Vai trò của nghệ sĩ trong lan tỏa giá trị văn hóa

THÙY TRANG

VHO - Là người của công chúng, phát ngôn của các nghệ sĩ có thể làm cho nhiều người hiểu sai về văn hóa truyền thống, từ đó phủ nhận những giá trị văn hóa của quá khứ. Đây mới là điều đáng lo ngại...

Vai trò của nghệ sĩ trong lan tỏa giá trị văn hóa - ảnh 1
Báo Văn Hóa đã có bài viết phản ánh việc ca sĩ trèo lên mái nhà cổ chụp ảnh

Gần đây, mạng xã hội đưa lại video clip ca sĩ Lê Cát Trọng Lý trả lời phỏng vấn trong một chương trình về việc “bảo tồn văn hóa”. Cũng cách đây không lâu, ca sĩ Đức Tuấn đã có ứng xử thiếu văn hóa khi trèo lên mái nhà cổ ở Hội An chụp ảnh… 

Cả hai đều là các nghệ sĩ nổi tiếng và tạo được chỗ đứng trong làng âm nhạc, thế nhưng, những phát ngôn và hành động của các nghệ sĩ về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa còn khá “non nớt”. Vai trò của nghệ sĩ trong lan tỏa giá trị văn hóa đã bị chính bản thân họ xem nhẹ.

Trong clip nói trên, Lê Cát Trọng Lý cho rằng “văn hóa không thể bảo tồn được, vì không liên quan gì đến đời sống hiện tại”; đồng thời ví “văn hóa chỉ như xác ướp hay những món đồ cổ cũ kỹ không có gì là đẹp, là giá trị”… 

Bày tỏ ý kiến về những nhận định này, TS Hà Thanh Vân - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng: Với quan điểm như vậy về văn hóa, Lê Cát Trọng Lý có thể nói với bạn bè ở những nơi riêng tư, vui vẻ như là đang “tán gẫu” thì là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên vì cô ấy là một người nổi tiếng, được công chúng thiện cảm và ưu ái, và quan điểm này của cô ấy được thể hiện nơi công cộng, lan truyền trên mạng, thì đó lại là một vấn đề cần nói thêm. Đó là một quan điểm đơn chiều và có phần nào cực đoan về văn hóa, làm thấp giá trị của văn hóa.

“Bản thân tôi đã nghe đầy đủ 1 giờ 24 phút clip bản gốc cuộc phỏng vấn của Lê Cát Trọng Lý. Cảm nhận cá nhân của tôi là Lê Cát Trọng Lý sáng tác nhạc hay hơn, còn khi trả lời phỏng vấn thì biểu lộ một sự vô tư thái quá… Bạn ấy nói mang tính chất cảm tính nhiều và không có sự cẩn trọng trong phát ngôn của một nghệ sĩ, người của công chúng”, TS Vân cho biết.

Theo TS Hà Thanh Vân, Lê Cát Trọng Lý cũng chỉ dùng quan điểm chủ quan của cá nhân để phán xét nên có sự thiên kiến và chưa đúng.

Có những truyền thống vẫn luôn được bảo tồn và kêu gọi bảo tồn, ví dụ như chuyện cúng giỗ cho ông bà tổ tiên hay thắp hương ngày Tết âm lịch. Nhiều bạn trẻ bây giờ đang có phong trào mặc cổ phục. Một số người có thói quen sưu tầm cổ vật… Khi Lê Cát Trọng Lý nói vậy, dù vô tình, nhưng cũng đã xúc phạm đến sở thích, thói quen của nhiều người.

Điều quan trọng nhất, Lê Cát Trọng Lý là người của công chúng, phát ngôn của cô ấy có thể khiến cho một bộ phận công chúng phẫn nộ lên án, nhưng đồng thời cũng có thể làm cho nhiều công chúng hiểu sai về văn hóa truyền thống. Từ đó phủ nhận những giá trị văn hóa của quá khứ. Đây mới là điều đáng lo ngại.

Mới đây, trong chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” (phát sóng trên kênh truyền hình VTV3 từ ngày 29.6.2024 - PV), khi MC Anh Tuấn hỏi các nghệ sĩ Tự Long, ca sĩ Cường Seven và Soobin về việc tại sao lại biểu diễn tiết mục “Trống cơm”, NSND Tự Long đã trả lời, trong đó có một câu ngắn gọn và đầy cảm xúc rằng: “Văn hóa là bản chất! Văn hóa là cội nguồn! Văn hóa là dân tộc!”, chứng tỏ nam nghệ sĩ cũng rất tâm huyết với việc lan tỏa văn hóa.

