảnh 3
Món quà từ "Trạm yêu thương" sẽ phần nào giúp chị Quỳnh viết tiếp ước mơ cho những trẻ đặc biệt

Tại đây, chị Quỳnh cùng đội ngũ giáo viên đã xây dựng những lớp học nhỏ, nơi mỗi đứa trẻ được học theo cách riêng của mình, với nhịp điệu riêng; không ai bị bỏ lại phía sau. Mỗi bước tiến của các em, dù là nhỏ nhất hay lớn nhất cũng đều là trái ngọt của sự kiên nhẫn và yêu thương vô điều kiện.

Không chỉ dừng lại ở việc can thiệp trực tiếp, chị còn dành 5 năm để tự tay biên soạn bộ tài liệu Thực hành phát triển giao tiếp.

Chị Quỳnh chia sẻ: “Tôi viết từng dòng với hy vọng có thể giúp những bà mẹ vùng sâu, vùng xa, những người không biết bắt đầu từ đâu cũng có thể dạy con từng bước nhỏ”. Đó không chỉ là bộ sách, mà là tâm huyết và tình yêu thương vô bờ bến chị dành cho những em nhỏ đặc biệt, với mong muốn những cống hiến của mình phần nào giúp các em hòa nhập, tự tin hơn trong cuộc sống.

Trong chương trình, khán giả sẽ được lắng nghe những chia sẻ chân thành từ chị Hà Thị Như Quỳnh, những nỗi đau của bản thân và sự mạnh mẽ, dùng chính năng lực của mình để đi qua những tháng ngày khó khăn ấy.

Qua các phóng sự và cuộc trò chuyện sâu lắng, Trạm yêu thương khắc họa hành trình đặc biệt của chị, từ một cô bé từng bị kỳ thị vì ngoại hình, đến người sáng lập nên Trung tâm CHIC, nơi mỗi đứa trẻ rối loạn phát triển đều được đón nhận bằng cả trái tim.

Trong tương lai, chị Quỳnh mong muốn có thể mở rộng mô hình CHIC, đưa bộ học liệu Thực hành phát triển giao tiếp đến với thật nhiều gia đình đang gặp khó khăn và xây dựng hệ sinh thái giáo dục dành riêng cho trẻ em khuyết tật tại Việt Nam. Món quà của Trạm yêu thương sẽ chắp cánh cho ước mơ đầy nhân văn ấy.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc