Phẫn nộ những youtuber, tiktoker câu view bất chấp
VHO - Không thể tưởng tượng người ta có thể lừa dối, mua vui trong lúc đồng bào đang tận cùng khốn khó, đau thương qua những youtuber, tiktoker, facebooker câu view bất chấp. Lần này, tiếp tục là những nội dung không thể chấp nhận khi trong bối cảnh người dân vùng bão lũ đang khổ cực khốn cùng thì vô số tin giả, hình giả, hình gán ghép… tràn lan xuất hiện, câu like, câu view kiếm tiền.
Lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) nhấn mạnh, đang có một bộ phận nhà sáng tạo nội dung đi chệch hướng, chạy theo view, làm nội dung bất chấp. Điều này khiến các nền tảng tràn lan những nội dung tiêu cực, lá cải, thậm chí xấu độc. Dư luận đề nghị cần nghiêm khắc xử lý.
Sự thật sau những hình ảnh “viral”
Trong những ngày trùng điệp những thông tin đau thương, tang tóc vì bão lũ, trên nhiều trang mạng xã hội lan truyền hình ảnh một người chồng đang cố gắng đẩy vợ con trong chiếc chậu, di chuyển trong khu vực ngập nước được cho là tại xã Ngọc Linh, (huyện Vị Xuyên, Hà Giang). Bức ảnh được chia sẻ kèm theo dòng nội dung khiến nhiều người rơi nước mắt: “Nghẹn lòng hình ảnh sơ tán của một gia đình ở xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang... Bão số 3, mưa lũ và những đau thương mất mát không bao giờ nguôi ngoai”.
“Cơn bão” những dòng chia sẻ cảm xúc, trạng thái buồn thương phía dưới những bài đăng, chia sẻ hình ảnh này. Tuy nhiên, ngay sau khi bức ảnh được lan truyền, chính quyền địa phương đã lên tiếng. Thật sửng sốt khi đây lại chỉ là một tình huống dàn dựng của một youtuber ở Hà Giang! UBND xã Ngọc Linh cho biết, đây là hình ảnh của vợ chồng anh Phạm Xuân Dư (trú tại thôn Tân Lập, xã Ngọc Linh). Trong thời gian qua vợ chồng anh Dư là youtuber tại địa phương. Hình ảnh này là một trong những nội dung anh Dư thực hiện vào thời điểm mưa lũ để đăng lên mạng. Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, từ sáng 9.9, trên địa bàn xã Ngọc Linh có nhiều điểm bị ngập úng cục bộ. Lực lượng chức năng địa phương đã tích cực khắc phục hậu quả và đảm bảo an toàn cho các phương tiện di chuyển tại các khu vực xảy ra ngập úng; sơ tán người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn. UBND xã Ngọc Linh cũng cho biết, gần đây có trường hợp lợi dụng sự quan tâm của nhân dân với tình hình mưa lũ để “câu” like, view trên mạng xã hội với nội dung sai sự thật, đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm.
Chưa hết. Hình ảnh một cậu bé nước mắt lã chã cũng được đăng tải và lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, kèm theo những trạng thái xót thương của cộng đồng mạng trước thông tin mẹ em đã bị dòng nước lũ cuốn trôi. Nhưng sự thật lại hoàn toàn không phải vậy. Cô giáo của cậu bé, chị Mai Thị Xoan, giáo viên lớp 1 điểm trường Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang) lên tiếng: “Đây là bài viết lâu rồi và bây giờ mới được đăng lại vào đúng thời điểm bão lũ này! Tôi xin đính chính và khẳng định em nhỏ này không phải khóc vì mẹ bị lũ cuốn, bởi thời điểm ghi hình này em nhỏ là học sinh mẫu giáo 5 tuổi, còn hiện tại em nhỏ là học sinh lớp 1 điểm trường Mã Pì Lèng, thuộc trường PTDTBT TH&THCS Pải Lủng, Mèo Vạc, Hà Giang do tôi trực tiếp tiếp chủ nhiệm...”. Cô giáo Mai Thị Xoan thông tin thêm: “Tên bé là Giàng Mí Lúa, mẹ là Giàng Thị Sùng, bố là Giàng Mí Chứ thuộc thôn Mã Pì Lèng. Hiện tại gia đình bé vẫn đầy đủ cả bố mẹ, bé khóc là do theo mẹ xuống nương thôi và có thể người quay lại khoảnh khắc này của bé không hiểu được ngôn ngữ tiếng địa phương nên không rõ được bé nói gì!”. Ngay sau thông tin đính chính của nữ giáo viên điểm trường Mã Pì Lèng, nhiều người sử dụng facebook và các nền tảng mạng xã hội vội vàng đính chính. Đi kèm là những trạng thái bức xúc, lên án những hành vi bất chấp để đăng tải những thông tin giả mạo, gây sự chú ý và kiếm tiền.
