Tuần phim Tài liệu Hà Nội công chiếu 20 tác phẩm đặc sắc
VHO - Tuần phim tài liệu Hà Nội trên VTVgo với 20 bộ phim đặc sắc là điểm nhấn trong chuỗi chương trình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954- 10.10.2024)
20 bộ phim tài liệu đặc sắc tại Tuần phim Tài liệu Hà Nội là những tác phẩm đã được Đài THVH, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Hãng phim Sao Khuê - Hội Điện ảnh Hà Nội, nhà làm phim độc lập- ông Jean - Noel Poirier (cựu Đại sứ Pháp) sản xuất.
Những bộ phim này sẽ được công chiếu trên nền tảng số quốc gia VTVgo nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Cùng với việc công chiếu 20 bộ phim tài liệu, nhóm sản xuất tổ chức hoạt động giao lưu với các đoàn làm phim cùng 3 bộ phim được chiếu trực tiếp tại trường quay S7 – Đài THVN vào các ngày 4, 5, 6.10.2024.
20h - 21h00 ngày 4.10 chiếu phim và giao lưu ekip làm phim “Bác sĩ Trần Duy Hưng - một phẩm cách Hà Nội”;15h00 - 16h00 ngày 5.10 chiếu phim và giao lưu ekip làm phim “Linh hồn Hà Nội”; 15h00 - 16h00 ngày 6.10 chiếu phim và giao lưu ekip làm phim “Hà Nội trong mắt ai”.
Hướng tới tháng Mười lịch sử, Đài THVN sản xuất mới 3 bộ phim tài liệu: "Nhà của chúng tôi" (3 tập), "Nơi hoà bình bắt đầu" và "Bác sĩ Trần Duy Hưng - Một phẩm cách Hà Nội". Cả 3 phim đều phát sóng trên các kênh quảng bá và tham gia sự kiện "Tuần phim tài liệu Hà Nội trên VTVgo".
Cùng với “Tuần phim tài liệu Hà Nội trên VTVgo", trong dịp kỷ niệm này, Đài THVN cũng thực hiện nhiều sự kiện, chương trình trọng điểm như chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Hà Nội - Bản hùng ca phố", phim tài liệu "Bác sĩ Trần Duy Hưng- Một phẩm cách Hà Nội", phim truyền hình "Hoa sữa về trong gió"…
Mong muốn kể câu chuyện về Hà Nội trong bề dày lịch sử với những cách thể hiện sáng tạo, các chương trình giao lưu nghệ thuật mang tới những góc nhìn riêng. Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Hà Nội - Bản hùng ca phố” đưa khán giả quay trở về những dấu mốc lịch sử hào hùng.
Phía sau ánh hào quang cờ hoa ngày tiếp quản là 80 ngày chuẩn bị công phu của người dân thành phố. Phía sau 80 ngày chuẩn bị tiếp quản là 9 năm kháng chiến trường kỳ với bao máu xương và chiến công tiêu biểu Điện Biên Phủ lừng lẫy. Phía sau 9 năm kháng chiến là một khát vọng vĩ đại của dân tộc: toàn dân đứng lên cho một ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Khát vọng độc lập tự do của đất nước đã tập trung ở Thủ đô Hà Nội. 10.10 là ngày vinh quang của dân tộc giành được tự do.
“Bài ca Hà Nội” là chương trình giao lưu nghệ thuật, khắc hoạ khí chất người Hà Nội kiên cường, hào hoa; là thành phố của những di sản, miền đất linh thiêng; nơi kết nối của quá khứ - hiện tại - tương lai, kết nối các thế hệ thông qua các sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
"Talk Vietnam - Bốn phương trời nhớ về Hà Nội” là chương trình đặc biệt với sự tham gia của nhiều người bạn nước ngoài có tình cảm đặc biệt đối với Hà Nội. Các vị khách chia sẻ những câu chuyện về tình yêu sâu sắc cũng như những đóng góp của họ trong nhiều năm qua để làm cho Hà Nội đẹp hơn, sạch hơn, xứng đáng là nơi nội tụ tinh hoa của văn hoá và truyền thống Việt Nam.
Với góc nhìn của các nhà làm phim điện ảnh-truyền hình, khán giả sẽ dõi theo hai tác phẩm trên sóng VTV. Bối cảnh phim “Đào, phở và piano” khắc hoạ khoảng thời gian chiến tranh ác liệt tại phố phường Thủ đô trong cuộc chiến cuối năm 1946, đầu năm 1947. Trong không khí bao trùm bởi bom đạn, những người ở lại khu phố vẫn giữ tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống, con người và cái đẹp.
Ra mắt khán giả đúng vào những ngày thu Hà Nội, “Hoa sữa về trong gió” là bộ phim truyền hình đậm chất Hà thành, từ bối cảnh, câu chuyện, đạo cụ, tạo hình nhân vật, tình huống. Phim lên sóng và quay vào mùa thu Hà Nội khiến không gian phố phường, ngõ nhỏ, quán cà phê, ghế đá bên hồ... đều mang lại nhiều cảm xúc cho người nghệ sĩ khi hoá thân vào nhân vật.
Các diễn viên thế hệ trước như NSND Tiến Đạt, NSƯT Thanh Quý, NSND Ngọc Thu, NSND Thanh Tú đều trân trọng với từng cảnh quay, trong đó có cảnh ghi hình ở phố Phan Đình Phùng với hàng cây xanh mát trước khi cơn bão Yagi đổ bộ tới. Bên cạnh đó, vẻ đẹp của Thủ đô còn được đan xen trong câu chuyện của mỗi gia đình, từng con người, làm nổi bật nét văn hoá của người Hà Nội.
Cùng tham gia các chương trình, bộ phim kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu đến từ nhiều lĩnh vực nghệ thuật và đều có thời gian gắn bó với Thủ đô.
“Hà Nội - Bản hùng ca phố” có sự xuất hiện của ca sĩ Hồng Nhung, NSND Tấn Minh, NSƯT Đăng Dương, Lê Anh Dũng, Tạ Quang Thắng, Đông Hùng, Bảo Trâm, nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa …
Tham gia các tiết mục biểu diễn trong “Bài ca Hà Nội” là các ca sĩ: NSND Quang Thọ, NSND Tấn Minh, ca sĩ Mỹ Linh, Khánh Linh, nhóm Oplus, nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, ca sĩ Đinh Mạnh Ninh, Rapper Dr. Peem, vũ đoàn Flame…
Nhiều bộ phim, chương trình kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10.10
- Phim tài liệu “Hà Nội niềm tin” (3 tập)
- Bây giờ và ở đây: “Thủ đô Hà Nội – Những dấu son còn mãi” (4 tập)
- Chương trình giao lưu nghệ thuật “Bài ca Hà Nội”
- Talk Vietnam “Bốn phương trời nhớ về Hà Nội”
- Phim tài liệu "Nơi hoà bình bắt đầu"
- Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, truyền hình trực tiếp 9h00 ngày 10.10 trên VTV1
- Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt “Hà Nội - Bản hùng ca phố,” truyền hình trực tiếp 20h10 ngày 10.10 trên VTV1
- Phim tài liệu “Bác sỹ Trần Duy Hưng - Một phẩm cách Hà Nội”
- Phim truyện truyền hình “Hoa sữa về trong gió”
- Phim truyện điện ảnh “Đào, Phở và Piano”
- Các bộ phim tài liệu phát sóng trên VTVgo: “Hà Nội bốn mùa”, “Phố nghề Hà Nội” , “Chùa Trấn Quốc,” “Đàn Nam Giao” , “Di tích tiền Thăng Long”, “Linh hồn Hà Nội”, “Ghi dấu cùng Thủ đô”, “Nơi hòa bình bắt đầu,” “Bác Hồ với Hà Nội,” “Bác sỹ Trần Duy Hưng - một phẩm cách Hà Nội,” “Nhà của chúng tôi”, “Phố cổ Hà Nội,” “Ngoại ô,” “Thành phố bên sông Hồng,” “Hà Nội trong mắt ai,” “Văn Miếu-Quốc Tử Giám,” “Lúc sương tan,” “Hà Nội của tôi” (Mon Hanoi), “Hà Nội niềm tin” , “Sinh năm 1972.”