Nói thêm về câu chuyện trèo lên mái nhà cổ ở Hội An chụp ảnh của ca sĩ Đức Tuấn hồi tháng 7. Sau vụ ồn ào và bị khán giả phê phán, chẳng những không lên tiếng xin lỗi về hành vi không đẹp của mình, khi có ý kiến góp ý ca sĩ cần tôn trọng quần thể di tích lịch sử Hội An, thì ca sĩ Đức Tuấn bình luận, phản hồi: “Dạ không phải nhà nào trong phố cổ cũng thuộc di tích ạ. Và mái nhà Tuấn đứng chụp không phải nhà cổ và được xây dựng nhằm mục đích chụp ảnh ạ. Mình có thể nghiên cứu thêm nhé. Trân trọng”. 

Cách trả lời này khiến nhiều người bất bình hơn, đồng thời đề nghị chính quyền TP Hội An xem xét, xử phạt trường hợp này. Nhiều người dân ở Hội An cho rằng hành vi của ca sĩ Đức Tuấn không thể chấp nhận, vì nó rất phản cảm, vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Dường như thấy mình bị “ấm ức” khi bị dư luận chỉ trích, mấy ngày sau, nam ca sĩ chủ động “khơi” lại chuyện cũ khi chia sẻ lại bộ ảnh nói trên - trừ bức ảnh đứng trên mái nhà cổ. Trong phần trả lời bình luận bài đăng, anh không ngại đáp trả những bình luận của cộng đồng mạng, điều mà một nghệ sĩ vừa mắc lỗi hiếm ai làm vì điều đó giống sự thách thức…

Theo đó, trước những bình luận về việc một số tấm ảnh đã “bay màu”, Đức Tuấn đáp lại một cách cợt nhả, đại ý, nam ca sĩ bảo rằng muốn tìm mấy tấm hình bị xóa dễ lắm, lên mạng “gú gồ” (Google) là thấy. Hiện nam ca sĩ cũng chưa có lời xin lỗi công khai cho hành vi trèo trên mái nhà cổ để chụp hình.

Sự việc “chụp ảnh” chưa kịp lắng xuống, mới đây Đức Tuấn lại có phát ngôn sai lệch khi nói về việc tu bổ di tích Chùa Cầu ở Hội An. Nam ca sĩ viết trên trang cá nhân: “Thương các anh, lần này sai không có ai để đổ lỗi, để hứng giùm rồi. Thôi, ráng sơn phết che đậy lại bớt vậy(?!).

Nghệ sĩ cần công chúng, vì công chúng và cũng chính công chúng đưa họ lên những đỉnh cao của nghệ thuật, tạo tên tuổi và thu nhập. Song, nếu nghệ sĩ không biết trân trọng, không có thái độ cầu thị, lắng nghe và điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn, thiếu văn hóa thì sớm muộn cũng sẽ bị quay lưng. 

Vai trò của nghệ sĩ trong lan tỏa giá trị văn hóa - ảnh 2
TS Hà Thanh Vân

“Tôi nghĩ vai trò của các nghệ sĩ trong giới showbiz rất quan trọng. Qua chuyện của NSND Tự Long, tôi cho rằng nếu nghệ sĩ nặng lòng, thiết tha với văn hóa truyền thống, thì sẽ tạo cảm hứng, định hướng cho công chúng của mình cũng có mối quan tâm chung như vậy.

Việc bảo tồn văn hóa truyền thống trong giới trẻ bây giờ không hề dễ dàng, bởi vì giới trẻ có xu hướng chú ý đến những hình thức giải trí hấp dẫn hơn, hiện đại hơn. Vừa qua Bộ VHTTDL đã đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Chương trình đưa ra các nhóm nội dung chính: Phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật,...

Đây là một chương trình có ý nghĩa quan trọng, với mục tiêu tạo ra những động lực và nguồn lực cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Do vậy, tôi hy vọng rằng chương trình này sẽ đưa ra những giải pháp thiết thực để khơi dậy tinh thần bảo tồn và lan tỏa văn hóa truyền thống”, TS Hà Thanh Vân nhấn mạnh.