Không ít thông tin, hình ảnh fake, không đúng sự thật, câu view bất chấp tương tự cũng đã xuất hiện trong những ngày qua, khi thiên tai bão lũ khiến bao gia đình đau thương, tang tóc, khi cả cộng đồng đang phải gồng gánh, “lá lành đùm lá rách”, phát huy tinh thần dân tộc để đùm bọc lẫn nhau đi qua những ngày giông bão. Nhiều người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong cộng đồng “trót” like, share những bức hình, thông tin khi chưa kiểm chứng vội vàng lên tiếng xin lỗi. Nhiều người bức xúc, gay gắt lên án và gọi đó là những “cú lừa”, những hành vi phi đạo đức và không thể chấp nhận, cần phải xử phạt nghiêm khắc.
Cần môi trường cổ vũ sáng tạo nội dung “sạch”
Ông Lê Quang Tự Do (Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT) nhấn mạnh, đang có một bộ phận nhà sáng tạo nội dung đi chệch hướng, chạy theo view, làm nội dung bất chấp. Điều này khiến các nền tảng có những nội dung tiêu cực, lá cải, thậm chí xấu độc.
Hiện tượng câu view bất chấp những nguyên tắc đạo đức của nhiều youtuber, tiktoker, facebooker trong những ngày mưa bão này không phải lần đầu tiên xuất hiện. Trước đây, đã có không ít youtuber, tiktoker tụ tập quay clip, livestream tạo dư luận nóng trên mạng xã hội, làm xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của người trong cuộc, khiến dư luận bức xúc, lên án. Điều đáng nói, đánh vào tâm lý của cộng đồng, những đối tượng này thường có hành vi câu view, câu like trên nỗi đau người khác. Những hoàn cảnh đáng thương, trẻ em nghèo, những nhân vật thu hút sự quan tâm của xã hội… là đối tượng mà nhiều youtuber, tiktoker hướng đến để thực hiện các hành vi câu view, câu like. Nhằm đẩy lùi, xóa bỏ hiện tượng tiêu cực này, Ngày hội các Nhà sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 sẽ được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử tổ chức vào tháng 11.2024 tại TP.HCM, với sự tham gia của hàng trăm nhà sáng tạo nội dung.
Tại buổi lễ công bố sự kiện, ông Lê Quang Tự Do một lần nữa đề cập đến thực trạng “loạn” nội dung do các tiktoker, youtuber câu view bất chấp trong thời gian qua. Ông Tự Do nhấn mạnh, bên cạnh những nội dung “sạch”, có tác động tích cực với đời sống xã hội thì còn có vô số những nội dung tiêu cực, cần xóa bỏ. “Có những người làm nghề suốt 10 năm, nổi tiếng, thành công nhưng không có một danh phận. Danh xưng Tiktoker, Youtuber… cũng là tự đặt với nhau. Trong quá trình đó, có một bộ phận nhà sáng tạo nội dung đi chệch hướng, chạy theo view, làm nội dung bất chấp. Điều này khiến các nền tảng có những nội dung tiêu cực, lá cải, thậm chí xấu độc”, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Không có danh phận, không ít nhà sáng tạo nội dung đi chệch hướng, câu view, làm nội dung bất chấp. Họ ít được tiếp cận với các quy định pháp luật, không tiếp cận được trực tiếp với các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng mà phải thông qua người đại diện, dẫn đến nhận thức không hiếm là cứ làm nội dung nhiều view sẽ kiếm được bội tiền…. Bấy lâu nay, nhiều người vẫn gọi chúng tôi là “bọn Tiktoker, Youtuber”, chưa có một tên gọi chính thức nào để định hướng và cổ vũ những người sáng tạo nội dung số”, một nhà sáng tạo nội dung số lên tiếng. Ông Hoàng Nam, chủ kênh Youtube “Challenge Me - Hãy thách thức tôi” bày tỏ sự chờ đợi khi có một sự kiện chính thức dành cho các nhà sáng tạo nội dung. “Trước đây tôi mò mẫm, tự học, tự làm nên khá mông lung, thỉnh thoảng tự đặt câu hỏi liệu đó có phải là nội dung nhạy cảm, có nên đăng tải... Vậy nên, tôi kỳ vọng Vietnam iContent sẽ là nơi định hướng, là sân chơi cho các nhà sáng tạo nội dung, giúp chúng tôi có danh xưng chính thức”, ông Hoàng Nam chia sẻ.
Bà Thảo Griffiths, Giám đốc Chính sách công phụ trách thị trường Việt Nam, tập đoàn Meta đánh giá, Ngày hội sẽ là sự kiện đặc biệt quan trọng để tạo sân chơi lành mạnh cho các nhà sáng tạo nội dung. “Chúng tôi ý thức được việc phát triển, tạo dựng cộng đồng cùng sáng tạo, lan tỏa những giá trị tốt đẹp “, bà Thảo nhấn mạnh.